1. Ngày xưa mỗi lần Tết đến mẹ mình tất tả chuẩn bị gói bánh, mấy chị em mình tíu tít đỡ mẹ một tay, rồi quây quần bên chiếc phản nhìn mẹ gói bánh. Bố mình chẳng quan tâm chuyện này. Nhưng mẹ gói xong, phần việc còn lại là của bố. Bố đặt nồi, chụm củi, nhóm bếp và canh cả đêm cho nồi bánh sôi đều. Sáng ra vớt bánh, ép bánh, hoàn tất khâu luộc.
Mấy năm nay nhà mình bên này cũng gói bánh. Gói để có bánh sạch thắp hương, ăn cũng an toàn, ngon lành hơn. Nhưng quan trọng là để có không khí Tết và gợi nhớ lại không khí Tết xưa.
2. Bà lão bóc cái bánh chưng cuối cùng. Hồi hộp hơn hồi sinh viên lần đầu bóc gói quà tặng của cậu bạn cùng lớp. Lớp lá cuối cùng vẫn mướt mát dính quẹo vào thân bánh. Thận trọng đặt lạt chia chiếc bánh chưng ra làm 8, xiên một miếng đưa lên miệng bà lão hít hà: "Bánh mình gói sạch sẽ có khác. Giờ vẫn thơm phức".
Quay sang ông lão đang nhìn mình như nhìn vật thể lạ, bà lão cười khỏn khoẻn, khen: "Được cái năm nay ông chịu khó canh chừng nồi bánh, nên đến tận cái cuối cùng bánh vẫn dền mịn như bánh mới luộc".
Đả hết ngon lành 3 miếng bánh, dường như lúc đó bà mới chợt nhớ đến ông lão, giọng tếu táo: "Ô, sao ông không ăn đi? Nhìn tôi đủ no rồi à?". Ông lão nguýt bà lão một cái rõ dài giọng cấm cảu: "Đủ ngán thì có. Mà bà ăn được nữa thì cứ ăn. Còn lại để sáng mai tôi rán".
"Bánh đang thơm ngon, mềm mại thế này sao phải rán?". Ông lão chả để ý đến câu hỏi của bà. Ông đang nhớ lại những ngày sau Tết năm nảo, năm nào. Sáng tỉnh dậy nghe góc nhà tí tách tiếng mỡ reo trong chảo. Chưa kịp đánh răng, rửa mặt ông bố đã chìa đĩa bánh chưng nóng hổi, vàng rượm vào tận mặt.
Hồi xưa, trẻ con đứa nào chẳng mê Tết. Có muốn níu kéo thì Tết vẫn qua đi. Nhìn đĩa bánh chưng bố rán, ngửi mùi thơm của nếp ngậy trong mùi mỡ như thấy Tết đang trở lại.
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |