Thống kê tại TP.HCM, tỷ lệ nội địa hóa 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 là 68,2%; năm 2018 đạt 71,32% (cao hơn chỉ tiêu đề ra là 66% đến năm 2020).
Tính đến hết năm 2020, BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM đã thu hút được 27 dự án với tổng vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đạt 469,12 triệu USD. Trong đó, có 13 dự án trong nước (153,65 triệu USD) và 14 dự án FDI (315,47 triệu USD). Lĩnh vực CNHT đã đóng góp vào tổng giá trị thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao là 6,67%.
Đối với các Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp, giai đoạn từ 2014 – 2018, đã thu hút 251 dự án CNHT với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,32 tỷ USD.
Những số liệu trên cho thấy ngành CNHT của TP.HCM thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực. Thành quả trên không thể không kể đến vai trò của Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM – đây là đơn vị đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn với DN trong lĩnh vực.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trình Mai Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM để tìm hiểu rõ hơn về những bước chuyển và khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ của CNHT tại địa phương.
Thưa ông, đâu là thuận lợi trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP trong thời gian qua ?
Thuận lợi của ngành CNHT là nhận được sự quan tâm của TP.HCM thông qua việc ban hành các chính sách, tạo điều kiện cho DN phát triển. Trong đó, đột phá là chương trình kích cầu, hỗ trợ một phần lãi vay, giúp DN mạnh dạn đầu tư, trang bị máy móc thiết bị để phục vụ cho sản xuất, đáp ứng mẫu mã, đáp ứng chất lượng sản phẩm cho các DN đầu cuối.
Hiện, một số DN đã trở thành nhà cung cấp cho một số tập đoàn lớn như Samsung.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của TP có kho vận, các cảng, đường bộ, đường thủy. Quỹ đất của TP đã có quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn để phục vụ cho quá trình đầu tư của các DN, có thể mở rộng sản xuất. Cùng với đó, thị trường khoa học công nghệ tiếp cận nhanh hơn các tỉnh, thành khác.
Đây là những thuận lợi lớn nhất mà DN trong lĩnh vực được thụ hưởng.
Vậy còn khó khăn, hạn chế ở đây là gì ?
Có thể thấy, quỹ đất của TP còn nhưng giá đất lại cao hơn so với giá mặt bằng chung tại các tỉnh, thành xung quanh. Đây là trở ngại lớn bởi đa số các DN tham gia công nghiệp hỗ trợ là các DN vừa và nhỏ, vốn đầu tư còn hạn chế.
Khi giá đất cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh, thành lân cận, DN sẽ có xu hướng về các địa phương này để đầu tư. Ở đó, giá nhân công cũng thấp hơn so với TP.HCM.
Bên cạnh đó, thông tin liên kết trong sản xuất, liên kết giữa DN với DN chưa có. Ví dụ, khi tạo thành một chuỗi liên kết thì thuận lợi hơn trong việc phát triển bởi mỗi DN có một thế mạnh riêng. Trong khi đó, các DN chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Thời gian qua, Trung tâm đã đồng hành cùng các doanh nghiệp ra sao để hỗ trợ lĩnh vực đặc thù này, thưa ông ?
Hàng năm, Trung tâm tiếp xúc với các DN để hiểu thuận lợi, khó khăn họ gặp phải, tham mưu Sở Công thương để cùng ngồi lại tháo gỡ dần vướng mắc. Chúng tôi đặt mình vào vị trí của DN để gỡ khó chứ không phải chỉ đóng vai một cơ quan nhà nước hỗ trợ về mặt hành chính, chính sách.
TP.HCM có lẽ là địa phương duy nhất có một trung tâm riêng biệt về công nghiệp hỗ trợ. Tại các tỉnh, thành khác là Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại. Đó là thuận lợi để Trung tâm tập trung đồng hành cùng DN trong lĩnh vực.
Đơn cử, chính quyền và cơ quan chức năng đã đồng hành, kết nối giữa ngân hàng với các DN để gỡ khó về vốn vay; đồng hành trong đào tạo lao động…Khuyến khích các DN đầu tư thêm máy móc, thiết bị; nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý, kỹ năng, kỹ thuật của công nhân để đáp ứng tiến bộ KHCN; khuyên các DN tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố sẽ có nhiệm vụ gì cần làm trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển thưa ông ?
Trước mắt, chính sách về chương trình kích cầu, hỗ trợ DN kịp thời trong thời gian tới đã được trình UBND để UBND xem xét trình HĐND thông qua nhằm hỗ trợ DN trong năm 2022.
Cần sớm hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của DN, đây là điều cần thiết vì sản xuất phải có đầu ra, không để tồn đọng hàng hóa. Dung lượng thị trường càng lớn thì chi phí càng giảm.
Chúng tôi giúp DN quảng bá sản phẩm qua cổng cơ sở dữ liệu, nơi DN có thể chia sẻ thông tin, liên kết với nhau để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Thời gian qua, các DN đã đáp ứng cao hơn về mặt chất lượng sản phẩm. Mục tiêu nhiều DN trở thành nhà thiết kế sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ các DN để tiếp cận các DN đầu cuối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để cung cấp được sản phẩm thông qua việc tổ chức hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp.
Xa hơn, TP xác định sẽ xây dựng trung tâm hoặc các phòng kiểm thử để kiểm định chất lượng sản phẩm cho các DN, tránh lãng phí khi mỗi lần test sản phẩm lại phải chuyển ra nước ngoài.
Về chi phí thuê mặt bằng sẽ có nhiều hướng giải quyết bằng chính sách hỗ trợ cụ thể tới đây. Trong khi đó, Sở Công thương cũng đã phối hợp với Cục công nghiệp (Bộ Công thương) để tham mưu UBND TP việc xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao nhằm đẩy mạnh lĩnh vực CNHT của TP.HCM nói riêng và các ngành sản xuất khác.
Xin trân trọng cám ơn ông !
Thực hiệ: Trần Chung
Thiết kế: Phạm Luyện
Toạ đàm: Từ chính sách tới thực tiễn CNHT, kinh nghiệm từ TP.HCM
TP.HCM đã có nhiều chính sách kích cầu đồng hành và thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm để đóng góp vào chuỗi cung ứng hàng tỷ đô.