Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về tổng số ca nhiễm và tử vong kể từ đầu dịch tới nay, lần lượt là 82.309.113 và 1.015.441 trường hợp. Ấn Độ đứng thứ hai về tổng số ca nhiễm và thứ ba thế giới về số ca tử vong, lần lượt là 43.041.995 và 521.781.

Trong khi, Brazil đứng thứ ba về tổng số ca nhiễm, nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong, lần lượt ở mức 30.250.077 và 661.993 người.

Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19

So với tuần trước, số ca mới mắc Covid-19 toàn cầu đã giảm 22%, trong đó châu Á ghi nhận con số giảm mạnh nhất 28%, tiếp sau là châu Âu 21%, châu Phi 19%.

Hàn Quốc thời gian gần đây đã trở thành nước có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, nhưng con số này hiện đã giảm mạnh so với trước đó. Theo Yonhap, hôm qua, Hàn Quốc ghi nhận 107.916 ca Covid-19 mới, giảm mạnh so với đỉnh dịch lên đến 621.178 trường hợp được ghi nhận vào ngày 17/3.

Từ đầu tuần tới, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ tất cả các quy định về giãn cách xã hội, trừ quy định đeo khẩu trang, đánh dấu kết thúc hơn hai năm áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch Covid-19.

Theo công bố của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc sáng 16/4, nước này đã ghi nhận 3.896 ca nhiễm mới trong ngày 15/4, trong đó 3.867 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca không triệu chứng là 20.894, trong đó 20.813 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng.

Thành phố Thượng Hải tiếp tục ghi nhận 3.590 ca mắc mới có triệu chứng và 19.923 trường hợp không có triệu chứng. Bất chấp việc hầu hết người dân ở đây đang thực hiện lệnh phong tỏa, số ca nhiễm mới ở Thượng Hải vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số ca mới của Trung Quốc.

Một số nơi khác ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa để chặn dịch. Thành phố Tây An tạm thời áp lệnh phong tỏa từng phần sau khi ghi nhận hàng chục ca mới trong tháng này. Khu công nghiệp sân bay Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam cũng thông báo phong tỏa 14 ngày từ 15/4.

Tại châu Âu, Bộ Y tế và Viện Y tế quốc gia Italia cho biết biến thể Omicron hiện chiếm 100% các ca mắc mới tại nước này, trong đó dòng phụ BA.2 chiếm đa số. Tuy nhiên, theo tổ chức y tế GIMBE, số ca mới của Italia trong tuần 6-12/4 giảm 6,5% so với tuần trước đó. Số ca tử vong cũng giảm 11,4%.

Ở Đức, Viện Robert Koch (RKI) khuyến cáo người dân thận trọng trong dịp lễ Phục sinh, tránh để tỷ lệ lây nhiễm mới tăng trở lại. RKI cho biết tỷ lệ lây nhiễm tại Đức vẫn ở mức "rất cao" với hơn 1 triệu trường hợp nhiễm mới trong vòng một tuần. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm.

Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới đang cố gắng mở rộng việc tiêm mũi vắc xin tăng cường. Nhiều chuyên gia khẳng định, việc tiêm mũi tăng cường là cần thiết trước đà lây lan của biến thể Omicron.

Dương Lâm