TP.HCM đã tổ chức thông xe công trình hầm chui trước bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) cùng công trình cầu Hang ngoài (quận Gò Vấp) sau khi hoàn thành toàn bộ hạng mục đường trước 31/12/2022.

Hầm chui trước bến xe Miền Đông mới đưa vào khai thác cuối năm 2022

Nhánh hầm chui trước bến xe Miền Đông mới có kinh phí 75 tỷ đồng nằm bên phải xa lộ Hà Nội theo hướng từ TP.HCM đi Đồng Nai với chiều dài 670m, rộng 8m.

Nhánh hầm có 3 đoạn kín và 4 đoạn hở, giúp tách dòng xe đi thẳng xa lộ Hà Nội với hướng ra vào bến xe Miền Đông mới, đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn ứ.

Nhánh hầm này là một phần trong dự án xây dựng cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới với tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng. Theo Ban Giao thông TP.HCM, thời gian tới đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ để thực hiện các hạng mục còn lại của dự án. Trong đó, sẽ xây thêm một nhánh hầm tương tự theo hướng từ Đồng Nai đi TP.HCM; một cầu đi bộ băng qua quốc lộ 1 ở gần bến xe và ga metro Bến Thành - Suối Tiên.

Ngoài ra, dự án còn có hai hạng mục lớn khác, gồm: Một cầu vượt băng qua quốc lộ 1 cho xe hướng từ Đồng Nai vào bến xe Miền Đông mới, một cầu cho xe từ bến rẽ trái quay đầu vào trung tâm TP.HCM và Bình Dương. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào quý 3/2024.

Cầu Bưng thông xe, xóa nút thắt kẹt xe cửa ngõ tây bắc

Giữa tháng 10/2022, TP.HCM tổ chức thông xe nhánh cầu Bưng bắc qua kênh Tham Lương thay thế cây cầu cũ đã nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng. Cầu nối quận Bình Tân và Tân Phú trên trục đường Lê Trọng Tấn, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và nối kết liên vùng trong khu vực tây bắc thành phố.

Công trình có tổng chiều dài 555m, bao gồm phần cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với tổng chiều dài 207m, trong đó nhánh cầu 1 rộng 11m, phần đường đầu cầu dài 348m và hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.

Dự án có tổng mức đầu tư 515 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 141 tỷ đồng, phục vụ việc giải tỏa một phần 39 hộ dân và 2 tổ chức. 

Nằm trong mạng lưới giao thông khu vực cửa ngõ tây bắc thành phố, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) hoàn thành, đưa vào khai thác ngày 26/4.

Đoạn nâng cấp dài hơn 5km, mặt đường được mở rộng lên 30m từ nút giao Tô Ký đến Lê Văn Khương, thuộc hai xã Đông Thạnh và Thới Tam Thôn. Dự án được khởi công từ tháng 10/2018 với vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Dự án giúp kết nối giao thông khu vực, cải thiện tình trạng ngập nước, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội huyện Hóc Môn và khu vực xung quanh.

Tuyến đường Đặng Thúc Vịnh được đầu tư hơn 700 tỷ đồng giúp gỡ điểm nghẽn giao thông phía Tây Bắc TP.HCM.

Cùng ngày 26/4/2022, thành phố tổ chức thông xe tuyến đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1.

Dự án có tổng kinh phí 71 tỷ đồng, hoàn thành sau một năm xây dựng. Đây là tuyến đường mới, dài hơn 600m, rộng 7m, đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ kết nối đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur.

Mặc dù kinh phí không lớn nhưng tuyến đường mới này giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con.

Cầu biểu tượng Thủ Thiêm 2 cán đích sau 7 năm thi công

Ngày 28/4/2022, TP.HCM đưa vào khai thác cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son) nối TP Thủ Đức và quận 1.

Cầu Ba Son có thiết kế dây văng kết nối quận 1 với TP Thủ Đức

Dự án được khởi công từ năm 2015, tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP.HCM đến thời điểm này. Công trình có chiều dài gần 1,5km, 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn. Điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Trong buổi lễ thông xe, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, công trình giúp hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Dự án cũng tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị này trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị thông minh…

Cầu Thủ Thiêm 2 nay mang tên cầu Ba Son được xem là biểu tượng giao thông mới của TP.HCM

Cải tạo kênh Nước Đen, thay đổi cảnh quan dọc hai bờ 

Dự án nâng cấp, cải tạo kênh Nước Đen ở quận Bình Tân với số vốn đầu tư 629 tỷ đồng hoàn thành trong quý I/2022 đã góp phần thay đổi bộ mặt, cảnh quan và môi trường dọc hai bờ.

Kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) nhiều năm qua là điểm đen về ô nhiễm môi trường. Tháng 4/2020, dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) khởi công và hoàn thành sau 2 năm.

Sau 2 năm cải tạo với số vốn đầu tư 629 tỷ đồng, dự án cải tạo kênh Nước Đen ở quận Bình Tân đã góp phần thay đổi bộ mặt, cảnh quan và môi trường dọc hai bờ

Dự án dài 1,4km, rộng 40m bao gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5m và làm vỉa hè rộng gần một mét cho người đi bộ.