{keywords}


 - Sau này khi nhớ lại đêm đó, tôi không bao giờ quên được khuôn mặt chị phụ nữ cùng những cảm giác đầu đời được một người khác giới ôm xiết.

Cứ vào dịp cuối năm này, lòng mọi người, nhất là những ai sinh sống tại Hà Nội lại xốn xang nhiều cung bậc nhớ lại những ngày cuối tháng 12 của 45 năm trước, năm 1972 với sự khốc liệt của không quân Mỹ dùng B52 đánh vào Hà Nội. Tôi cũng vậy, ngoài những gì mà chiến tranh dội đến, đó còn là một kỷ niệm không thể quên với những cảm giác đầu đời khi lần đầu tiên ở sát bên một người phụ nữ.

Tuy còn  rất trẻ nhưng tôi đã là một anh lính chiến có gần một tuổi quân. Lính pháo cao xạ và đã từng chiến đấu bảo vệ Nam Định, Thái Bình suốt đợt đánh phá của không quân Mỹ năm 1972. Đúng đợt B52 đánh Hà Nội tôi đang là lính thông tin hữu tuyến của B chỉ huy, tiểu đoàn bộ 144, trung đoàn 231, sư đoàn phòng không 365. Là lính thông tin nên nhiệm vụ là trực tổng đài hữu tuyến ở chỉ huy sở và nếu không trực thì sẵn sàng lên đường sửa chữa đường dây bị sự cố. Nhiệm vụ trực là nghe lệnh từ cấp trên trung đoàn thông báo cho cán bộ tiểu đoàn trưởng hoặc phó chỉ huy trực tiếp. Nghe báo cáo từ các đại đội chiến đấu. Truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn xuống các đơn vị. Nói chung lúc báo yên thì an nhàn nhưng khi vào trận đánh thì cực kỳ căng thẳng.

Chỉ huy sở của tiểu đoàn 144 lúc ấy đặt ở Tức Mạc, ngoại thành Nam Định ngay sát đền Trần trên cánh đồng cách xa làng. Khi có chiến dịch B52 đơn vị cùng dân quân địa phương gấp rút đào một căn hầm rộng ngay sát chỉ huy sở. Mỗi lần báo động B52 đánh là dân quân trực chiến cùng số bộ đội không trong ca trực chiến đấu được lệnh rút xuống hầm để bảo toàn lực lượng. Với chỉ huy sở thì đã được hạ cốt âm, có bờ công sự.

Bấy giờ tôi còn là một anh lính trẻ con, chưa một lần yêu, hoàn toàn mít đặc về phụ nữ nên rất ngại xuống hầm trú ẩn cùng cánh dân quân. Chỉ thấy mấy anh lớn tuổi cùng các nữ dân quân rinh rích chuyện trò, hát hò suốt thời gian báo động trong hầm.

{keywords}

Mỗi đêm khi nhìn về phía Hà Nội tơi bời khói lửa nhìn rõ đạn cao xạ, tên lửa bắn lên, những đám cháy sáng rực, tiếng bom nổ rền rĩ, cánh lính trẻ toàn gốc Hà Nội nhập ngũ đầu 1972 sốt ruột kéo nhau túm tụm im lặng gần như tuyệt đối trong nỗi lo lắng thắt ruột về gia đình, người thân của mình.

Nam Định những ngày ấy chỉ lẻ tẻ xảy vài trận đánh nhỏ với cánh cường kích F4H và một vài lần nổ súng đánh chặn máy bay trinh sát F8U cùng đám hộ tống B52 bay ra biển khi tan đợt đánh. Không có một trận oanh tạc nào của B52 với khu vực này.

Chiến sự leo thang căng thẳng, gần cuối đợt không kích Hà Nội, tiểu đoàn 144 chúng tôi được lệnh cơ động tăng cường về Hà Nội bảo vệ một trung đoàn tên lửa. Địa điểm triển khai trận địa ở Thường Tín, mạn gần Quán Gánh. Đồng ruộng lúc ấy khô nẻ, xe pháo chạy được trên mặt ruộng.

Tôi được điều động đi tiền trạm của tiểu đoàn điều nghiên thực địa, cắm mốc trận địa chuẩn bị cho đơn vị hành quân đến. Đến Thường Tín, khi công việc xong xuôi thì gần tối, quá sốt ruột gia đình tôi đánh liều xin phép tiểu đoàn trưởng về nhà ít tiếng. Ngần ngừ nhưng rồi vị chỉ huy tốt bụng vốn yêu mến tôi, hay dấm dúi cho tôi bao thuốc gói chè, gật đầu. Ông ra lệnh phải về đơn vị trước lúc nửa đêm.

{keywords}

Sướng quá, trên đầu vẫn nguyên chiếc mũ sắt tôi phi như bay. Dọc đường quang cảnh chiến trận thật thảm khốc. Chỗ nào cũng hoang tàn, chỉ thấy xuất hiện những lực lượng làm nhiệm vụ. Có rất ít người dân và đó là những người vì công việc phải sơ tán muộn ra khỏi Hà Nội. Xe pháo rất nhiều, chạy đèn gầm rù rù trên đường phố, từ ngoại ô vào và cả trong thành phố ra. Tôi hầu như đi bộ như chạy cả chặng chỉ đi nhờ được một đoạn xe đạp ngắn từ Ngọc Hồi về đến Văn Điển.

Chừng 8h tối tôi về đến nhà ở Bờ sông. Khỏi nói bố mẹ tôi mừng thế nào. Mẹ tôi khóc ôm lấy tôi còn bố tôi cứng rắn chỉ nhìn con trai và lặng lẽ hút thuốc. Tôi nói thời gian về đơn vị. Bố tôi soạn sửa thấy chỉ còn vài bao thuốc Tam Đảo, ông bảo tôi chờ rồi đi đâu đó chừng nửa tiếng quay về mang theo 3 gói chè trong đó có 2 gói loại 3 hào và 1 gói chè ngon Ba Đình cùng 1 cây Tam Đảo nguyên và 1 bịch thuốc cuộn Lạng Sơn to tướng. Mẹ tôi đã gói cho tôi bánh kẹo, túi bánh mỳ bích cốt (thái sấy khô) và cả một liễn mỡ đông đặc cùng 3 tờ bạc 10 đồng.

9h tối tôi từ biệt bố mẹ trở về đơn vị. Bố tôi định đèo tôi bằng xe đạp nhưng tôi nói dối là xe đơn vị đón ở Nhà hát lớn bố ra không tiện vì con chỉ được phép tranh thủ. Lích kích ôm túi bọc chiến lợi phẩm, phần nữa vì buồn nhớ bố mẹ tôi lếch thếch dọc đường Trần Quang Khải. Đến gần nhà máy nước đá thì báo động. Tôi liếc dọc phố chỉ thấy có dãy hầm cá nhân ống xi măng tròn có nắp đậy. Đang dùng dằng đi tiếp hay dừng lại trú ẩn thì có tiếng rít sát sạt của động cơ thằng F111 cánh cụp cánh xòe bay dọc sông Hồng. F111 bay trước là điềm báo thần chết sẽ đến.

Kế đó rộ lên tiếng cao xạ bắn lũ cường kích. Chưa thấy tiếng bom nhưng cảnh hỗn loạn từ những người đi đường lao xuống các hầm cá nhân khiến tôi một anh lính trẻ nhưng đã kịp chiến đấu với không quân Mỹ hàng chục trận đủ kinh nghiệm cũng bị kích thích vội chui xuống một hố gần nhất.

Đang loay hoay để đặt đồ đạc thì bất ngờ một chiếc xe đạp lao nhanh đến. Chiếc xe đổ kềnh. Người đi không kịp cả dựng xe cũng không nhìn thấy tôi trong hố, hốt hoảng phi xuống. Tôi hoàn toàn bị động vì sự cố này. Người kia đè hẳn lên tôi. Hố cá nhân chật dành cho một người. Tôi định nhảy lên tìm hố khác thì bom nổ phía bên kia sông Hồng. Người vừa xuống hầm là một phụ nữ. Lúc này chị bị kích động mạnh vì tiếng bom. Chị rít lên và ôm chặt lấy tôi. Hai người có cố lựa mới có thể vừa chiếc hầm cá nhân nhưng lúc này cảm giác chúng tôi lọt thỏm trong đó.

Người tôi ran lên vì những đụng chạm bất ngờ. Đây là lần đầu tiên tôi được gần gụi một người phụ nữ. Bom rung, hầm tối. Nắp hầm đã được đậy. Người phụ nữ trong cơn sợ hãi vẫn rú hét và ghì chặt lấy tôi. Tôi cảm giác rõ bầu ngực của chị làm ấm nóng lần áo quân phục của mình. Tôi ngấp ngoáng trong ngượng ngập.

{keywords}

Báo yên. Trận đánh chỉ là thăm dò mở đầu. Tôi đẩy nắp hầm đứng lên. Chị phụ nữ đã qua cơn hoảng sợ cũng nhoai ra khỏi hầm. Đó là một phụ nữ trẻ chắc chỉ hơn tôi vài tuổi. Tôi nhìn rõ ngấn mắt chị loáng nước. Chị đã quá sợ hãi. Tôi về đến đơn vị đúng lúc nửa đêm. Liễn mỡ bị vỡ nhưng không ảnh hưởng vì trời rét mỡ đông đặc.

Sau này khi nhớ lại đêm đó, tôi không bao giờ quên được khuôn mặt chị phụ nữ cùng những cảm giác đầu đời được một người khác giới ôm xiết. Tôi đã viết 2 truyện ngắn về câu chuyện này. Một truyện ngắn hư cấu trong hầm trú ẩn công cộng và một truyện ngắn trung thực với chính những gì xảy ra.

Tiểu đoàn tôi sau chiến dịch B52 Hà Nội lại rút về Nam Định đón hòa bình 73 sau đó tiếp tục củng cố và vào chiến trường miền Nam.

Phạm Ngọc Tiến
-----
* Ảnh tư liệu về "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của Nhiếp ảnh gia Trịnh Hải - Báo Thời nay/ Ảnh bìa: Trần Phượng
Chuyện chưa kể về tàu sân bay Midway và 4 phi công cảm tử Việt Nam

Chuyện chưa kể về tàu sân bay Midway và 4 phi công cảm tử Việt Nam

Khi trung đoàn trưởng Lê Oánh hỏi: “Thế đánh như thế nào?”, ông Lê Hải trả lời tưng tửng: “Đánh kiểu Nhật. Mang bom đâm vào tàu sân bay Mỹ.”

Trên lãnh địa của cựu thù nghe chuyện cơ mật

Trên lãnh địa của cựu thù nghe chuyện cơ mật

“Chúng tôi đã được sống trong nắng, gió, lẫn trong “mùi sân bay” quen thuộc trên quê hương của những người ngày nào còn là kẻ thù không rõ mặt”.

Tác giả chương trình huấn luyện “Top Gun” của không quân Mỹ là phi công Việt Nam?

Tác giả chương trình huấn luyện “Top Gun” của không quân Mỹ là phi công Việt Nam?

Có một câu chuyện mà các nhà báo Mỹ hỏi đi hỏi lại các cựu binh phi công Việt Nam, “trong cuộc chiến không quân trên bầu trời Sông Hồng có phi công Liên Xô nào tham gia không?”