icon icon

Là nước đông dân nhất thế giới, dù kinh tế phát triển trong nhiều năm gần đây, Ấn Độ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề bất cập trong xã hội trong đó có nạn ăn mày ăn xin, trẻ em vô gia cư...

Phân tích dữ liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc cho thấy dân số Ấn Độ trong ngày 14/4/2023 đã đạt 1.425.782.975 người, cao hơn hàng chục nghìn người so với con số 1.425.748.032 được báo cáo từ Trung Quốc.

Thông tin trên được công bố bởi trang phân tích dữ liệu MarketWatch (trụ sở chính tại Mỹ). Trước đó, Trung Quốc đã giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950, khi Liên Hợp Quốc bắt đầu công bố dữ liệu dân số. 

LHQ đã thu thập dữ liệu về dân số của hơn 200 quốc gia và khu vực có ít nhất 1.000 người trong năm trước. Trong ảnh, một gia đình người Ấn Độ đưa trẻ nhỏ đi chơi ở trung tâm thủ đô New Delhi chiều chủ nhật.

Trước đó, dữ liệu từ phân tích Triển vọng dân số thế giới của Liên Hợp Quốc vào tháng 7/2022 đã dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2023.

Vào ngày 1/1/2023, Trung Quốc đứng ở vị trí số 1 với dân số 1.425.849.288 người, con số này dự kiến giảm xuống còn 1.425.671.352 người vào tháng 7 do Trung Quốc mất đi tổng cộng gần 178.000 người.

Theo đó, Ấn Độ tăng thêm trung bình khoảng 36.470 người mỗi ngày, trong khi dân số Trung Quốc giảm khoảng 983 người mỗi ngày. Trong ảnh, xe tuk tuk là phương tiện vận chuyển hành khách công cộng phổ biến ở các thành phố lớn thuộc Ấn Độ.

Thống kê từ năm 2019 cho thấy, nước này là quốc gia sở hữu số lượng xe máy và xe đạp chạy bằng điện lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, với hàng trăm triệu chiếc. Người dân thường sử dụng chúng thay cho các phương tiện chạy xăng dầu thông thường.

Cảnh tượng này đã trở nên khá quen thuộc tại các nhà ga của các thành phố lớn Ấn Độ khi sự lựa chọn các phương tiện công cộng còn khá hạn chế do hầu hết người dân lao động đều ở mức nghèo. Những chiếc xe tuk tuk điện là phương tiện di chuyển của khoảng 60 triệu người dân Ấn Độ để đi lại hàng ngày.

Ẩm thực Ấn Độ thường không gây thiện cảm đối với nhiều người e ngại gia vị cà ri. Tuy nhiên, về nước giải khát, đất nước này khá nổi tiếng với trà sữa Masalai. Đây là loại đồ uống được nhiều người dân thường xuyên dùng mỗi ngày. Nó xuất hiện ở bất cứ đâu, kể cả trong khách sạn hay các quán xá lụp xụp bên lề đường. Masalai chứa rất nhiều hương liệu, gia vị đặc trưng và có tác dụng rất tốt cho sức khỏe như: tiêu, gừng, quế, hồi sao, thảo quả, đinh hương, bạch đậu khấu…

Ra đường, du khách dễ dàng bắt gặp những phụ nữ đội túi hàng trên đầu đi lại.

Họ thường mặc những bộ trang phục Sari truyền thống được trang trí bắt mắt, thể hiện nét văn hóa Ấn Độ cũng giống như những chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam.

Sari được những người phụ nữ Ấn Độ coi là bộ trang phục đẹp và thiêng liêng nhất. 

Khi mặc Sari, người phụ nữ phải tuân thủ nguyên tắc tuyệt đối không được lộ phần chân. Vì người Ấn quan niệm chân thể hiện địa vị cao thấp. Không chỉ thế, họ còn phải chọn những màu sắc phù hợp tùy theo hoàn cảnh của bản thân. 

Sari có kiểu dáng tương tự nhau nhưng tùy theo mức độ giàu có mà phụ nữ Ấn sẽ mặc những chất liệu khác nhau; như tơ lụa dành cho người giàu có và vải bông sẽ dành cho những người có tầng lớp bình dân. 

Một người đàn ông hành lễ bên dòng sông Hằng vào buổi sáng sớm. Thành phố Varanasi trước kia có tên là “Benares”, lịch sử còn gọi là “Gasi” (nơi ánh sáng của các vị thần chiếu rọi). Tương truyền, 6.000 năm trước thành phố này do thần Shiva-một vị thần của Đạo Hindu lập ra, bất kỳ người nào chết ở đây đều đến được với thần Shiva. 

Tắc đường là một trong những "đặc sản" của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo số liệu khảo sát của Chỉ số Giao thông TomTom, tính riêng trong một năm, mỗi người dân tại thành phố Bangalore (Ấn Độ) mất khoảng 243 giờ (tương đương hơn 10 ngày), để "thở vắn than dài" trong lúc kẹt xe. 

Xe buýt chiếm hơn 90% phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố thuộc Ấn Độ bời ưu điểm rẻ và tiện lợi, đáp ứng được nhu cầu mọi tầng lớp trong xã hội. Các dịch vụ xe buýt hầu hết được điều hành bởi các tập đoàn vận tải thuộc sở hữu của Chính phủ.

Theo một thống kê không chính thức, Ấn Độ có tới nửa triệu người hành nghề ăn xin. Họ có mặt ở bất kỳ đâu trên đường phố, từ nhà ga, bến tàu, địa điểm du lịch, chợ... Mặc dù quốc gia này có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nạn nghèo đói và cầu xin vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất chưa có cách hóa giải. 

Có khoảng 67.000 trẻ em Ấn Độ được sinh ra trong ngày Liên Hợp Quốc thông báo nước này trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong khi đó, cảnh thiếu thốn, khổ cực vẫn diễn ra hàng ngày ở những ngôi làng và khu ổ chuột.

Trước đó, 4 triệu trẻ em ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ không được đến trường vì dịch bệnh Covid-19. 

Ở New Dehli, hàng trăm nghìn trẻ em tại các cộng đồng có thu nhập thấp có nguy cơ bị thất học. Nhiều hộ gia đình phải sống trong môi trường chật chội, mất vệ sinh, không đủ tiền mua máy tính cá nhân.

Nhiều thành phố của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước, ô nhiễm không khí, nguồn nước và các khu ổ chuột quá đông đúc. 

Ấn Độ cũng có khá nhiều vấn đề về trẻ em. Theo một khảo sát do Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em của thành phố New Delhi thực hiện, nước này có tới 70.000 trẻ em vô gia cư sống ở các bãi rác, nhà ga, dưới gầm cầu. 

Năm 2020 Ấn Độ cũng dẫn đầu thế giới về số trẻ nhỏ chào đời trong ngày đầu năm mới. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, có tới 24.000 trẻ em tự tử. Cái chết của người thân yêu, lạm dụng ma túy hoặc nghiện rượu, mang thai ngoài ý muốn, sa sút danh tiếng xã hội, thất nghiệp, nghèo đói và các nguyên nhân tư tưởng hoặc tôn thờ anh hùng là những lý do khác khiến những đứa trẻ phải quyên sinh.

Hoàng Hà

Xem các bài viết của tác giả

Tin nổi bật