Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu, là phên dậu biên cương phía bắc, nơi khởi nguồn của cách mạng Việt Nam.

Với ưu thế đường biên giới dài trên 333km, giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, tỉnh có mạng lưới các cửa khẩu quan trọng và nhiều lối mở, đường mòn qua lại biên giới hai nước.

Thêm vào đó, tỉnh còn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn như sắt, chì, kẽm, vật liệu xây dựng.. và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như lê, thạch đen, hạt dẻ, gạo nếp, quýt, trà…

Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nét đẹp hoang sơ, với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng miền núi phía bắc, Cao Bằng có nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ không chỉ mang giá trị đa dạng sinh học, di sản, địa chất, địa mạo độc đáo mà còn có nhiều di tích lịch sử khảo cổ học nổi tiếng.

Ngoài ra, Cao Bằng còn có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc với 27 dân tộc anh em, chiếm khoảng 95% dân số toàn tỉnh, với những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, phong phú, ẩm thực đa dạng, tạo nên sự giao thoa, hình thành văn hóa dân tộc bản địa, trở thành nét đặc trưng của vùng đất Cao Bằng.

Những điều kiện thuận lợi trên giúp tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc triển khai những trọng tâm đột phá, bao gồm đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, giúp Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía bắc; phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp hướng đến xuất khẩu; phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi Trung Quốc, Kazakhstan sang các nước châu Âu và ngược lại.

Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi biên giới, Cao Bằng vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực yếu, quy mô kinh tế còn nhỏ, tiềm năng, lợi thế chưa được khai mở.

Với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế để vươn lên, tỉnh đang nỗ lực chuyển đổi số để qua đó thu hút các nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức quốc tế đến với Cao Bằng để chia sẻ và có những đóng góp hợp tác với Cao Bằng để cùng phát triển, trên cơ sở 2 bên cùng có lợi.

Là tỉnh miền núi, giáp biên, năm 2023, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lại thêm những tác động gián tiếp bởi biến động chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới khiến cho Cao Bằng đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh đã tập trung triển khai là đẩy mạnh chuyện đổi số, là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, song hành với đó, tỉnh dành nhiều thời gian, công sức tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư cả trực tiếp và cả trên ứng dụng công nghệ số để giới thiệu đậm về tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Trong một chương trình xúc tiến quảng bá về tiềm năng, lợi thế của Cao Bằng mới đây tại Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, tỉnh sẽ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm tạo ra các giá trị mới, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức đến khảo sát các lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung kêu gọi đầu tư như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, kinh tế biên mậu, qua đó thu hút được nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao năng lực phối hợp, triển khai các cam kết đã ký trên cơ sở phát triển bền vững, giúp Cao Bằng trở thành điểm đến kết nối và phát triển.

Cũng tại chương trình đó, với nhãn quan của một nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, Cao Bằng hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn ưu tiên của các đối tác quốc tế trong thời gian tới, với những định hướng, tầm nhìn chiến lược và lựa chọn các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển mang tính đột phá, tương xứng với những tiềm năng của mình.

Tận dụng những tiện ích mang lại từ chuyển đổi số, tỉnh Cao Bằng đã hoạch định và đang bằng quyết tâm chính trị, phấn đấu nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư đổ về tỉnh, cùng hợp tác làm ăn, cùng hưởng lợi.

Một nhiệm vụ trọng tâm được Cao Bằng triển khai mạnh mẽ trên nền tảng công nghệ số là giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ một cửa, một cửa liên thông cấp huyện theo phương châm “đúng giờ, đúng hẹn, đúng quy định”.

Điểm nhấn về kết nối người dân doanh nghiệp với chính quyền tỉnh Cao Bằng trong năm 2023 là việc tỉnh dồn nhiều nguồn lực xây dựng nền tảng Công dân số nhằm cung cấp kênh thông tin kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Nền tảng này giúp người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu các tiện ích cơ bảnnhư: thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ, thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin đất đai, thửa đất quy hoạch tại tỉnh và tương tác với hệ thống nền tảng khác, thực hiện mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, thực hiện phản ánh kiến nghị người dân và chính quyền, kết nối người dân và chính quyền tương tác trên môi trường số tiến tới hình thành nên một nền tảng số duy nhất phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Nền tảng cung cấp công cụ cho công chức trong việc điều hành, xử lý và hỗ trợ các yêu cầu, phản ánh của người dân đến với cơ quan nhà nước, đảm bảo các phản ánh của người dân được gửi đến cơ quan nhà được được điều hành xử lý nhanh chóng, minh bạch và công khai đến với người nhân, tiến tới hình thành nên một nền tảng số duy nhất phục vụ cho công chức.

Báo cáo mới đây của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho thấy, thời điểm hiện tại, nhận thức về chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và đội ngũ công chức, người lao động đã được nâng cao. Công cuộc chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong các cơ quan hành chính công mà còn được các doanh nghiệp đồng lòng hưởng ứng.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu về quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội… Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng trong năm 2023 triển khai mạnh mẽ các hoạt động chuyển đổi số để hướng đến cải thiện môi trường đầu tư và thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Một trong những tiện ích có được từ hoạt động chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp ở Cao Bằng là việc đẩy mạnh xử lý hồ sơ, thủ tục trên môi trường điện tử. Theo đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được duy trì hoạt động đảm bảo thông suốt, trong năm 2023, toàn bộ văn bản đi đến của Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn bằng điện tử.

Đã có gần 50% thủ tục hành chính được giải quyết theo quy trình 4 tại chỗ. Sở còn đề xuất 8 thủ tục hành chính chỉ thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến nhằm hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của cơ quan trên cổng dịch vụ công.

Trong tổng số 116 thủ tục hành chính liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 97,4%. Đáng chú ý, 100% thủ tục hành chính được tích hợp trên cổng đăng ký kinh doanh quốc gia, cổng dịch vụ công của tỉnh vàCổng dịch vụ công quốc gia.

Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành chủ lực trong tỉnh, Cao Bằng xác định, tiếp tục quyết liệt cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh định kỳ tổ chức các buổi giao lưu, đối thoại nhằm lắng nghe, nắm bắt những khúc mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.

Việc Thủ tướng Chính phủ đã thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là tiền đề quan trọng để Cao Bằng sớm lọt vào nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Một cơ hội mới đang mở ra với rất nhiều kế hoạch lớn, thiết thực.  Chắc chắn Cao Bằng sẽ bứt phá, tạo dựng được những giá trị mới thông qua sự tiếp sức từ hạ tầng công nghệ số mà tỉnh đã và đang tập trung gây dựng trong thời gian vừa qua.

Thực hiện: Đoàn Bổng - Anh Dũng
Thiết kế: Trần Thu Hằng