Lời tòa soạn: Nói đến TP.HCM là nói đến biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới. Những năm gần đây, đầu tàu kinh tế của cả nước có dấu hiệu chững lại. Các nhân tố ‘dám nghĩ, dám làm, dám đột phá’ vốn là đặc tính của TP năng động nhất cả nước giờ đang có biểu hiện mờ nhạt.
Loạt bài của VietNamNet góp phần tìm câu trả lời về xung lực mới giúp TP.HCM tìm lại vị thế vốn có.
Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị ngày 16/1/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (khi còn là Thường trực Ban Bí thư) đã cảnh báo về sự sụt giảm vai trò đầu tàu của TP.HCM.
Theo ông Võ Văn Thưởng, dù TP.HCM vẫn đang là đầu tàu kinh tế nhưng quy mô đầu tàu bắt đầu giảm. Ông dẫn chứng, theo các mốc phát triển, từ năm 2011-2015, tăng trưởng kinh tế của TP.HCM luôn đạt trên 9%/năm trở lên, cá biệt năm 2011 mức tăng trưởng đạt 10,3%.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, kinh tế TP.HCM có dấu hiệu chững lại và bắt đầu giảm sâu. Tính từ năm 2017-2021, kinh tế địa phương này chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình trên 8%/năm.
Trong đó, năm 2020, đạt 7,83%/năm và giảm sâu trong năm 2021 (tăng trưởng âm 6,78% - P.V).
Bước vào quý I/2023, kinh tế Thành phố lại rơi vào nhóm "cầm đèn đỏ", khi tăng trưởng chỉ đạt 0,7% (cả nước đạt mức 3,32%), đứng thứ 56/63 địa phương và thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo TS.Trần Du Lịch, đây là lần đầu tiên từ năm 1982, mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố thuộc diện “cầm đèn đỏ”.
Trong hai năm 2020-2021, kinh tế Thành phố sụt giảm do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. TP.HCM là tâm điểm của dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế-xã hội gần như tạm ngưng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch; kinh tế chững lại, giảm sâu là điều tất yếu.
Tuy nhiên, bước vào quý I/2023 (dù năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng 9,03%), kinh tế TP.HCM lại phát triển chậm nhịp so với nhiều tỉnh/thành trên cả nước.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), kinh tế Thành phố rơi vào nhóm “cầm đèn đỏ” có từ các yếu tố khách quan và chủ quan.
Về khách quan: thời điểm quý I là giai đoạn sau Tết, các hoạt động sản xuất tạm dừng; mức chi tiêu thấp, người dân thắt lưng buộc bụng.
Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp (chiến sự, lạm phát toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng hệ thống ngân hàng…) khiến lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và thương mại…
Trung ương chấn chỉnh ngành tài chính-ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng mạnh đến nhiều ngành nghề thương mại-dịch vụ khác nhau của thành phố, đặc biệt là bất động sản.
Về chủ quan, có 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, tiến độ giải ngân đầu tư công quý I/2023 chậm (chỉ đạt 4%).
Thứ hai, hiệu quả thực thi công vụ của bộ máy thành phố không cao, ách tắc về hồ sơ, giấy tờ khiến các dự án không thể triển khai được, việc kém hiệu quả này chủ yếu do con người và tâm lý.
Thứ ba, tăng trưởng của Thành phố trong các ngành chủ lực đã đến giới hạn. Đặc biệt, sự giới hạn lớn về nguồn lực tài chính (tỷ lệ điều tiết, ngân sách đầu tư, cách thức huy động nguồn lực) và cơ sở hạ tầng (cơ sở hạ tầng công nghiệp như đường xá, bến bãi, logistic, đất công nghiệp hay hạ tầng dịch vụ như trung tâm triển lãm, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa…)
Cuối cùng là các vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền của TP.HCM trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, tài nguyên môi trường, tài chính, bộ máy, con người.
Theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, vai trò đầu tàu, động lực phát triển, tăng cường liên kết vùng của Thành phố đối với vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng, chậm được khắc phục, có mặt ngày càng gay gắt hơn.
Ngoài các yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng, một phần sự suy giảm kinh tế đến từ lý do nội tại, đó là tâm lý cán bộ e ngại, lo sợ nên hiệu quả thực thi công vụ không cao, thậm chí không dám làm gì.
Nói về điều này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thừa nhận: "TP.HCM vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhưng gần đây, điều này hầu như không có bao nhiêu".
Nỗi lo sợ này đến từ việc xử lý mạnh tay các đại án và những cá nhân sai phạm, trong đó có một số cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt của TP.HCM do vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước đã phải chịu xử lý kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.
Theo Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, việc một bộ phận cán bộ e ngại, lo sợ… dẫn đến hiệu quả thực thi công vụ chưa cao, quá trình giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn chậm. Đây cũng là nguyên nhân làm trì trệ nền kinh tế.
Đánh giá sâu hơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho rằng, đây không chỉ là sự e ngại mà là tình trạng co cụm, cầu an và thận trọng quá mức của cán bộ. Đi sâu phân tích, Trung tướng khẳng định, không thể đổ lỗi cho việc xử lý mạnh tay rồi cán bộ e ngại. Những việc xử lý mạnh tay vừa qua là bài thuốc chữa các căn bệnh di căn.
“Khi tôi hỏi chuyện một số cán bộ đang ở cấp lãnh đạo cơ quan Nhà nước, họ nói luôn, thà chịu kỷ luật còn hơn ở tù. Mấu chốt vấn đề nằm ở đó, một số cơ quan đang rất thờ ơ, lãnh đạm”, ông Lê Mạnh, thành viên Hội Doanh nghiệp quận 10 chia sẻ.
Trao đổi về tâm lý e ngại của đội ngũ cán bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho biết, xử lý các vụ án là đúng, xử lý cán bộ tham nhũng là đúng. Tuy nhiên, việc này chắc chắn làm nhiều cán bộ xem xét lại mình và kéo theo sự ảnh hưởng tâm lý. “Phá băng” tâm lý này cũng cần có thời gian, có độ trễ.
Theo TS.Trần Nam Quốc, Trưởng khoa Kinh doanh, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM (UMT), ngoài yếu tố lao động và vốn, yếu tố năng suất tổng hợp, trong đó, năng lực sáng tạo đổi mới (innovation) có vai trò quan trọng.
Năng lực tư duy đổi mới sáng tạo đến từ tinh thần xung phong dám nghĩ, dám làm, tư duy đột phá của những người làm chính sách và các cấp lãnh đạo quản lý. Tuy nhiên, năng lực này có thể bị sụt giảm và tụt hậu nếu có xuất hiện tâm lý ngại trách nhiệm khi tư vấn cũng như phê duyệt chính sách.