Lời Toà soạn:

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong kết cấu hạ tầng giao thông cả nước với chiều dài 2.063km đi qua 32 tỉnh, thành phố, nối liền từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau.

Tháng 12/2004, đoạn tuyến cao tốc đầu tiên TP.HCM - Trung Lương được khởi công. Thế nhưng tới đầu năm 2023, dự án mới có 1.200km đường hoàn thành.

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương có dự án đường cao tốc đi qua đang dồn lực thi công với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhiều lần nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng là danh dự, trách nhiệm của ngành GTVT trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Theo đó, từ Bộ trưởng GTVT đến các lãnh đạo Bộ, các cơ quan trực thuộc, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, đặc biệt là các nhà đầu tư/nhà thầu thi công đã quyết tâm thực hiện với tinh thần theo chỉ đạo của Thủ tướng: "Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực thời gian thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra".

Bộ GTVT đã tổ chức phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh" để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai “3 ca 4 kíp”, thi công xuyên lễ, Tết.

Trong đó, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 là ví dụ điển hình. Được khởi công tháng 9/2020 và đưa vào vận hành đúng dịp 30/4 - 1/5 năm 2023, đại diện Ban Điều hành dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 nhìn nhận đây gần như là “kỳ tích” của ngành giao thông.

Bởi vì, từ trước đến nay, chưa có dự án cao tốc nào hoàn thành trong vòng 30 tháng, đơn cử như các tuyến: Hà Nội - Hải Phòng 8 năm, Cầu Giẽ - Ninh Bình 4 năm, Hà Nội - Lào Cai 4 năm và Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 4 năm.

Để đạt được “kỳ tích” ấy, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã phải huy động gần 100 mũi thi công trên hàng chục gói thầu liên tục tăng ca, tăng kíp, chạy nước rút những ngày cuối cùng để về đích theo đúng kế hoạch.

Phát biểu tại Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc vào đầu tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, có rất nhiều trở ngại trong quá trình chuẩn bị, khởi công, triển khai các dự án.

Cụ thể, từ việc lập dự án đến thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí nguồn vốn, đấu thầu… phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục quy định thuộc rất nhiều luật như: Đấu thầu, Đầu tư công, Xây dựng, Ngân sách, Bảo vệ môi trường, Lâm nghiệp, Khoáng sản, Phòng cháy chữa cháy…. Chưa kể, mỗi dự án giao thông còn liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên phải mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Trong khi đó, tiến độ thi công phụ thuộc rất lớn công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, cách làm sáng tạo của các địa phương, đến nay đã bàn giao được khoảng 608/721,3km (đạt 84%), đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công.

Là địa phương có dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đi qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, địa phương xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.

Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng khẩn trương được thành lập, UBND tỉnh tổ chức họp, kiểm tra tiến độ và chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành xây dựng 23 khu tái định cư, 17 điểm cải táng mồ mả, đồng thời đã bàn giao mặt bằng cho dự án triển khai thi công. 

Tại TP. Cần Thơ, có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc –Nam đi qua gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thành phố quyết liệt triển khai giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để công trình triển khai theo tiến độ yêu cầu. Do đó, ngày 17/6 vừa qua, 2 dự án đã được khởi công theo đúng kế hoạch.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, địa phương có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang triển khai. Đến ngày 16/6 công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt tỷ lệ 80,7%.

Ngoài khâu giải phóng mặt bằng thì tiến độ thi công dự án cũng phụ thuộc rất lớn vào công tác cấp phép, khai thác mỏ vật liệu của các địa phương.

Tại nhiều gói thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… dù mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công nhưng công trình vẫn không thể khởi động, nguyên nhân do thiếu đất đắp nền.

“Đây cũng chính là nguy cơ khiến cho nhiều gói thầu thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn vừa qua chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù như: Triển khai đồng thời các công việc, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu cho nhà thầu thi công, nâng công suất đối với các mỏ đang khai thác…

Bằng việc rốt ráo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ Bộ GTVT, các địa phương cũng đã có cơ chế để triển khai nhằm từng bước cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án.

Nhờ có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, số liệu thống kê mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, đến nay cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành 29 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài 1.729km. Tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc đang bám sát kế hoạch đề ra

Khung nội dung


Cao tốc Bắc - Nam sắp thành hình Hơn 500 mũi thi công, gần 11.000 công nhân, kỹ sư, tư vấn giám sát với gần 5.000 máy móc, thiết bị đang dồn lực thi công tại tất cả các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành toàn tuyến.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV