Ấn Độ nổi tiếng thế giới vừa về dân số đông thứ hai thế giới vừa với nạn ùn tắc giao thông ở nhiều thành phố lớn. Không chỉ tại New Delhi, Mumbai, một thành phố nhỏ như Varanasi cũng luôn có lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc, bất kể thời gian nào. Việc đi lại ở địa điểm tâm linh này luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân bản xứ, đặc biệt là du khách quốc tế.
Vào giờ cao điểm buổi chiều, người sử dụng phương tiện giao thông thậm chí không thể nhúc nhích trong nhiều phút. Không giống như ở nhiều nước văn minh, tiếng còi xe kêu lên là lạ lẫm hoặc bất lịch sự, thì tại Ấn Độ bất cứ tài xế nào, người đi xe máy nào nếu cảm thấy sốt ruột, muốn vượt lên phía trước phương tiện khác là bấm.
Từ xe tải nhỏ, xe khách, xe tuk tuk, tất cả các tài xế đều tận dụng khoảng trống để lái len vào. Mệt mỏi vì tiếng còi xe quá ồn trong thành phố, từ hai năm trước cảnh sát Ấn Độ đã thử nghiệm kết nối đồng hồ đo decibel (cường độ âm thanh) với các cột đèn giao thông. Nếu đồng hồ đo được mức decibel từ 85 trở lên, đèn giao thông sẽ tự khởi động lại và duy trì trạng thái đèn đỏ.
Giải thích về hệ thống này, cảnh sát Ấn Độ chia sẻ thông điệp ngắn gọn: “Càng bấm, càng chờ”. Đây được coi như một tín hiệu “răn đe” tài xế khi coi thường việc bấm còi xe quá nhiều, họ sẽ phải đợi chờ càng lâu. Đèn tín hiệu tại các ngã ba, ngã tư đều "vô hiệu hóa" khi lượng người tham gia giao thông khá lớn. Bên kia ôtô chưa đi hết phần đường, hướng này xe máy, tuk tuk... đã tiến lên.
Có những thời điểm, lực lượng điều khiển giao thông chỉ còn biết đứng nhìn, "bó tay". Theo chỉ số giao thông Tom Tom (Tom Tom Index Traffic), Mumbai gần đây được xếp hạng là thành phố tắc nghẽn thứ tư trên thế giới với mức ùn tắc 65%. Các tài xế dành trung bình 8 ngày và 17 giờ tham gia giao thông mỗi năm.
Một cảnh sát chạy đi chạy lại khắp ngã tư, dọc khu vực ùn ứ để nói với lên cabin xe chỉ đạo tài xế.
Có những đoạn đường, không hiểu ai mới là người đi đúng luật, đúng làn đường của mình. Ôtô, xe máy, xe đạp, người đi bộ lưu thông lẫn lộn.
Trong khi đó, xe buýt trên đường phố trung tâm lại khá vắng hành khách vào giờ cao điểm. Các phụ xe phải đứng cửa mời gọi khách mà không hô hào mọi người tránh xa ra như xe buýt ở TP.HCM những năm 80.
Cảm nhận của nhiều du khách khi đến với Ấn Độ là sự nhếch nhác, bụi bẩn bao phủ khắp nơi. Khi ùn tắc giao thông, điều này càng thể hiện rõ.
Một hành khách ngồi trên xe buýt tranh thủ thò đầu và tay ra ngoài lau rửa mặt trong khi các phương tiện phải dừng chờ.
Trong khi xe buýt vắng khách thì xe tuk tuk luôn chật cứng người. Để gọi được một xe còn chỗ trống khá khó khăn.
Bởi những phương tiện vận tải thô sơ và có kích cỡ nhỏ này dễ di chuyển và hiệu quả. Có nhiều đoàn khách du lịch lưu thông bằng xe 30 chỗ ngồi, khi đến trung tâm thành phố đã phải dừng lại chuyển sang vẫy tuk tuk để đi tiếp.