Đây là nội dung Quyết định số 3896/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 19/10. Đồng thời, các hoạt động phòng, chống Covid-19 cũng được thay đổi theo quy định.
Việc chuyển bệnh Covid-19 thuộc nhóm A sang nhóm B là do thông tin đối chiếu giữa quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Cụ thể, từ đầu năm đến 31/8/2023, cả nước ghi nhận 97.628 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận khoảng 12.000 ca mắc; số mắc trung bình tháng giảm 12 lần so với năm 2021 (khoảng 144.000 ca/tháng) và giảm 68 lần so với 2022 (khoảng 816.000 ca/tháng).
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023 (tính đến hết tháng 8/2023). Con số này tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B ghi nhận phổ biến tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%).
Các nhà khoa học đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus SARS-CoV-2. Do đó, hiện nay, Covid-19 đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B là "các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong".
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng vừa ký quyết định sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Quyết định nêu rõ, bổ sung nhóm, thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh Covid-19. Theo đó, bệnh Covid-19 thuộc nhóm B có thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã gửi tờ trình đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị bãi bỏ một số Nghị quyết phòng, chống dịch Covid-19 do Chính phủ ban hành.