Một chiều thu Hà Nội, phóng viên VietNamNet tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trong ngõ sâu thuộc phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), nơi ở của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện (77 tuổi). Ông Thiện từng thuộc biên chế Đại đội 2, Tiểu đoàn Phòng không 56, Trung đoàn Pháo binh 69 (Đoàn Pháo binh Biên Hòa).

Vài ngày đã trôi qua nhưng ông Thiện vẫn còn cảm xúc dâng trào khi hôm 11/9, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông nhận lại kỷ vật chiến tranh do phía cựu chiến binh Mỹ trao, đó là cuốn nhật ký ông viết từ năm 17 tuổi khi chiến đấu ở chiến trường miền Nam ác liệt.

Khoảng năm 1965, quê hương Tiền Hải (Thái Bình) có rất nhiều học sinh, thanh niên “xếp bút nghiên lên đường cầm súng, học người xưa đi cứu non sông”. Ông Nguyễn Văn Thiện khi đó mới 17 tuổi, là con trai độc đinh trong nhà 3 người con, cha là liệt sĩ (hy sinh trong kháng chiến chống Pháp) nên được hưởng chính sách miễn không phải ra chiến trường.

Thế nhưng tinh thần thanh niên hăng hái muốn ra trận trong ông Thiện luôn dạt dào, không nguôi. Ông chia sẻ, ngày đó “hăng lắm”, thấy anh em, bạn bè lần lượt xung phong xin đi nên cũng viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ, sau 3 lần viết đơn mới được địa phương chấp nhận. “Đã xin đi bộ đội là phải ra chiến trường”, ông Thiện khẳng khái nói.

Ngày 15/4/1965, ông Thiện chính thức lên đường nhập ngũ. Hành trang mang theo ngoài quần áo đơn giản thì ông còn được bạn bè tặng thêm chiếc khăn mùi xoa, cuốn sổ và cây bút, đây là 3 món đồ ông cho là quý nhất thời đó.

Người thanh niên vùng đồng bằng lần đầu tiên trải qua khóa huấn luyện và vài tháng đi bộ từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam. Khi đặt chân tới rừng già anh lính trẻ không khỏi bỡ ngỡ, một bên là đường đi nhỏ hẹp cây cối rậm rạp che khuất ánh nắng mặt trời, còn bên kia là vách núi thăm thẳm. Vào mùa mưa ẩm ướt, muỗi, vắt bâu khắp nơi, những vất vả khó khăn còn ở phía trước...

Từ ngày 6/10/1965 ông Thiện bắt đầu viết những trang nhật ký đầu tiên. “Hồi đó tôi tâm niệm đã ra chiến trận thì không biết bao giờ về và dứt khoát sẽ gian khổ, ác liệt. Sau này nếu may mắn còn sống trở về quê hương, phải có một số tư liệu để nhìn lại và cũng để con cháu biết khi xưa chiến tranh ác liệt thế nào, cho nên mở đầu nhật ký tôi viết ‘Ghi lại những nét chính trên chặng đường hành quân’”, ông Thiện nhớ lại.

Tên cuốn nhật ký cũng đơn giản chỉ 4 chữ “Nhật ký – Lương Thiện” (theo tên của ông), vì sợ lộ thông tin với phe địch nên ông chỉ viết những dòng ngắn gọn không nêu địa điểm hay diễn biến sự kiện cụ thể.

Cuốn nhật ký gồm 145 trang, kể cả một số trang để trống, ghi lại những cảm xúc về hành trình vào miền Nam của ông Thiện qua các tỉnh: Hòa Bình, Hà Đông, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, nước Lào và tỉnh Kon Tum nơi ông ghi chép lần cuối.

Năm 1967 khi hành quân đến Tây Ninh, trong một trận càn tại xã Suối Dây (huyện Tân Châu) mà phía Mỹ gọi là chiến dịch Junction City, ông Thiện đã làm thất lạc cuốn nhật ký của mình. Cuốn nhật ký được lính Mỹ nhặt được và đem về nước.

Ông Thiện xúc động kể về người trung đội trưởng cùng quê, cùng lên đường nhập ngũ và cùng “vào sinh, ra tử”. “Người anh đó quý tôi, nhận làm anh em kết nghĩa, luôn giúp đỡ tôi. Trong một lần làm nhiệm vụ ở Kon Tum đi lấy lương thực, anh không may bị sốt rét ác tính rồi ra đi, tôi không kịp nhìn mặt lần cuối”, ông Thiện bồi hồi nói.

Cảm xúc dâng trào như mất người thân ruột thịt, ông Thiện lúc đó quên hết nguyên tắc khi viết nhật ký. “Thế là tôi mới ghi trong một trang với nội dung ‘Ngày 19/2 tức 24/1 âm lịch – một ngày đau khổ nhất vì một người anh, một người đồng chí của tôi hy sinh trên bước đường công tác. Anh Nguyễn Văn Xuân - thôn Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình’”, ông Thiện chia sẻ.

Trước lúc hy sinh Trung đội trưởng Nguyễn Văn Xuân còn gửi gắm đồng đội để đưa về cho ông Thiện 3 món đồ, trong đó có con dao găm, cái bật lửa và chiếc đồng hồ. “Biết không thể qua khỏi vì cơn sốt rét ác tính, anh Xuân giao phó cho tôi đem chiếc đồng hồ này về cho vợ anh. May mắn tôi đã thực hiện được tâm nguyện này của anh”, ông Thiện cho biết.

Cựu binh Nguyễn Văn Thiện nói đến chi tiết này là bởi trong cả cuốn nhật ký của ông không có bất cứ thông tin, địa chỉ nào để xác nhận nhân thân tác giả. Sau này thông tin quý giá về quê quán của “người trung đội trưởng” đã giúp nhóm nghiên cứu thuộc trường Harvard Kennedy (Đại học Harvard) tìm được ông Thiện.

Sau 28 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12/7/1995) và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện (25/7/2013), trong các khuôn khổ hợp tác song phương thì khắc phục hậu quả chiến tranh là một nền tảng trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng khác.

Tháng 7/2021, thực hiện Bản ghi nhớ Sáng kiến tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh giữa hai nước, trường Harvard Kennedy đã xây dựng dự án Những di sản Chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá bao gồm tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ những thông tin mất tích và kỷ vật lịch sử cá nhân của tử sĩ Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ash, trường Harvard Kennedy, đã tìm thấy cuốn nhật ký  không có thông tin tác giả hay đơn vị của một người lính Quân đội Việt Nam trong Bộ tài liệu chiến trường được lưu trữ tại Trung tâm Khai thác tài liệu hỗn hợp (CDEC) thuộc Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam.

Cuốn nhật ký được thu giữ ngày 25/3/1967 bởi Lữ đoàn 3, Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ tại một địa điểm có tọa độ quân sự XT349761 (thuộc địa phận xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Để tìm chủ nhân của cuốn nhật ký, nhóm nghiên cứu về tận quê nhà của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân, gặp con gái của liệt sĩ rồi được chỉ dẫn đến người cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện. Nhóm nghiên cứu cũng tìm tới Hội Cựu chiến binh thị xã Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) để xác minh thêm.

Các tài liệu thu giữ trên chiến trường, giống như cuốn nhật ký này, thường được viết bằng tay, không còn nguyên vẹn hoặc đã bị hoen ố, hư hại bởi thời tiết khắc nghiệt, máu lửa chiến tranh. Đặc biệt sau hơn nửa thế kỷ mỗi tài liệu lại được truyền qua tay rất nhiều người. Ngoài các thách thức về kỹ thuật để khôi phục lại các thông tin, các cuốn nhật ký viết trên chiến trường còn sử dụng nhiều phương ngữ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam nên cũng tạo rào cản cho nhóm chuyên gia.

Các chuyên gia phải sử dụng ngôn ngữ học ứng dụng, lịch sử quân sự và dữ liệu phỏng vấn để tìm ra chính xác chủ nhân thực sự của cuốn nhật ký.

Ông Thiện kể, khoảng hơn 1 năm trước, ông nhiều lần thấy có cuộc gọi lạ với đầu số nước ngoài nhưng không nghe. Tới khi được lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thị xã Tiền Hải nói về một nhóm nghiên cứu đang xác minh về cuốn nhật ký thì ông mới tiếp nhận cuộc gọi.

Sau một thời gian trao đổi, nhóm nghiên cứu dần xác định ông Thiện đúng là tác giả của cuốn nhật ký.

Ông Thiện cho biết, một vị giáo sư thuộc nhóm nghiên cứu đã dẫn chứng các thông tin trong cuốn nhật ký để đưa vào bài giảng. Vị giáo sư này đã sang Việt Nam, trực tiếp gặp mặt ông Thiện vào tháng 2 vừa qua.

“Vị giáo sư nói với tôi rằng cả cuốn nhật ký ông ấy đọc không sót chữ nào, bởi những câu từ tuy thể hiện sự gian khổ, ác liệt, nguy hiểm, nhọc nhằn đến mức độ không tưởng tượng được nhưng không một lúc nào hay một từ nào thể hệ sự bi quan”, ông Thiện nói.

Một ngày tháng 9, ông Thiện nhận được cuộc gọi từ nhóm nghiên cứu dặn ông trong hai ngày 10-11/9 ở Hà Nội, không nên đi đâu xa vì có sự kiện quan trọng liên quan đến ông. Tối 10/9, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi điện muốn gặp ông để bàn công chuyện.

Sáng hôm sau (11/9), một cán bộ Bộ Ngoại giao đến nhà đón ông Thiện. “Đến lúc đó tôi vẫn không biết là làm gì, anh cán bộ đó chỉ nói là mời tôi sang Nhà Quốc hội”, ông Thiện chia sẻ.

Đầu giờ chiều cùng ngày, ông Thiện mặc quân phục, đeo huân huy chương hai bên ngực, trở lại Nhà Quốc hội. Tại đây, ông gặp Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hai cựu chiến binh Mỹ là ông Matt Keenan và ông Chuck Searcy, Chủ tịch Phân hiệu 160 Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ).

“Khoảng 2 giờ trước khi cuộc gặp diễn ra, cán bộ Bộ Ngoại giao mới tiết lộ cho tôi rằng lát nữa tôi sẽ nhận lại kỷ vật là bản sao của cuốn nhật ký trước sự chứng kiến trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội và Tổng thống Mỹ. Quả thực nghe được tin này tôi rất bất ngờ, vinh dự, tự hào và cũng khá căng thẳng hồi hộp”, ông Thiện kể lại.

Cuộc gặp diễn ra đầy cảm xúc khi ông Thiện lên nhận cuốn nhật ký và trao những biểu trưng cho 2 cựu chiến binh Mỹ. “Chúng tôi trao cho nhau và đều nói cảm ơn. Sau đó Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã mời các cựu chiến binh chúng tôi chụp chung một bức ảnh kỷ niệm”, ông Thiện nói.

Ngày hôm đó được ông Thiện coi là ngày lịch sử trong cuộc đời khi lần đầu tiên được vào thăm Nhà Quốc hội, lần đầu tiên được gặp Tổng thống Mỹ và chụp ảnh cùng với lãnh đạo cấp cao hai nước.

“Tôi xúc động quá mà cảm tưởng trong mơ cũng không thể có. Trong hành trình nhận lại cuốn nhật ký có 2 thời khắc mà tôi sẽ nhớ mãi đó là khi phía Mỹ thông báo tôi là chủ nhân của cuốn nhật ký, sẽ tìm cách trả lại và khi tôi cầm tận tay cuốn nhật ký”, ông Thiện xúc động chia sẻ.

Cựu binh Nguyễn Văn Thiện nhớ rõ những lời tâm sự của “người bạn” cựu binh Mỹ trong chiều 11/9: “Cách đây hơn 50 năm tôi với ông ở hai giới tuyến khác nhau, không biết có bao nhiêu trận cùng gặp nhau trên chiến trường. Nhưng đến bây giờ hòa bình lặp lại, chúng tôi quay lại Việt Nam với tư cách là những người bạn. Ông cho phép tôi ôm được không?”.

Giữa sảnh chính Nhà Quốc hội Việt Nam, hai người cựu binh già từ hai nước từng là cựu thù đã ôm chầm lấy nhau như bạn cũ lâu ngày gặp lại.

Một nhà báo Mỹ thấy cảnh tượng này đã nhanh chóng chạy đến hỏi cựu binh Nguyễn Văn Thiện rằng: “Việt Nam với Mỹ bây giờ là bạn thì ông hiểu bạn là như thế nào?”. Ông Thiện từ tốn đáp lại: “Trong tiếng Việt từ bạn có nhiều nghĩa khác nhau – bạn đường, bạn đời, bạn bè”.

Nhà báo Mỹ lại hỏi: “Theo ông, quan hệ Mỹ và Việt Nam hiện tại là bạn nào?”. Ông Thiện trả lời: “Tôi thấy rằng Mỹ và Việt Nam bây giờ đang là bạn bè và bạn đường, nhưng không là bạn bè gặp nhau ngoài đường mà là hai đất nước cùng đi trên một con đường khép lại quá khứ hướng tới tương lai”.

Có thể thấy hợp tác trong giải quyết hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ là một ví dụ điển hình cho các nước khác. Chưa có nước nào từng là cựu thù mà lại có sự hợp tác như vậy. Từ những chương trình này đã đưa hai nước lại gần nhau hơn, tạo nền tảng cho hòa giải và hợp tác, điều đã dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ở Hà Nội. 

Sự kiện trao trả kỷ vật chiến tranh này tại nhà Quốc hội Việt Nam cùng với những gì mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Joe Biden chia sẻ càng khẳng định vai trò của Quốc hội hai nước đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hàn gắn, xây dựng - củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ hai quốc gia.

Trong không khí cởi mở và thân tình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận về ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm này đối với quan hệ song phương và các cơ hội hợp tác trong tương lai theo quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà hai nước vừa thiết lập.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ khi chứng kiến những giây phút xúc động hai bên trao tặng nhau các kỷ vật chiến tranh "củng cố niềm tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau chính là gốc rễ bền chặt để quan hệ Việt Nam - Mỹ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn trong tương lai, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới".

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về tầm quan trọng của giao lưu nhân dân; vai trò quan trọng và các nỗ lực chung, không mệt mỏi của hai nước trong giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh, đóng góp vào việc xây dựng lòng tin và sự hiểu biết. Nhấn mạnh rằng xây dựng lòng tin và sự hiểu biết đã trở thành nền tảng cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện của hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Joe Biden cùng khẳng định Quốc hội hai nước đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình hàn gắn, xây dựng - củng cố lòng tin, tăng cường hợp tác và nâng tầm quan hệ hai quốc gia.

Việt Nam và Mỹ trong khoảng 50 năm qua đã nỗ lực giải quyết những hậu quả đau thương của chiến tranh, lựa chọn cùng nhau hướng tới hòa bình và một tương lai tốt đẹp hơn. Với nỗ lực, đối thủ có thể trở thành đối tác, những thách thức to lớn có thể được giải quyết và những vết thương sâu sắc có thể lành lại.

Hình mẫu quan hệ quốc tế, từ "cựu thù" thành "đối tác"

Một tuần sau chuyến thăm mang tính lịch sử, ngày 19/9 phát biểu tại phiên khai mạc phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, nhắc đến chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam ngày 10-11/9, Tổng thống Joe Biden đề cao hình mẫu cùng vượt qua quá khứ chiến tranh vì hòa bình và tương lai của Việt - Mỹ, khi phát biểu tại Liên Hợp Quốc.

Trước đại diện của hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tại hội trường của diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh, Tổng thống Mỹ xúc động chia sẻ: "Khoảng một tuần trước, tôi đã đứng ở bên kia địa cầu, tại Việt Nam, trên mảnh đất từng đẫm máu chiến tranh. Tôi đã gặp một nhóm cựu binh Mỹ và Việt Nam, chứng kiến lễ trao kỷ vật chiến tranh. Thật xúc động khi thấy biểu cảm của các cựu binh".

"Trong nhiều thập kỷ, không ai tưởng tượng nổi có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội, tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng lịch sử không nhất thiết phải quyết định tương lai của chúng ta", Tổng thống Mỹ nói thêm.

Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ cuốn nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện, tư liệu của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard (Mỹ).

Tác giả: Trần Thường

Ảnh: Pool, Cổng TTĐT Quốc hội

Thiết kế: Hồng Anh