Chiều 30/11, với 443/454 (92,48%) đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Dự án được triển khai với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.
Tuyến đường sắt giúp bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 và các nghị quyết của Đảng.
Bày tỏ sự xúc động khi Quốc hội thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVTNguyễn Danh Huy cho biết, đây là tâm nguyện của các thế hệ cán bộ ngành đường sắt.
“Từ hệ thống đường sắt lạc hậu, bằng Nghị quyết này, đã đánh dấu mốc quan trọng chongành đường sắt nói riêng và giao thông vận tải nói chung bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy bày tỏ.
Ông Huy cho biết thêm, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được nghiên cứu 18 năm. Năm 2011, dự án đã được trình cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại thời điểm đó còn một số băn khoăn về nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn, nợ công cao cũng như những băn khoăn về tốc độ, công năng.
Trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách lớn trên hành lang Bắc - Nam. Đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải.
Hơn nữa, thời điểm này quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, nợ công đang ở mức rất hợp lý khoảng 37%, các điều kiện về nguồn lực cơ bản không phải là thách thức lớn.
Cùng với đó, những trăn trở về mặt kỹ thuật trước đây như tại sao lại lựa chọn tốc độ 350km/h, hay công năng tại sao chủ yếu vận tải hành khách đã được làm rõ.
"Như vậy đây là thời điểm thích hợp để quyết định đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.
Theo Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541km. Tuyến bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.
Trên toàn tuyến sẽ được bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình từ 50 - 70km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.
Đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, đơn vị tư vấn đề xuất đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.
Dự án được dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM khởi công năm 2027, đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028.
Theo Bộ GTVT, phương án đầu tư toàn tuyến sẽ phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác. Đánh giá các chỉ tiêu kinh tế cho thấy phương án này có hiệu quả cao hơn phương án phân kỳ đầu tư.
Về nhân lực, theo tính toán của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), công tác quản lý dự án cần đào tạo 700 - 1.000 nhân sự. Đơn vị tư vấn cần đào tạo từ 1.000 - 1.300 nhân sự. Đơn vị vận hành khai thác cần đến 13.800 nhân sự. Lĩnh vực nhà thầu xây dựng, các cơ sở, tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án cần khoảng 220.000 nhân sự.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha.
Trong đó, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 3.102ha; rừng đặc dụng khoảng 243ha, rừng phòng hộ khoảng 653ha, rừng sản xuất khoảng 1.671ha.
Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn: Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.713.548 tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo Nghị quyết, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc: Tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm dự án đúng tiến độ, chất lượng; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư dự án; chỉ đạo tổ chức việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì bảo đảm an toàn, hiệu quả.