LĂNG MỘ HUMAYUN, ĐỀN THỜ TAJ MAHAL, SÔNG HẰNG, NHỮNG ĐIỂM ĐẾN TÂM LINH Ở ẤN ĐỘ

Sau đại dịch Covid-19, Ấn Độ đang dần trở thành điểm đến ưa thích của nhiều người Việt Nam. Đoàn du khách chúng tôi đã có một hành trình trải nghiệm với 8 ngày, 7 đêm tới một số thành phố của Ấn Độ tuy nhiên trong đó đã mất gần 2 ngày ra sân bay làm thủ tục đi và về. Làm visa Ấn Độ đơn giản chưa từng thấy, khách chỉ việc khai thông tin gửi kèm file ảnh thẻ, không phải chứng minh bất cứ loại giấy tờ nào. Nỗi vất vả duy nhất là đợi chờ xếp hàng làm thủ tục an ninh ở sân bay Indira Gandhi vì lượng khách đi và đến rất đông.

Đón đoàn trải nghiệm của chúng tôi là ông Bhawar Singh Rathore, một hướng dẫn viên đã luống tuổi. Điểm đặc biệt đầu tiên mà tour guide giới thiệu về đất nước đông dân thứ 2 thế giới là du khách không thể tìm được thịt bò tại bất kỳ đâu trên lãnh thổ của họ, trừ sữa bò và bơ làm từ bò.

Địa điểm đầu tiên mà đoàn trải nghiệm đặt chân tới là Thành Đỏ (hay còn gọi là Pháo đài đỏ). Điểm du lịch này thuộc thành phố Agra, cách thủ đô New Delhi khoảng 4 giờ đi ôtô. Giống như nhiều địa danh du lịch nổi tiếng khác ở Ấn Độ, nơi này luôn chật ních người. 

Từ khoảng 16h, cánh cổng bên ngoài chỉ hé mở cho lượng khách vừa phải vào tham quan, tránh bị quá tải. 

Để vào bên trong, mọi người có thể đi bộ hoặc ngồi xe điện. Khi qua cổng, du khách được kiểm tra an ninh chặt chẽ. Các dụng cụ như pin sạc dự phòng, kim loại sắc nhọn, bút viết... đều không được mang theo.

Qua khỏi cổng an ninh, ngay trước mắt chúng tôi là cổng chính của Pháo đài (cổng Lahore), công trình với lối xây dựng mái vòm hình củ hành đặc trưng kiểu Ấn. 

Pháo đài được xây dựng chính thức từ năm 1638. Ngày đó Vua Shah Jahan - vị vua thứ 8 của Vương triều Mughal chỉ mất 10 năm để hoàn thành. Đây được coi là một kiệt tác kiến trúc của cả Ấn Độ và thế giới, được ví là “thiên đường mặt đất”.

Cổng chính được với bố trí 2 bảo tháp hình vòm đối xứng, xen giữa 2 bảo tháp là 7 tháp nhỏ dáng củ hành làm từ đá trắng. Điều này thể hiện rõ quan điểm quen thuộc trong việc sử dụng các con số lẻ may mắn như 3 - 5 - 7 - 9 vào kiến trúc, đặc trưng văn hoá Hindu. 

Các lối trang trí đỉnh vòm ở Pháo đài đỏ vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng cho khối kiến trúc khô cứng của chất liệu đá, vừa giữ vai trò tăng thêm chiều cao, sự bề thế cho tường thành, toà tháp, giúp kiến trúc thêm vẻ uy nghi, xứng tầm với một không gian hoàng cung, của quyền lực bậc nhất dưới Vương triều Shah Jahan.

Diện tích cả quần thể kiến trúc Thành Đỏ là 92,6ha. Phần tường thành bao quanh pháo đài dài 2.500m, chiều cao trung bình từ 16 - 33m. Các kiến trúc bên trong tường thành được thiết kế nhằm phục vụ cho việc thiết triều, nơi ở và làm việc của nhà vua (kiến trúc Mogon tổng hợp phong cách của Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ).

Từ cổng Lahore có thể thấy phần tường thành bảo vệ Pháo đài đỏ hợp thành từ nhiều phiến đá sa thạch lớn, được gọt đẽo công phu, sắp xếp cẩn trọng tạo nên sự bề thế, vững chắc. Với vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ đó, Pháo đài đỏ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2007.

Từ Pháo đài đỏ, du khách có thể nhìn thấy công trình bất hủ thứ hai của Vua Shah Jahan trong thời gian trị vì từ 1627 - 1658 là đền thờ Taj Mahal nổi tiếng thế giới. 

Khu lăng mộ đông du khách ghé thăm nhất Ấn Độ này xây từ thế kỷ 17 được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1983. Nhiều người mô tả đây là một "kiệt tác cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các Di sản thế giới".

Taj Mahal được Vua Shah Jahan cho xây dựng làm món quà tình yêu gửi tặng đến vị Hoàng hậu Muntaz Mahal - người mà đức vua yêu thương nhất. Bà qua đời ở tuổi 40 sau khi sinh người con cuối cùng.

Quần thể kiến trúc đền Taj Mahal có 5 hạng mục là cổng chính, vườn cây, nhà thờ Hồi giáo, khu nghỉ và lăng mộ chính. Riêng đền chính được xây trên một khu đất rộng 304m và dài 580m. Giữa khu đất là một lâu đài (lăng mộ của hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahah) đáy hình bát giác cao 75m với mái vòm tròn được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch. 

Bao quanh là 4 vòm tròn nhỏ, bốn góc đền là 4 tháp cao 40m. 

Taj Mahal vốn là công trình được xây dựng theo hình dung của nhà vua. Ông cho rằng nó mô phỏng thiên đường mà vị hoàng hậu thân yêu đã đi về. 

Công trình có đến 28 loại đá quý được khảm lên mặt những phiến đá cẩm thạch. Vật liệu xây dựng được vận chuyển từ khắp nơi về trong đó ngọc bích từ Trung Quốc, ngọc lam từ Tây Tạng và đá cẩm thạch trắng từ Rajasthan.

Khu lăng mộ chính có phần sân xung quanh rộng rãi. Từ đây có thể dễ dàng nhìn ngắm toàn cảnh xung quanh. 

Để bảo vệ công trình gần 400 năm tuổi khỏi tác động từ con người, du khách sau khi đi bộ qua cổng, khu vườn trước lăng, đến bậc thềm phải bọc giày bằng túi y tế rồi dạo bước.

Bên trong lăng, du khách có thể vào tham quan nhưng không được phép chụp hình. Nơi này đặt mộ của vua Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal. 

Từ Agra đến Gaya, đoàn du lịch phải di chuyển bằng máy bay với thời gian 1 giờ và 30 phút. Gaya từ lâu được ví là "Liên hiệp quốc Phật tử", là nơi quy tụ rất nhiều chùa chiền của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên quy mô toàn cầu như Bhutan, Đài Loan, Nêpan, Nhật Bản, Tây Tạng, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc... 

Thánh tích quan trọng nhất ở đây là tháp Đại Giác Ngộ Bồ Đề Đạo Tràng, nơi có rất nhiều người Việt Nam tìm đến hành lễ. Để vào cổng, khách phải gửi điện thoại di động bên ngoài, nếu muốn chụp ảnh và quay video thì mua vé riêng. Giá niêm yết chụp hình là 100 rupee còn quay video là 300 rupee.

Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở thành phố nhỏ thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây cách thủ phủ Patna 96km, trung tâm là tháp Đại Giác Ngộ cao 52m uy nghiêm, hùng vĩ. Tháp là nơi kỷ niệm sự thành đạo, chứng đắc quả vị giác ngộ siêu việt của Bồ tát Tất Đạt Đa. 

Cái tên Bồ Đề Đạo Tràng được chính thức sử dụng từ thế kỷ 18. Trước đó, nơi này có tên là Uruvela, Mahabodhi, Vajrasana, Sambodhi.

Ở nơi này, Thích Ca Mâu Ni đã trở thành Đấng Chí Tôn, bậc thầy của cả trời người. Bồ Đề Đạo Tràng còn được gọi là tháp Đại Giác hay Đại Tháp. Xung quanh khuôn viên, một bầu không khí thiêng liêng, mầu nhiệm và uy nghiêm lan tỏa. Để vào gần tháp, du khách phải bỏ giày dép bên ngoài.

Giữa bức tường chính là tượng Thích Ca Mâu Ni được chiếu sáng nổi bật, đặt âm vào tường như trong một khung tranh khổng lồ, phía sau là phông vải màu xanh, bên ngoài lắp khung gỗ và tấm kính lớn. Tượng Phật bằng đá, dát vàng, cao khoảng 2m, mặt nhìn ra hướng cửa vào, trên thân choàng lớp áo cà sa màu vàng, dáng ngồi thiền uy nghiêm và huyền diệu.

Cây bồ đề thiêng liêng tại Bồ Đề Đạo Tràng là một trong những di tích được nhiều người quan tâm. Nó là một cây con được bắt nguồn từ cây bồ đề gốc, có sức mạnh tâm linh và sự ảnh hưởng lớn đối với tín đồ hành hương. 

Mỗi dịp tổ chức lễ hội Vaisakha hàng năm, hàng nghìn người tụ hội về dưới gốc cây bồ đề thiêng dùng nước hoa, sữa thơm để tưới cho cây và dâng hoa để cúng dường. Trải qua bề dày lịch sử hơn 2.600 năm, cây bồ đề từng bị đốn hạ, rồi trồng lại nhiều lần. Ngày nay, hậu duệ của nó vẫn phát triển mạnh mẽ và không chuyển dịch so với vị trí của cây bồ đề ban đầu là bao.

Rời Gaya, đoàn chúng tôi trải qua hơn 6 tiếng bằng ôtô với hơn 200km để có mặt tại Varanasi, thành phố nằm bên bờ sông Hằng thuộc bang Uttar Pradesh, là trung tâm của Hindu giáo đã hàng nghìn năm. Thành phố này khá đông đúc xe cộ, người dân luôn phải đối mặt với nạn ùn tắc giao thông vào giờ tan tầm. 

Tới bờ sông Hằng ngắm bình minh và hoàng hôn cùng làn sương mờ ảo là điều không nên bỏ lỡ. Với những khách đi thuyền mang theo bánh mì có thể xé ra để lên lòng bàn tay hoặc ném xuống nước. Ngửi thấy mùi, hàng chục con chim sẽ bay tới rồi sà xuống tranh nhau mổ thức ăn tạo nên cảnh sắc cực kỳ lý thú.

Varanasi là nơi linh thiêng nhất trong bảy thành phố thiêng của đạo Hindu. Ở bất cứ đâu dọc bờ sông, du khách cũng có thể gặp cảnh người dân hành lễ.

Điều du khách dễ dàng chứng kiến nhất tại đây là những ngọn lửa đốt xác người bên bờ sông. Mỗi ngày tại Manikarnika Ghat, bãi thiêu xác lớn của Varanasi, cả trăm thi thể lần lượt được hỏa táng. Với những tín đồ Hindu giáo, được chết và rải tro cốt xuống dòng nước thiêng của sông Hằng là một đặc ân. 

Họ tin rằng chỉ như vậy, kiếp luân hồi của mình sẽ kết thúc, và linh hồn có thể tới cõi Niết Bàn. Khách du lịch được hoan nghênh xem lễ hỏa táng, nhưng muốn chụp ảnh ở khu vực này phải trả tiền với giá rất đắt (500 rupee/file ảnh và có người đứng túc trực đếm khống chế), còn đứng từ trên thuyền mọi người có thể chụp thoải mái.

Vào các buổi tối, các nghi lễ của người Hindu diễn ra trên bờ sông với sự tham dự của hàng nghìn người dân. Các đoàn thuyền chở khách du lịch cũng táp vào xem.

Chị Hằng, một du khách người Việt Nam đang thả ngọn nến hoa đăng trước khi quay trở về bờ.

Kết thúc ngày tham quan Varanasi, đoàn du khách chúng tôi trở lại New Delhi bằng đường bay nội địa với thời gian hơn 1 giờ. Địa danh tiếp theo tại thủ đô của nước này là Lăng mộ Hoàng đế Humayun thuộc vương triều Mughal. Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1572-1576 dưới sự chỉ đạo của hoàng hậu Hamida Baba Begum. 

Lăng mộ xây dựng mất 7 năm, hoàn thành sau 16 năm kể từ ngày Vua Humayun qua đời. Đây cũng là công trình tiêu biểu nhất cho phong cách Mughal vang danh thế giới sau này. Bởi thế mà Humayun'c Tomb từng nằm trong danh sách "Những tòa nhà đẹp nhất thế giới".

Sử sách ghi lại rằng, nhằm tôn vinh người chồng đã mất, Hoàng hậu Hamida Baba Begum đã mời Mirak Mirza Ghiyas, kiến ​​trúc sư từ thành phố Herat, phía tây bắc Afghanistan tới xây lăng mộ nhà vườn đầu tiên trong lịch sử. Công trình có sự pha trộn các yếu tố Ba Tư và Mughal, lập nên một khuôn mẫu cho kiến trúc Mughal các đời tiếp theo.

Khu vườn rộng lớn được chia thành 4 khu vực, phân tách bởi các hào nước bao quanh. Lăng mộ cao 47m, gồm 2 tầng, mái vòm trên cùng cao 8m được lát bằng đá cẩm thạch trắng trong khi phần còn lại xây bằng đá sa thạch đỏ. Lăng mộ được tính toán dựa theo những quy tắc nghiêm ngặt trong hình học Hồi giáo.

Phần lăng mộ được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu sa thạch đỏ, theo lối đối xứng, cao 47m và rộng 91m. Phần mái vòm bên trong cao 42,5m. Những lối vào xung quanh đều có hình vòm cung, cao 6m và lát đá cẩm thạch trắng. Cửa vào chính đặt ở chính giữa 2 phía Đông - Tây, cao 2 tầng. Tại đây có tổng cộng 124 phòng mộ lớn nhỏ.

Ở trung tâm phòng mộ đặt một tấm bia theo hướng Bắc-Nam để vạch ra ranh giới giữa mộ của vua Humayun với những người khác trong hoàng tộc.

Tham quan lăng mộ vào lúc hoàng hôn là cách nhiều người dân Ấn Độ lựa chọn, bởi đó là thời điểm vắng vẻ, thanh bình nhất trong ngày.

UNESCO công nhận lăng mộ này là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Nó cũng được phục hồi lại nguyên trạng thông qua sự tài trợ của quỹ Aga Khan Trust for Culture. Tháng 9/2013, sau hai thế kỷ bị lãng quên, danh thắng đã mở cửa cho du khách đến tham quan và một lần nữa ghi tên mình vào danh sách "Những tòa nhà đẹp nhất thế giới".

Với thời gian bay thẳng 4 giờ 50 phút, không còn phải quá cảnh ở nước khác, du khách từ Việt Nam giờ đây có thể tới Ấn Độ một cách đơn giản và thuận tiện hơn những năm về trước khá nhiều. Tuy nhiên, hơi tiếc do đường bay không dài, ngành hàng không quốc gia Việt Nam chỉ sử dụng loại tàu bay nhỏ A321 để chuyên chở. Hành khách hy vọng hãng sẽ đưa dòng phi cơ thân rộng như Airbus A350, Boeing 787 vào khai thác do khách đi Ấn Độ có xu hướng gia tăng.