Sáng 29/1, hàng trăm người dân phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đổ về đình làng tham dự hội thi kéo lửa, thổi cơm. 

Lễ hội văn hóa truyền thống được dân làng Thị Cấm tổ chức để tưởng nhớ công ơn Phan Tây Nhạc, một vị tướng quân lỗi lạc của Vua Hùng đời thứ 18. Năm 2021, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các thành viên được chia thành 4 đội phân biệt bằng 4 trang phục có màu sắc khác nhau. Có tổng cộng 4 phần thi như kéo lửa, chạy thị, giã gạo, thổi cơm. Trong ảnh, các đội bện rơm thành vòng tròn để đệm cối giã thóc, che chắn giúp thóc không bay ra ngoài.

Vào lúc 11h, phần thi kéo lửa diễn ra trước cửa chính đình làng. Những đống bùi nhùi được chuẩn bị trước cùng rơm, đoạn tre đực già được dùi sẵn khe nhỏ và một que giang có tay cầm hai bên. Để tạo lửa, người chơi cầm hai đầu que kéo qua lại để tạo ma sát. Chỉ sau vài chục giây kéo, lực ma sát đốt nóng que tre rồi bén lửa, đốt cháy rơm khô. 

Mồi lửa bén rơm khiến không khí tại sân đình náo nhiệt trong tiếng hò reo của khán giả. Chiến thắng ở phần thi này thuộc về đội nào phát khói và tạo lửa nhanh nhất. 

Ngay phía dưới sân đình, các thành viên còn lại thi nhau giã thóc bằng chày gỗ và cối đá. 

Thóc sau khi giã được các người phụ nữ trong làng sàng lại một lượt để bỏ sạn, vỏ trấu trước khi đem đi thổi cơm.

Nước được đun sôi trong thời gian chờ đợi sàng gạo. 

Để cơm ngon, có độ dẻo, một số đội còn chèn khăn khô trên bề mặt sau đó đậy nắp, ủ trong tro chờ chín hẳn.  

Sau khoảng 30 phút, ban giám khảo đánh trống, tiến hành đi vòng quanh sân, dùng gậy tre chọc vào từng đống tro để tìm nồi cơm của 4 đội thi. Lúc này, các đội dùng chiến thuật làm một vài đống tro giả để đánh lạc hướng "trọng tài", mục đích để tận dụng thời gian cho niêu cơm thật chín lâu hơn. 

Sau khi tìm thấy 4 nồi cơm, ban giám khảo đưa vào đình để dâng cúng Thành hoàng trước khi chấm điểm.

Ban giám khảo dựa vào mùi thơm, độ dẻo, độ chín của cơm để chọn ra niêu cơm ngon nhất. Sau khi tìm được đội chiến thắng, cơm được chia cho đại diện người dân trong làng ăn để lấy lộc đầu năm.