Sáng ngày 4/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tham dự chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lươc, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. 

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đình Trung

Bộ trưởng nhấn mạnh, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. 

Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”. 

Ông đánh giá, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển bị động sang ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá.

Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh những thành công đạt được, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, công tác bảo vệ môi trường còn có những tồn tại, hạn chế.

Hội nghị Môi trường Toàn quốc lần thứ V. Ảnh: Đình Trung

Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của ngành TN&MT trong tương lai phải có giải pháp đồng bộ chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

Đưa ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các lưu vực sông; thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải.

Phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường. Ảnh: Quản lý Nhà nước

Tại báo cáo “Nhận diện thời cơ, thách thức và định hướng nhiệm vụ, giải pháp của công tác bảo vệ môi trường giai đoạn tới”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá: tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động; đặc biệt nổi lên là ô nhiễm tại một số lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại một số thành phố lớn. 

Nguy cơ này nếu không có giải pháp để kiểm soát, xử lý kịp thời sẽ tác động lớn đến mục tiêu phát triển bền vững. 

Hạ tầng cho công tác BVMT mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. 

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý. 

Ô nhiễm môi trường tại làng nghề tái chế nhôm Văn Môn, Yên Phong (Bắc Ninh)

Số lượng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế, dẫn đến thiếu thông tin cho việc dự báo, cảnh báo. 

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%; hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. 

Việc phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện trong giai đoạn vừa qua và hiện nay mới đang bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện theo tinh thần của Luật BVMT 2020. 

Bộ TN&MT nhấn mạnh thông điệp: bảo vệ môi trường cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. 

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Văn Thành đánh giá cao những nỗ lực của Bộ TN&MT trong thời gian qua, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ thời gian tới. 

Phó Thủ tướng đánh giá, Hội nghị Môi trường toàn quốc thể hiện quyết tâm trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là biểu hiện cụ thể những hành động của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường.