Chiều nay 8/6, các thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 đã trải qua bài thi môn tiếng Anh trong thời gian 60 phút.

Bước đệm chuyển tiếp uyển chuyển, hợp lí (nhận định của giáo viên Hoàng Tú Uyên,Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy):

1. Đề thi có cấu trúc ổn định như các năm, không có biến động về số câu hỏi trong từng phần. 
2. Nội dung kiểm tra quen thuộc, nằm trong chương trình, không đánh đố nhưng có tính phân loại cao, bám rất sát đề minh họa đã đưa ra trước đó. Học sinh được ôn tập kĩ lưỡng, rèn giũa qua nhiều bài khảo sát, thi thử. Học sinh trung bình và học sinh khá giỏi sẽ được phân biệt rõ ràng.
3. Những điểm mới:
- Từ vựng và ngữ pháp có độ phủ rộng hầu hết các chủ đề trong chương trình lớp 9, nội dung dày dặn, một số câu đòi hỏi tư duy phân tích, tổng hợp ở mức độ nhất định. Tuy nhiên vẫn đảm bảo tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu hợp lí.
- Hai câu phát âm gồm 1 câu hỏi nguyên âm và 1 câu hỏi phụ âm. Vắng bóng câu hỏi phát âm đuôi s ed quen thuộc như 4 năm trở lại đây (điều này đã thể hiện rõ trong đề minh họa).
- Hai câu trọng âm đều hỏi từ có 3 âm tiết, nhưng là các từ quen thuộc, có một số qui tắc (đề minh họa cũng hỏi tương tự).
- Một trong hai câu hỏi giao tiếp kiểm tra kĩ năng đọc biển chỉ dẫn, điểm hoàn toàn mới trong đề năm nay. Đây là bước chuyển nhẹ nhàng hợp lí, tiệm cận với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh vận dụng được kiến thức trong tình huống thực tế. Tuy hình thức mới, nhưng câu hỏi sẽ không gây khó cho học sinh do sử dụng từ đơn giản, dễ hiểu. 
- Phần kiểm tra kĩ năng đọc, ngữ liệu được sử dụng không còn dưới dạng quen thuộc như bài báo, đoạn trích…., chủ đề mới, cập nhật nhưng vẫn gần gũi với lứa tuổi và nội dung chương trình học. Đây là điểm rất khác biệt so với đề các năm trước, là bước đệm uyển chuyển thể hiện tinh thần đổi mới, hướng tới việc học sinh sử dụng được ngôn ngữ trong đời sống. 
- Bài đọc hiểu dưới dạng diễn đàn gồm câu hỏi và hai ý kiến về vấn đề sử dụng thiết bị điện tử của thanh thiếu niên. Nội dung bài đọc không gây khó cho học sinh, câu phân loại nằm ở phần hỏi cụm từ đồng nghĩa, nhưng nếu biết suy luận các em có thể loại trừ được đáp án sai.
- Bài đọc điền dưới dạng bài quảng cáo, chứa 2 câu phân loại hỏi collocation (make progress) và quantifier (each). Những học sinh học chắc, đọc kĩ, vẫn có thể giành được điểm.

5. Dự đoán phổ điểm: Đề nhỉnh hơn so với năm ngoái, học sinh trung bình có thể đạt 6,5-7, học sinh khá giỏi đạt trên 8 điểm.

Điểm có thể giảm nhẹ (nhận định của giáo viên Đinh Bích Liên, tổ phó tổ Ngoại ngữ Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, quận Nam Từ Liêm):

Đề thi bám sát cấu trúc đề tương tự các năm trước, bao gồm 40 câu trắc nghiệm, kiểm tra tổng hợp các kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu và viết câu chủ yếu trong chương trình lớp 9.

Các dạng bài của đề thi nhìn chung giống với chương trình mà học sinh được ôn tập thường xuyên trong nhà trường. Tuy nhiên, dạng bài communication, dạng bài đọc chọn đáp án và phần trọng âm có khác biệt so với đề các năm trước (ví dụ đề đã đưa vào các tình huống thực tế, lấy ngữ cảnh như là biển báo hoặc một thông báo, hoặc đưa vào các từ 3-4 âm tiết thay vì 2-3 âm tiết như đề năm 2023).

Đề thi có độ phân hóa cao khi trên 60-70% câu hỏi của đề thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu, khoảng 30-40% thuộc cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Nội dung kiến thức được hỏi trong đề thi có độ phủ rộng từ học kì I đến học kì II của lớp 9, không kiểm tra các kiến thức quá khó ngoài chương trình học.

Nếu thí sinh nắm chắc kiến thức ngữ âm, ngữ pháp cơ bản và từ vựng trong sách giáo khoa, có thể hoàn thành từ 60-70% bài thi. Với mã đề 122, để đạt điểm cao, thí sinh cần phải mở rộng kiến thức về giao tiếp thực tế (câu hỏi 1 và các câu từ 26-30 của bài đọc) và kĩ năng làm bài cẩn thận, tỉ mỉ vì câu hỏi không quá khó nhưng lại dễ gây nhầm lẫn (như câu 15, 18, 31 và câu 33) hoặc phần ngữ âm (câu 13, 14).

Các câu hỏi ở mức độ nhận biết như phần trọng âm (đa âm tiết), nhóm 10 câu hỏi nhận biết ngữ pháp (ví dụ như kiểm tra về thì hiện tại hoàn thành, câu điều kiện loại 1, so sánh, dạng của từ, câu ước, câu điều kiện loại 2, giới từ chỉ địa điểm, đại từ quan hệ, cấu trúc look forward to + Ving, cấu trúc ask somebody to do something, tính từ đuôi ing/ed, trạng từ so sánh hơn kém…) đều là những kiến thức nằm trong chương trình mà các thầy cô đã cho học sinh ôn luyện.

Mặc dù không xuất hiện những câu hỏi quá khó, đánh đố nhưng đề thi vẫn có một số câu phân loại được học sinh khá, giỏi. Ví dụ như câu 19 (bài đọc hiểu), câu 24 (chọn từ trái nghĩa), câu 26 (collocation) và câu 40 (bài sửa lỗi sai) của mã đề 122.

Điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi vào 10 năm 2024 có thể giảm so với các năm trước do mất điểm ở một số câu dễ gây nhầm lẫn và những câu mang tính phân loại học sinh, điểm khá giỏi 9-10 sẽ ít hơn. Mức độ phổ điểm với bài thi lần này dự kiến có thể rơi vào khoảng 6-7 điểm.

W-thilop10 ngoaingu.jpg
Thí sinh sau giờ thi môn Tiếng Anh chiều ngày 8/6. Ảnh: Thạch Thảo

Đề thi không làm khó thí sinh, cần đọc kĩ (nhận định của giáo viên Phạm Thị Mai Hoa, Phó hiệu trưởng và cũng là giáo viên môn tiếng Anh của Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình):

Đề thi vào lớp 10 năm nay không làm khó học sinh và cũng không có câu hỏi đánh đố. Tất cả kiến thức này tôi tin các thầy cô dạy lớp 9 đều đã ôn cho các em. Tuy nhiên các em phải mất thời gian đọc kỹ đề để có thể đưa ra đáp án chính xác.

Thông thường, học sinh dễ nhầm lẫn ở phần ngữ âm, từ đồng nghĩa/trái nghĩa và đề thi này cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, các em cũng rất dễ nhầm lẫn trong phần chọn đáp án các câu hỏi liên quan đến cấu trúc ngữ pháp. Song, phần đọc hiểu có ưu điểm là nhẹ nhàng với học sinh.

Các bài thi đạt mức điểm từ 8,5-9.25 sẽ nhiều.

Đề thi phân loại tốt (nhận định của cô Lê Hương Ly, giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Nguyễn Phong Sắc, quận Hai Bà Trưng):

So với đề của các năm trước, phần ngữ pháp vẫn tập trung vào những cấu trúc quen thuộc, thường gặp nhưng kiến thức về từ vựng có phần "nhỉnh" hơn, đòi hỏi học sinh vận dụng kỹ năng đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh. 

Nhìn chung, đề thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2024 bám sát kiến thức chương trình tiếng Anh THCS hiện hành, có tính phân loại học sinh tốt, lượng kiến thức tập trung trong chương trình SGK. 
Phần ngữ âm tập trung vào những quy tắc phát âm và nhấn trọng âm cơ bản.  Phần trọng âm khác với các năm trước là kiểm tra các từ có 4 âm tiết, đều nằm trong quy tắc đánh trọng âm mà học sinh được luyện tập.

Phần từ vựng và ngữ pháp cũng hợp lý với các cấu trúc cơ bản. Tuy nhiên, các em phải suy nghĩ và phân tích đề bài một cách cẩn thận. Trong đề năm nay, phần thành ngữ hay và có tính ứng dụng cao.

Phần giao tiếp cũng là 2 câu hỏi đáp rất quen thuộc: hồi đáp cho lời khen ngợi và chỉ đường.

Phần từ vựng cùng nghĩa và trái nghĩa cũng là những câu rất cơ bản đối với học sinh.

Phần đọc hiểu với 2 bài ở hai chủ đề gắn liền với học sinh. Tuy nhiên, học sinh cần đọc kỹ và cẩn thận để không sai lỗi cơ bản.

Phần viết khá hay với các cấu trúc đa dạng và cũng có câu khó hơn một chút để chọn học sinh đạt điểm 10.
Nhìn chung đề năm nay có tính chất phân loại tốt trong một kỳ thi lớn vào 10 tại Hà Nội.

W-thilop10.jpg
Thí sinh vui vẻ sau ngày thi căng thẳng.
lich thi lop 10.jpeg

>>>Tra cứu điểm thi lớp 10 năm 2024 chính xác cùng VietNamNet<<<