LỜI TOÀ SOẠN

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), VietNamNet xin gửi đến độc giả tuyến bài "Gene di truyền: Tiếp bước và toả sáng". Đây là câu chuyện về những gia đình với nhiều thế hệ, thành viên cùng khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Khi đó, cha mẹ đã trở thành người thầy lớn, là người tiên phong, mở đường và những người con không chỉ chọn cách tiếp bước mà còn mang trọng trách tiếp tục phát triển, toả sáng.

 

 

Mẹ mất từ khi cô bé Khu Thị Khánh Dung mới tròn 5 tuổi, bé Dung lớn lên với ước mơ duy nhất được làm bác sĩ để bảo vệ sức khỏe cho bố. Hết những năm học phổ thông, Khánh Dung từ chối đi học nước ngoài để vào trường đại học mà cô đã chọn: Đại học Y Hà Nội và sớm tìm ra lĩnh vực yêu thích nhất là chuyên khoa Nhi và đặc biệt là chuyên ngành Sơ sinh. 

“Những năm cuối thập niên 70 ít sinh viên thích chuyên ngành Sơ sinh, đi trực sợ nhất khoa này vì vất vả. Có những đêm tôi trực phải thay phiên gia đình bóp bóng bằng tay suốt đêm cho em bé. Nhưng qua hơn 40 năm, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn lĩnh vực này”, bác sĩ Dung mở đầu câu chuyện với VietNamNet.

PGS.TS Khu Thị Khánh Dung là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực Nhi khoa và Sơ sinh, đặc biệt là hồi sức cấp cứu sơ sinh. Thời còn “đương chức” Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh (nay là Trung tâm Sơ sinh), dù rất bận rộn nhưng vị bác sĩ vẫn đam mê công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, cải tiến, chế tạo các dụng cụ y tế trong điều kiện khó khăn của thập kỷ trước để phục vụ cho bệnh nhân. Bà được xem là “người mẹ” của hàng vạn bé sơ sinh, đặc biệt sơ sinh non tháng.

Nếu nói theo “ngôn ngữ mạng”, gia đình PGS.TS Khu Thị Khánh Dung chuẩn “ba đời theo ngành y”. Những năm 2000, thế hệ “F1, F2” của đại gia đình bà có nhiều người thành danh, giữ các vị trí quan trọng trong lĩnh vực y tế. Đến thế F3, bác sĩ Hằng (con của PGS Dung) là người đầu tiên tiếp nối truyền thống gia đình y khoa này.

Trần Thị Thanh Hằng, con gái út của bác sĩ Dung, từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ, coi chị gái là “idol” và chưa từng nghĩ sẽ theo ngành y của mẹ. 

Một ngày khi đang ở tuổi 17, cô nữ sinh chuyên Anh trường Amsterdam đột ngột về báo với mẹ ý định thi Đại học Y, thay vì vào ĐH Ngoại thương như chị gái. Bác sĩ Dung rất bất ngờ, xen lẫn niềm vui và lo lắng. “Liệu có phải vì con áp lực với việc thế hệ F3 chưa ai theo ngành y khi đó, áp lực vì mẹ?”, bà vấn vương lo nghĩ.   

Chưa từng có ý định theo ngành y, nhưng từ nhỏ, cô bé Hằng sinh năm 1989 đã quen với hình ảnh nửa đêm bố chở mẹ Dung vào viện thay máu cho các bé vàng da sơ sinh, cấp cứu cho những đứa trẻ “trở bệnh nhanh như trở bàn tay”, hay đang nấu cơm mẹ lại nghĩ ra điều gì đó liên quan bệnh nhân liền gọi điện vào khoa bàn giao thêm. Hằng hiểu đó là nghề mang ý nghĩa nhân văn.

Sáu năm học y khoa ở Trung Quốc, kỳ nghỉ hè nào Thanh Hằng cũng về viện Nhi theo chân các bác sĩ đi kiến tập, chăm sóc thay tã cho các em bé, được mẹ và các bác sĩ chỉ cho cách nghe tim phổi, khám bệnh. Cái duyên với Nhi khoa và Sơ sinh đến rất nhẹ nhàng. Năm thứ 3 đại học, nữ sinh 20 tuổi lần đầu “xao xuyến” trước hình ảnh bé sơ sinh vài tuần tuổi đã mắc bệnh hiểm nghèo, xa vòng tay mẹ, nằm viện với đầy các phương tiện y tế quanh mình. Rồi, trong thời gian 18 tháng thực tập sau tốt nghiệp, tận mắt chứng kiến sự kỳ diệu của đứa trẻ sơ sinh tưởng chừng không qua khỏi đã được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục. Tất cả những điều đó khiến cô bác sĩ trẻ 24 tuổi quyết định theo đuổi sự nghiệp của mình với những bệnh nhân nhỏ nhất vừa chào đời.

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhưng chữa bệnh cho trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh non tháng còn đặc biệt hơn rất nhiều. Chăm sóc, điều trị cho những em bé sơ sinh bị bệnh nặng, em bé đẻ non 24-25 tuần tuổi (có khi chỉ 400-500g, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay bác sĩ) thường rất khó khăn vì có nhiều biến chứng và nguy cơ, bệnh diễn biến nhanh, nặng, đòi hỏi người thầy thuốc phải quyết đoán, thận trọng và xử lý kịp thời. 

Những bệnh nhi nhỏ tuổi nhất viện này chỉ biết giao tiếp với cuộc sống bằng những tiếng khóc, bằng nụ cười “bà mụ dạy”, những lần máy tay, máy môi mắt hay phập phồng cánh mũi. Với hơn 100 cán bộ y tế của Trung tâm Sơ sinh, trong đó có bác sĩ Hằng, bài học đầu tiên được các thầy cô thế hệ đi trước và PGS Dung dạy bảo đó là ngoài việc nâng cao tay nghề, cập nhật chuyên môn, ứng dụng kỹ thuật cao trong chăm sóc điều trị thì việc yêu thương, tận tụy, tỉ mỉ gắn bó, chia sẻ với bệnh nhân là điều không thể thiếu và phải trau dồi thường xuyên. Với trẻ sơ sinh, không phải chỉ khám mà việc chăm sóc, theo dõi rất quan trọng không cho phép dù một sai sót sai sót nhỏ.

Nói với Viet NamNet, PGS Dung cho hay bệnh nhân nào cũng cần tình yêu thương của thầy thuốc nhưng với trẻ sơ sinh, nhất là sơ sinh non tháng, còn cần sự chia sẻ, nâng niu hơn. Trẻ mới chào đời thay vì được mẹ ấp ôm đã phải sống nhờ vào sự hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, oxy. Chúng ta vẫn nghĩ "trẻ biết gì đâu" nhưng khoa học đã chứng minh chỉ với những cái nắm tay trìu mến, massage nhẹ nhàng, đôi mắt nhìn thân thương và cuộc trò chuyện nho nhỏ của các bác sĩ, điều dưỡng đều được em bé cảm nhận và là động lực để bé vượt qua bệnh tật từng ngày. 

“Hồi tôi sang Mỹ, thấy ngạc nhiên và xúc động với hình ảnh một bác sĩ nam lừng lững vào khám em bé sinh non 400g. Nhìn bàn tay nâng niu em bé lọt thỏm với cử chỉ nhẹ nhàng, tỉ mỉ, ân cần như người mẹ, tôi nhận ra chỉ có tình yêu của người mẹ mới làm được như thế. Tôi học được nhiều từ họ và hiểu rằng cần truyền cảm hứng cho các thế hệ sau về câu chuyện này” vị chuyên gia nhớ lại.

Năm 2013, Thanh Hằng tốt nghiệp đại học, vào thực tập 1 năm rồi chính thức trở thành bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Đó cũng là năm Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Khu Thị Khánh Dung được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, một trong những giải thưởng lớn nhất dành cho phụ nữ Việt, vì những thành tựu xuất sắc trong 30 năm công tác trong lĩnh vực Nhi khoa. Nhiều người nghĩ đó là áp lực cho nữ bác sĩ Trần Thị Thanh Hằng, bản thân PGS Dung cũng từng nghĩ vậy. 

Vậy nhưng, trò chuyện với VietNamNet về áp lực “có ô của mẹ”, bác sĩ Hằng cười tươi nói: “Hoàn toàn không có áp lực mà chỉ có tự hào và noi theo. Hai mẹ con cùng nghề, có nhiều cơ hội và chủ đề trao đổi từ vấn đề chuyên môn, cách giao tiếp với gia đình và người bệnh, nhưng thích nhất là được mẹ dạy cách đối nhân xử thế và truyền cảm hứng, sức bền với nghề và hết lòng vì người bệnh”.

Dù được đánh giá là người có tính quyết đoán trong công việc, nhưng bác sĩ Hằng vẫn tự nhận tính quyết liệt, kiên nhẫn và sức bền vẫn kém xa người mẹ năm nay bước sang tuổi 68.

Hơn 10 năm trước, bác sĩ Dung khiến nhiều người nể phục khi cùng cộng sự nghiên cứu áp dụng thành công máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) KSE sản xuất tại Việt Nam với giá chỉ khoảng 2.000 USD, chỉ bằng 1/5 giá nhập khẩu, để điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Khoa Sơ sinh khi ấy dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Dung cũng áp dụng phương pháp Kangaroo. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc chăm sóc này chỉ thực hiện được với những trẻ đã ổn định và nằm ghép với mẹ.

Từ năm 2018 đến nay, tiếp nối thành tựu của thế hệ đi trước và PGS Dung, thế hệ sau đó cùng các thầy thuốc trẻ của Trung tâm Sơ sinh, trong đó có bác sĩ Hằng, đã tiến hành chăm sóc Kangaroo cho trẻ sinh non vẫn đang phải thở CPAP, thở máy không xâm nhập và chăm sóc đặc biệt, với mong muốn giúp trẻ được sưởi ấm bằng tình thương của cha mẹ, rút ngắn ngày thở máy, nằm viện và giúp cha mẹ gắn kết chia sẻ chăm sóc con hằng ngày. 

“Trên thế giới Kangaroo care rất phổ biến vì lợi ích tuyệt vời của nó, tuy nhiên ứng dụng cho những trẻ đang thở máy, hỗ trợ oxy còn chưa nhiều, nhất là ở Việt Nam. Khi biết các thầy thuốc trẻ trong khoa quyết tâm nghiên cứu ứng dụng này, người ở thế hệ đi trước như tôi rất  ủng hộ”, bác sĩ Dung hào hứng chia sẻ. 

Những trường hợp trẻ sơ sinh non tháng phải thở máy, thở oxy trước đây phải nằm ở khoa Hồi sức tích cực, cách ly bố mẹ nay đã được nằm tại đơn vị Điều trị tích cực Kangaroo, bé được ngủ ngon lành trên ngực của bố mẹ. “Chúng tôi đang tổng kết, đánh giá hiệu quả sau 5 năm áp dụng kangaroo care cho những bệnh nhi này. Tính nhân văn và hiệu quả kinh tế y tế của phương pháp là chắc chắn vì thời gian nằm viện ngắn lại, giúp tiết kiệm chi phí điều trị cho nhà nước và người bệnh”, PGS.TS Khu Thị Khánh Dung chia sẻ.

Ngắm nhìn thành quả Trung tâm Sơ sinh sau gần 45 năm trong ngành, một điều khiến PGS.TS Khu Thị Khánh Dung tự hào là sức hút của chuyên ngành này với các bác sĩ giỏi. Họ cùng nhau tiếp bước để đưa Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành trung tâm đào tạo, nâng cao năng lực chuẩn của Việt Nam sánh cùng các trung tâm sơ sinh trong khu vực và thế giới.

Song song với việc ứng dụng kỹ thuật cao, quá trình đào tạo, đào tạo lại các kỹ thuật cơ bản trong hồi sức cấp cứu sơ sinh là việc làm thường xuyên, liên tục tại đơn vị này. Trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Newborn Việt Nam, từ năm 2016, bác sĩ Hằng và các bác sĩ trẻ tại Trung tâm Sơ sinh đã được đào tạo nâng cao trình độ chuyên ngành hồi sức sơ sinh cùng các chuyên gia từ Anh Quốc trong 2 năm liên tục tại bệnh viện. Sau đó, họ trở thành các giảng viên nguồn của chương trình hồi sức sơ sinh của Viêt Nam, là những giảng viên đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ của Hội đồng Hồi sức châu Âu về hồi sức sơ sinh.

“Các bác sĩ mới ra trường vốn có tâm lý phải làm được ngay kỹ thuật này, công nghệ kia to tát, quên mất những chăm sóc cơ bản. Chúng tôi chỉ mong các bạn bóp bóng, giúp bệnh nhân được cung cấp oxy qua mặt nạ (mask) cho chính xác, bởi chỉ mất 30 giây nhưng cứu sống 99% bệnh nhân rồi. Quay về thứ cơ bản song song phát triển những kỹ thuật cao, đó là điều chúng tôi học được từ thế hệ mẹ Dung và các bậc tiền bối”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.