Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị cho một bé gái từ Đắk Lắk chuyển đến trong tình trạng bỏng vùng lưng, mông, đùi trái.

Theo người nhà bệnh nhân, nhiệt độ ở Tây Nguyên thời điểm giao mùa dịp cuối năm khá lạnh, thỉnh thoảng có mưa. Vì bé gái mới 7 tháng tuổi, gia đình sợ con bị nhiễm lạnh nên mua than củi về đốt sưởi ấm, đặt dưới đầu giường. 

Tai nạn xảy ra khi người mẹ đi làm việc nhà và dặn bé trai 5 tuổi trông em. Trong lúc bé trai không chú ý, bé gái 7 tháng tuổi đã trườn, lật và rơi trúng lò than đang cháy. Khi nghe hô hoán, người mẹ vội chạy vào và đưa bé đi cấp cứu.

Tại bệnh viện địa phương, bé được sơ cứu, truyền dịch, dùng thuốc chống nhiễm trùng, chẩn đoán bỏng lửa độ 2-3 vùng lưng mông, đùi, cẳng bàn chân trái, diện tích 18%. Sau đó, bé được chuyển lên TP.HCM. 

Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã điều trị tích cực, thay băng, dùng kháng sinh. Sau một thời gian, bé diễn tiến tốt hơn.

Bệnh nhi 7 tháng tuổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Mặc dù có nhiều cảnh báo nguy hiểm do đốt than sưởi ấm, nhưng hằng năm, các bệnh viện vẫn phải tiếp nhận nạn nhân bỏng vì lý do trên. Ngoài nguy cơ gây bỏng, đốt than trong phòng kín còn có thể gây ngạt, thậm chí tử vong. 

Theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Khoa Nội y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, thời điểm cuối năm hay lúc thời tiết trở lạnh, khắc nghiệt, người dân thường có thói quen đun củi, đốt than đá... sưởi ấm. Trong khói than chứa nhiều thành phần độc hại như: CO, CO2, nitơ oxit (NOx), lưu huỳnh oxit (SOx), muội than, hydrocacbon chưa cháy hết…

Khi tỏa ra trong không khí, các chất này có thể là tác nhân khởi phát cơn khó thở đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh hen suyễn, là tác nhân gây ngạt với hệ hô hấp non nớt của trẻ em. Ngoài ra, tiếp xúc thường xuyên với khói than làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.

Bác sĩ Ngân cho biết, trong y văn ghi nhận một bệnh lý phổi ở những phụ nữ vùng nông thôn ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông. Bệnh liên quan đến việc tiếp xúc lâu dài với khói than, có tên "xơ phổi than phế quản" hay bệnh "bụi phổi". Các mô sâu ở trong phổi dày lên, cứng hơn do mất tính đàn hồi và tạo sẹo, làm hạn chế chức năng hô hấp.

Khói than, bụi bồ hóng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn tuổi, người có bệnh lý tim mạch, bệnh nhân ung thư, thể trạng suy yếu. Phụ nữ mang thai nếu tiếp xúc với khói than lâu ngày có nguy cơ sảy thai, dị tật bào thai.

Đốt than sưởi ấm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Theo bác sĩ Ngân, vào mùa lạnh, việc đốt than để sưởi ấm tăng lên, số ca nhập viện vì ngộ độc khí CO cũng tăng theo. Biểu hiện ngộ độc khí CO bao gồm: đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, thay đổi tri giác, co giật, hôn mê. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân không sử dụng than đá để sưởi ấm; Không dùng để xông, hơ cho mẹ và bé nhỏ. Đối với gia đình còn đun nấu bằng than, củi,... vị trí đun nấu nên cách xa phòng ngủ, có ống thông khói, đặt ở nơi thoáng đãng, vệ sinh thường xuyên. 

Để giữ ấm trong mùa lạnh, với người lớn, có thể thêm chút gia vị trong món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng hoặc giữ thói quen tập luyện thể thao mỗi ngày. Với trẻ em, cha mẹ có thể giữ ấm bằng cách cho mặc quần áo ấm, đội mũ, mang tất.