Kể từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức cuối năm ngoái, đến nay đã có 45 doanh nghiệp đã được chấp thuận cho nghiên cứu khảo sát lập dự án đầu tư. 

Trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp như trồng mắc ca; trồng rừng sản xuất và trồng dược liệu dưới tán rừng. 

Tới đây, tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn đó là áp dụng trong theo dõi mùa vụ, dịch hại cây trồng, theo dõi các hoạt động chăn nuôi, thủy sản; quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản; quản lý thủy lợi phòng chống thiên tai; cập nhật diễn biến rừng, cảnh báo sớm cháy rừng; cập nhật thông tin thị trường nông sản phục vụ doanh nghiệp, người sản xuất nông nghiệp. 

Thực hiện áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như: Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, blobalGap, hữu cơ; công nghiệp cao nhà màng, nhà lưới, tưới tiêu tự động; công nghệ chế biến bảo quản, đóng gói, bao bì; công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, xử lý môi trường trong sản xuất…

Trong những năm qua, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Lai Châu cũng đã nỗ lực trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn. 

Đến nay, tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến trong nông nghiệp. Cụ thể như, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt gồm: 171 ha chè (VietGAP, hữu cơ, RA), nuôi lợn VietGAP, nuôi cá nước lạnh, nấm đông trùng (ISO); nông nghiệp công nghệ cao gồm: sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, tiết kiệm; áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến gồm: chế biến chè công nghệ Nhật Bản, Đài Loan, chế biến miến dong, gạo; gắn mã vùng trồng cây ăn quả 4.000ha, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; xác lập quyền sở hữu trí tuệ (80 sản phẩm), áp dụng mã số, mã vạch cho 20 doanh nghiệp, hợp tác xã.

Một trong những bí kíp của Lai Châu để vực dậy ngành nông nghiệp là hợp tác với nước ngoài để học hỏi và thu hút đầu tư.

Đơn cử, vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã đồng tổ chức hội thảo "Giải pháp nông nghiệp công nghệ cao Israel - Lai Châu". 

Phát biểu tại hội thảo, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu mong muốn Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và các doanh nghiệp của Israel quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư, đồng thời quân tâm hỗ trợ tỉnh triển khai chương trình hợp tác giáo dục; chuyển giao công nghệ sản xuất thông minh tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân; chuyển giao công nghệ xây dựng hệ thống nhà kính, vườn ươm và cánh đồng mở để giúp cho các doanh nghiệp tỉnh phát huy được tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc của tỉnh.

Đại sứ Nadav Eshcar đánh giá cao sự hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và Israel sẵn sàng hỗ trợ địa phương để đưa những công nghệ mới, hiện đại vào hỗ trợ cho nông dân tỉnh Lai Châu.

Các khách mời tham dự hội thảo đã dành nhiều thời gian để trao đổi về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thế mạnh của Israel. Đại diện 4 doanh nghiệp nông nghiệp của Israel đã chia sẻ về những mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: Bộ nhà kính quy mô gia đình, hệ thống tưới cho nông hộ, giải pháp gas hữu cơ gia đình, thiết bị xử lý chất thải hữu cơ thành điện năng…

Trong những năm gần đây Việt Nam và Israel đã thường xuyên có những chuyến thăm lẫn nhau ở nhiều cấp, để củng cố, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, giáo dục đào tạo, văn hóa, nông nghiệp và hợp tác kỹ thuật. Các doanh nhân Israel đã đến nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, khai thác và sản xuất dầu khí, viễn thông và dược phẩm.

Israel được biết là quốc gia dẫn đầu về phát triển năng lượng mặt trời, đứng đầu thế giới về bảo tồn nước và năng lượng địa nhiệt, có các công nghệ ưu việt về phần mền, viễn thông. Israel có nhiều sáng kiến về các kỹ thuật bảo tồn nước và kỹ thuật hiện đại hóa nông nghiệp trong đó nổi bật là kỹ thuật là tưới nhỏ giọt, công nghệ xây dựng hệ thống nhà kính, vườn ươm và cánh đồng mở...

Thế Long, Trà My, Cản Tuấn