KHÁM PHÁ ĐẠI HỌC DANH TIẾNG CÓ SLOGAN 'MỘT TÌNH YÊU, MỘT TƯƠNG LAI' 

Được thành lập năm 1956, ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của cả nước. Đến nay, đây vẫn là lựa chọn hàng đầu của các sĩ tử ngành kỹ thuật.

Theo Bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 33% các đại học tốt nhất châu Á, xếp hạng thứ 360 thế giới và số 1 Việt Nam về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ.

"HUST - Một tình yêu, một tương lai" - ngôi trường chứa đầy niềm tự hào trong tim mỗi sinh viên Bách khoa Hà Nội. HUST là tên viết tắt tiếng Anh: Hanoi University of Science and Technology.

Mỗi năm, ngôi trường danh tiếng này tuyển khoảng 7.000 sinh viên hệ chính quy. Hiện nay, tổng quy mô hệ đại học và sau đại học khoảng 35.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh. 

ĐH Bách khoa Hà Nội có khuôn viên rộng với tổng diện tích phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội họp lên tới 26,2ha. Trường có hơn 200 giảng đường, phòng học, hội trường lớn và hệ thống phòng hội thảo; gần 200 phòng thí nghiệm, trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và khoảng 20 xưởng thực tập, thực hành.

Tượng đài cẩm thạch trắng “Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc” trong khuôn viên Quảng trường C1. Trên tượng đài khắc lời đề tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc".

Hiện nay, ĐH Bách khoa Hà Nội gồm 3 trường trực thuộc, 10 viện và 3 khoa đào tạo chuyên môn. Bước chuyển mình quan trọng lần này là cơ hội để đổi mới cấu trúc, hệ thống quản trị bên trong; giúp bộ máy trở nên tinh gọn; tăng tính chủ động, sáng tạo và tăng trách nhiệm hơn đối với các đơn vị chuyên môn, trường trực thuộc. 

TS Nguyễn Đăng Tuấn, giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học kỳ vọng việc nâng cấp từ trường thành ĐH hứa hẹn sự đổi mới về cơ sở vật chất, con người. Trong đó, các phòng thí nghiệm, máy móc, trang thiết bị sẽ được đầu tư hiện đại hơn. 

Bên cạnh đó, TS Tuấn cũng mong muốn giảng viên sẽ được trao quyền nhiều hơn, được tự do sáng tạo hơn nữa trong chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu khoa học, từ đó trở thành nguồn động lực để thúc đẩy sự tìm tòi, ham học hỏi của các thế hệ sinh viên.

Nếu như trước đây, trường thường xuyên có sự giao thoa giữa các ngành, lĩnh vực thì giờ đây, việc thay đổi cơ cấu sẽ giúp giảm bớt những ngành nhỏ lẻ, tạo ra tính liên ngành nhiều hơn; các giảng viên cũng được tự chủ hơn về mặt học thuật.

Ngoài ra, việc tập hợp các nhóm chuyên môn sẽ tạo ra những nhóm nghiên cứu mạnh, cùng chung hướng đi, từ đó giúp phát triển về mặt nghiên cứu khoa học, tăng chất lượng đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, sự chuyển đổi này là tất yếu. Bởi lẽ, mô hình trước đây của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã không còn phù hợp với cơ cấu tổ chức hiện tại, khi có sự phát triển mạnh mẽ của rất nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều khoa, bộ môn. 

“Việc cấu trúc lại cũng sẽ giúp ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn do các trường, viện trực thuộc được phân quyền mạnh mẽ, từ đó việc quản trị cũng sẽ hiệu quả hơn”, ông Phương nhấn mạnh.

Thư viện Tạ Quang Bửu là thư viện lớn và hiện đại nhất trong hệ thống thư viện của các trường ĐH trên cả nước với hàng nghìn đầu sách kỹ thuật.

Về công tác quản lý, năm 2011, nhà trường bắt đầu thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung về đào tạo, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Đến năm 2016, trường đã tiến đến tự chủ toàn diện.

Nhiều cơ sở vật chất của trường đang trong giai đoạn hoàn thiện, xây mới hoặc tiếp tục nâng cấp.

Nguyễn Kim Chi (phải), sinh viên K67, Chương trình tiên tiến Kỹ thuật thực phẩm kỳ vọng, trong tương lai, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có sự đầu tư, nâng cấp hơn nữa cho phòng thí nghiệm của các viện, trường. 

Lên đại học - bước tiến giúp Bách khoa Hà Nội vươn tầm cao hơn, Kim Chi cùng nhiều sinh viên mong đây sẽ là cơ hội để nhà trường mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, các trường nước ngoài. Nhờ đó, sinh viên sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm tốt hơn hoặc có thể tiếp tục đi du học sau khi tốt nghiệp.