Trước cơ hội rộng mở về chuỗi cung ứng trong ngành hàng không, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Tổng giám đốc Tổng công ty sản xuất thiết bị Viettel đã có cuộc trò chuyện với VietNamNet trong hành trình đi ra thế giới.
PV: Thưa ông, đầu tiên xin ông chia sẻ về mục tiêu lớn nhất của công ty trong năm nay và trong giai đoạn 5 năm tới, giai đoạn trung hạn trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Năm nay mục tiêu của chúng tôi là tăng tỷ trọng doanh thu đến từ mảng dân sự và ngoài lĩnh vực nội bộ tập đoàn lên tới 15% và 15% này đến từ ba nhóm công việc. Thứ nhất là bán sản phẩm của công ty nghiên cứu chế tạo xuất khẩu và bán cho các khách hàng trong nước, ví dụ như hạ tầng viễn thông, thiết bị đầu cuối hay cáp quang. Mảng thứ hai là đến từ lĩnh vực gia công thiết bị điện tử cho những nhà sản xuất nước ngoài như Đài Loan, Mỹ. Thứ ba là gia công cơ khí cho những chuỗi cung ứng của hàng không vũ trụ, nhà máy điện. Mong muốn của toàn Tổng công ty là đạt tổng doanh thu của mảng kinh bên ngoài này khoảng 600 tỷ đồng, chiếm 13% tổng doanh thu.
Nhiệm vụ chính trước đây là sản xuất theo đơn đặt hàng của quân đội và tập đoàn, chưa đẩy mạnh kinh doanh ra ngoài nhiều. Sau khi sát nhập, tái tổ chức thành tổng công ty, tập đoàn đặt mục tiêu rõ ràng hơn, cụ thể hơn cũng như tăng cường năng lực kinh doanh bên ngoài cho tổng công ty. Ngay năm đầu, chúng tôi đặt mục tiêu rất lớn, gấp khoảng 6 lần so với những năm trước. Chúng tôi đặt mục tiêu cao và yêu cầu cả đội ngũ sáng tạo và vận động để đạt được mục tiêu cao đó. Chúng tôi biết mục tiêu rất thách thức.
Từ một quy mô rất nhỏ đến quy mô lớn đòi hỏi bộ máy kinh doanh cho đến kỹ thuật, sản xuất phải nỗ lực hơn rất nhiều lần.
PV: Trước đây chủ yếu công ty nhận những đơn đặt hàng trong quân sự, nghĩa là được đặt hàng, mình không phải chủ động tìm kiếm đơn hàng. Vậy, bây giờ mình chuyển sang vai trò hoàn toàn khác là chuyển sang chủ động tìm kiếm đơn hàng, ông nhận định như thế nào về cơ hội cũng như thách thức để mình mở rộng quy mô lĩnh vực sản phẩm của mình trong bối cảnh hiện nay?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Cơ hội của mình còn rất nhiều. Trước đây, với linh kiện cho hàng không vũ trụ, chúng tôi chỉ làm việc với một nhà cung cấp cấp trên. Tuy nhiên, cũng với năng lực sản xuất những thành phần chi tiết đó, năm nay chúng tôi tiếp cận với nhiều nhà cung cấp cấp trên hơn. Cụ thể như là Mitsubishi Heavy Industries,.... Cùng với năng lực, chứng nhận, chứng chỉ tiêu chuẩn ấy, chúng tôi có thể làm được nhiều sản phẩm hơn. Đó là mở rộng theo chiều ngang, cùng với năng lực hiện có, công ty có thể gia tăng doanh số và làm việc với nhiều đối tác hơn.
PV: Với sự chuyển đổi quy mô từ bị động sang chủ động, mở rộng quy mô sản phẩm, tự bản thân anh nhận thấy đâu là lợi thế cạnh tranh của mình khi mở rộng sân chơi?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Lợi thế cạnh tranh của chúng tôi chính là được đầu tư rất sâu về công nghệ cao và nguồn lực trong việc triển khai tiêu chuẩn và nghiên cứu. Cụ thể, nếu chỉ gia công cơ khí và điện tử thông thường có rất nhiều ở Việt Nam. Nhưng đối với cơ khí chính xác, bước xử lý sản phẩm mà đạt được yêu cầu của hàng không vũ trụ thì ở Việt Nam rất ít, chỉ không quá 5 đơn vị có thể làm được việc này và hầu như đều là doanh nghiệp FDI. Đấy là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi.
PV: Vậy, khi nói về mặt doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả kinh tế của hàng không dân dụng có tiềm năng, mà mình lại là đơn vị cung cấp các linh kiện, cơ khí chính xác cho ngành hàng không này, gôn nhận thấy cơ hội nằm ở đâu? Có nhiều ngành cần đến cơ khí chính xác và đang phát triển mạnh, ví dụ như ngành ô tô. Nhưng cơ duyên nào lại khiến mình chọn ngành hàng không?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Vai trò của Viettel trong công nghiệp, công nghiệp chế tạo là lưỡng dụng. Tức là khi đầu tư về năng lực, sản xuất, máy móc, con người dây chuyền, thì luôn muốn song song làm các sản phẩm quân sự, dân sự. Cả hai cái đấy rất gần nhau. Đó là lý do vì sao mình chọn hàng không vũ trụ thay vì ô tô. Ô tô cũng là một lĩnh có yêu cầu cao trong chế tạo, cơ khí. Tuy nhiên, khi so sánh với hàng không vũ trụ, tiêu chuẩn của hàng không vũ trụ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, với năng lực mình được trang bị, chúng tôi đáp ứng được ngay những tiêu chuẩn cao của hàng không vũ trụ.
Bên cạnh đó, bên mình cũng luôn đề cao tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đầu tư. Khi làm gì, luôn cố gắng khai thác tối đa cái mình đã đầu tư, đã xây dựng lên. Đó là khái niệm phải làm lững dụng là vì thế.
PV: Tại sao hướng đi mới này của mình mới bắt đầu từ năm 2020, 2022 nhưng lại chọn đẩy mạnh ở giai đoạn này mà không phải giai đoạn trước?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Thực ra để làm được trong chuỗi của hàng không vũ trụ, công ty M3 trước đây đã bắt đầu từ lâu rồi, từ 2018-2019. Lúc đó, M3 làm những công việc cần thiết để tham gia được cái đó. Đầu tiên là trang bị đủ các máy móc thiết bị, không chỉ gia công cơ khí mà còn cả thiết bị đo, thiết phân tích vật liệu và rất nhiều thứ khác nữa để đủ điều kiện. Thứ hai là phải trải qua quá trình đánh giá, chứng nhận của tiêu chuẩn hàng không vũ trụ. Thứ ba mới là làm việc với nhà cung cấp cấp trên để họ thẩm định, đánh giá và chế tạo thử. Sau đó, nếu họ đánh giá mẫu đạt thì mới đến chuyện đơn đặt hàng. Đó là cả một quá trình 3-4 năm vừa rồi chứ không phải mới bắt đầu.
PV: Gia nhập chuỗi cung ứng của ngành hàng không dân dụng, ông nhận định ra sao về quy mô thị trường, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này và tiềm năng về doanh thu?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Lĩnh vực về hàng không vũ trụ có đặc điểm là để tham gia vào rất khó để vượt qua ngưỡng. Đầu tư phải đầu tư được về máy móc trang thiết bị và có đủ kiên nhẫn để qua các kỳ đánh giá thử và áp dụng các tiêu chuẩn. Nhưng khi đã tham gia vào chuỗi này rồi thì việc có đơn hàng, hay có doanh thu là tương đối dễ dàng. Bởi vì số lượng nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn rất ít. Trong khi đó nhu cầu về phát triển hàng không dân dụng đặc biệt là hàng không trả khách đang tăng trưởng rất nhiều trong thời gian vừa qua. Điều tôi nhận ra khi đứng ở trong chuỗi là những người mua hàng sẽ chủ động đến để tìm mình. Gần như là vậy. Tất nhiên là phải cả hai phía cùng tìm đến nhau.
Hiện, chúng tôi tham gia gia công một số chi tiết của bộ mô-tơ và máy phát điện cỡ nhỏ trên máy bay. Đó là chi tiết rất quan trọng để có thể điều khiển được trên máy bay. Ví dụ như điều khiển ghế ngồi cánh hay động cơ thì đều cần phải có. Hiện tại chúng tôi đang cung cấp cho Meggitt và Meggitt chịu trách nhiệm sản xuất. Chúng tôicũng bắt đầu gửi mẫu thử để tham gia một số các chi tiết cơ khí khác của một số bộ phận khác. Một ví dụ như thế này để mọi người có thể nắm được mức độ phức tạp của máy bay chính là riêng cửa mở cho hành khách đi lên trên máy bay Boeing 777 có đến 6.000 chi tiết cơ khí. Trong máy bay phải đến hàng triệu chi tiết cơ khí. Và điều đấy đòi hỏi một quá trình chế tạo rất chính xác.
V: Đến thời điểm này, về năng lực cung ứng của công ty là làm được bao nhiêu loại sản phẩm chi tiết trên một chiếc máy bay?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Chúng tôi đang cung cấp khoảng hai chục chi tiết khác nhau trên Boeing sản lượng thì không nhiều lắm chỉ rơi vào nhiều thì độ nghìn chiếc một năm ít thì mấy trăm trước một năm. Về giá trị gia công thì rất cao, gấp nhiều lần so với gia công cơ khí chi tiết thông thường. Tất nhiên vẫn phải cạnh tranh với những nhà cung cấp khác như chúng tôi có ưu thế về chi phí thấp hơn nhưng giá trị gia tăng vẫn tốt.
PV: Mục tiêu sắp tới trong chuỗi cung ứng hàng không của công ty là gì?
TGĐ Nguyễn Thế Nghĩa: Đó là trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho các hãng hàng không. Nhưng đó là quãng đường dài mà tôi nghĩ phải đến chục năm nữa, khoảng 7-10 năm nữa mới rèn luyện được. Nhà cung cấp cấp 1 thì không chỉ có nguyên lợi ích mà sẽ kèm theo trách nhiệm và rủi ro. Câu chuyện như này tất cả mọi thứ đều phải đúng theo thời hạn, năm ngoái họ đã phạt nhà cung cấp cấp 1 ở Ý cả triệu đô cho một đơn hàng bị chậm. Mình là nhà cung cấp cấp dưới thì ông cấp trên có nhiều nguồn khác nhau nên có thể chậm dăm ba ngày cũng vẫn chấp nhận được. Nhưng khi đã trở thành nhà cung cấp cấp 1 thì phải chất lượng và thời gian phải đúng. Vậy nên mình phải chuẩn bị rất tốt mới tham gia sâu hơn được, phải đi chắc.
Thực hiện: Băng Dương