VỢ CHỒNG SẢN XUẤT XE LĂN 'ĐẶC CHỦNG' CHO THÚ CƯNG Ở TP.HCM

-Tác giả: Quốc Vương-

7 năm trước, anh Oscar Fernando Ruiz Bonilla (45 tuổi, người Colombia) đến Việt Nam lập nghiệp bằng việc mở nhà hàng kinh doanh món ăn quê hương. Đến năm 2019, anh gặp chị Anh Thư, một bác sĩ tâm lý. Nhờ có cùng tình yêu dành cho chó mèo, hai người kết hôn và thành lập một công ty ở TP. Thủ Đức có tên Forever Wheelchair. Đây là nơi sản xuất xe lăn cho thú cưng và hỗ trợ, cưu mang những thú cưng tàn tật, bị bạo hành hoặc bị bỏ rơi.

Từ lần đầu nhận nuôi một chú chó tàn tật, đến nay “đàn con” của hai vợ chồng đã lên tới 27 chó mèo khác nhau. Nhà đông “con” nên từ 2 tuần trước, anh chị thuê thêm một mảnh đất trống xây nhà ở cho chúng, chỉ giữ lại 9 con ở nhà riêng.

Mỗi sáng, hai vợ chồng cùng đàn đàn chó đi dạo ở công viên gần nhà. Họ thân mật gọi thú cưng của mình là con, xưng ba mẹ.

“Cá chim” là một trong những chú chó đầu tiên anh chị nhận nuôi. Vào 3 năm trước, cá chim bị người ta chặt hai chân, vứt ra ngoài đường. Sau đó có người đi qua biết được liền gọi anh chị đến cứu về. Trên người ‘bé’ lúc đó đầy mùi cá biển nên được gọi là "cá chim". 

Khi mới nhận nuôi thú cưng đầu tiên có tên Motor bị tật hai chân sau, anh Oscar lên mạng tìm xe lăn cho nó nhưng không hài lòng các mặt hàng trôi nổi trên thị trường, anh bắt tay vào tự học từng thứ và thiết kế xe lăn cho thú cưng của mình. 

Khi nói về quyết định nghỉ làm nhà hàng để chuyển hẳn sang làm xe lăn cho thú cưng, anh Osace chỉ cười và nói “Nhìn chúng được tự do chạy nhảy tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. Năm đó, anh bán chiếc xe motor yêu thích và những của cải giá trị khác. Chị Thư cũng bỏ toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để đồng hành cùng chồng.

Chiếc xe lăn được làm bằng khung thép sơn tĩnh điện, phuộc nhún giúp chống dằn xoóc, bánh xe, đệm bảo hộ, yếm y tế và sử dụng lò xo giữa các khớp nối làm bằng nhựa phân huỷ sinh học. Mỗi chiếc có giá từ 3,8 triệu đến 6 triệu đồng tuỳ từng kích cỡ và chủng loại, mất khoảng 3 - 5 ngày để hoàn thiện.

Để làm một chiếc xe lăn, công đoạn đầu tiên là đo chiều dài, chiều cao, chiều ngang mỗi thú cưng. Sau đó anh Oscar sẽ thiết thiết kế các bộ phận riêng lẻ trên máy tính, rồi gửi đi xưởng sản xuất. 

Khi các bộ phận được làm xong và chuyển về, nhân viên sẽ tiến hành chỉnh sửa và hoàn thiện. Hiện anh chị có 2 xưởng may, cơ khí ở các quận khác cùng với 2 phòng thiết kế và lắp ráp tại nhà.

Bên cạnh việc bán xe lăn trong và ngoài nước, hai người còn tặng cho những trung tâm cứu hộ động vật hoặc những người chủ có thú cưng tàn tật nhưng không có đủ kinh phí để mua.

“Chọn công việc này vì nó có tính nhân văn, cảm thấy mọi việc mình làm sẽ góp phần giúp đỡ được một chú chó, mèo nào đó ngoài kia được chạy nhảy”, chị Diệu Linh, nhân viên 2 năm trong nghề, chia sẻ. 

Buổi sáng, hai vợ chồng lái xe máy đến chợ dân sinh cách nhà 3km để mua thức ăn. Vì số lượng thịt lớn, chị Thư thường đặt trước cho các cửa hàng thịt rồi mua về để tủ lạnh dùng dần.

Tại khu nhà mới của đàn chó mèo, chị Thư thuê thêm 3 - 4 người phụ trách việc chăm sóc, tắm rửa, ăn uống và trông coi nhà. Mỗi ngày, đàn chó mèo ăn hết hơn 20kg thịt gà, lợn và bò. Ngoài ra chị Thư mua thêm patê, đồ ăn dinh dưỡng, hoa quả để dành cho những ‘bé’ mới được cứu về cần theo dõi.

Thành viên đặc biệt là một con khỉ bị bắn ở Tây Ninh vào năm ngoái. Chị Thư chia sẻ, sau tai nạn con khỉ rất hung dữ, do vậy chị xin kiểm lâm được đem về chăm sóc theo dõi và làm xe lăn phù hợp. Tuy nhiên, con khỉ này chỉ thích được chở trên xe đẩy của trẻ con chứ không chịu đi xe lăn.

Chó mèo sau một thời gian chăm sóc, chị Thư sẽ đăng tìm chủ mới cho chúng. Chị Thư cho biết, để nhận nuôi chó mèo tại đây, người chủ mới phải gửi hồ sơ, sau đó chị sẽ phỏng vấn và đến tận nơi để kiểm chứng khả năng nuôi được, lúc đó chị mới đồng ý.

Thời gian đầu, hai vợ chồng tự bỏ tiền túi từ thu nhập cá nhân ra làm xe lăn miễn phí cho chó mèo bại liệt. Khi số lượng ngày càng nhiều thì kêu gọi tài trợ, ủng hộ của mọi người. Dần dần sản phẩm làm ra được mọi người tìm đến nhiều hơn và còn bán ra nước ngoài. Lợi nhuận thu được hai vợ chồng xoay vòng để giúp đỡ các trường hợp kém may mắn khác và trích một phần chuyển cho những trạm cứu hộ chó mèo ở TP.HCM.

Đến chiều, hai vợ chồng cho đàn chó đi dạo. Chị Thư tranh thủ chụp ảnh, quay video lưu niệm khoảnh khắc chơi đùa của ‘đàn con’. Anh chị thường nói vui rằng, khi cứu được ‘bé’ nào phải tìm chủ ngay, nếu không sẽ nảy sinh tình cảm rồi không muốn chia xa chúng.

Về kế hoạch lâu dài, hai người muốn chuyển hẳn lên Đà Lạt để đàn chó mèo có không gian chạy nhảy, tự do hơn.

“Vẫn là ước mơ thôi nhưng chúng tôi mua đất rồi, việc còn lại là thêm thời gian hơn và tiếp tục cố gắng thôi”, chị Thư nói. Như ý nghĩa của cái tên công ty Forever Wheelchair, hai vợ chồng mong muốn mỗi chiếc xe lăn làm ra sẽ giúp được nhiều hơn một thú cưng tàn tật.