{keywords}

Trong sự kiện Xuân Quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tự hào khi nói về những đóng góp, tình cảm của cộng đồng kiều bào với quê hương đất nước.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhận định, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã được tập hợp, tham gia “hiến kế” cho nhiều vấn đề quan trọng trong nước, như công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…

Ngoài ra, nguồn lực “mềm” của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ góp phần giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. 

Điều đáng quý là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn dành tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho quê hương, lan tỏa giá trị, hình ảnh đẹp về truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái," “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

{keywords}

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ (kiều bào Úc), đánh giá năm qua, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhất là TP.HCM, trong những tháng khó khăn đó, đất nước chúng ta vẫn biết cách vượt lên, trở thành một điểm sáng trong cuộc chiến chống dịch.

Tuy tăng trưởng kinh tế chưa đạt được theo kế hoạch nhưng vẫn giữ được sự ổn định, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. “Cá nhân tôi và cộng đồng cũng rất tự hào về đất nước. Vui hơn nữa, trong thành công đó có sự chung tay một phần của kiều bào, mặc dù rất nhỏ bé”, ông Mỹ chia sẻ.

Những năm gần đây, với xu hướng trở về quê lập nghiệp, với thế hệ trẻ như các kiều bào đi trước cũng có thành công nhất định, kiều bào trẻ đang có xu hướng quay trở về quê hương để đóng góp cùng với cả nước. Với vai trò, vị thế của đất nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ đều dành sự quan tâm đặc biệt với người Việt Nam ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức các chương trình, cuộc gặp mặt để lắng nghe tiếng nói các kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người con xa quê có thể trở về và đóng góp công sức.

Đối với ông Nguyễn Ngọc Mỹ, là doanh nghiệp về thực phẩm, chuyên sản xuất nông sản trong đó có Việt Nam, ông nhìn nhận thấy nước ta có tiềm năng về sản phẩm nông nghiệp. Do đó nhiều năm nay ông đã nghiên cứu và nỗ lực từng ngày đóng góp một phần giá trị cộng đồng, đất nước, mang niềm tự hào của nông sản Việt Nam, lan tỏa ra thế giới.

{keywords}

Còn nữ Tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh (kiều bào Mỹ), chuyên gia trong lĩnh vực khoa học môi trường chia sẻ, lòng yêu nước và tự tôn dân tộc là điều sẵn có trong mỗi con người, chỉ cần được khơi gợi và phát huy sẽ trở thành nguồn lực rất lớn. 

Tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh rất tâm đắc với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26. Điều đó đã thôi thúc chị và nhiều kiều bào đồng hành, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các mục tiêu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Một kiều bào Mỹ khác là anh Nguyễn Duy Lân - người sáng lập Công ty Veramine, chuyên về sản phẩm an ninh mạng cao cấp cho biết, anh rất vui mừng khi nhận thấy, những năm gần đây, Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề an ninh mạng và mong muốn trở thành một cường quốc trong lĩnh vực này. 

Là người điều hành công ty có những hợp đồng quan trọng về an ninh mạng với Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa, Không quân Mỹ, anh Nguyễn Duy Lân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 nội dung để tăng cường hệ thống an ninh mạng Việt Nam - một lĩnh vực đang được quan tâm trên toàn cầu.

{keywords}

Trong đó, về chính sách, anh Nguyễn Duy Lân đề xuất ưu tiên đầu tư phát triển nền công nghiệp an ninh mạng tại Việt Nam. Về công nghệ: Thường xuyên rà soát, thúc đẩy và hỗ trợ để tăng số lượng hệ thống thông tin có sự giám sát an ninh mạng; tổ chức diễn tập định kỳ về ứng phó xử lý sự cố an ninh mạng; thành lập khối hợp tác Nhà nước - doanh nghiệp để thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực này; tiếp tục nghiên cứu xây dựng những chính sách, điều luật để bảo vệ không gian mạng Việt Nam. Về con người: Phổ cập kiến thức an toàn thông tin mạng cơ bản cho tất cả người dùng; đào tạo chuyên gia bảo mật có trình độ cao.

{keywords}

Hội Người Việt Nam tại CH Séc là một trong những hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Cộng đồng người Việt tại CH Séc có lịch sử hình thành và phát triển đã gần 70 năm. Đây là một trong những cộng đồng tiên phong trong các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ nhân đạo ở cả nước sở tại và quê hương.

Bà Tạ Phạm Bích Thủy, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Séc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Phật tử Việt Nam tại CH Séc cho biết, cũng như tại nhiều quốc gia khác có người Việt sinh sống, định cư, Séc cũng có rất nhiều hội đoàn người Việt nhưng tại Séc hội đoàn người Việt hoạt động tương đối khác.

Hội NVN tại Séc là hội bao trùm trung tâm và giữ vai trò cao nhất trong các hội đoàn người Việt tại đây, được tổ chức theo mô hình hình chóp đứng đầu là Hội, dưới là các chi hội địa phương, ngoài ra còn có các hội thành viên như hội phụ nữ, hội thanh niên, hội cựu chiến binh, hội văn hóa nghệ thuật…

Bà Thủy cho hay, đây là mô hình nhóm, là một khối thống nhất, khi các hội từ dưới hỗ trợ lên trên, vì thế rất vững chắc, dân chủ, các hội viên tham gia với tinh thần tự nguyện. Đó là lý do vì sao CH Séc rất nhỏ chỉ chưa đầy 100.000 kiều bào nhưng các phong trào hướng về trong nước luôn đi đầu, được đánh giá là một trong những quốc gia có phong trào người Việt hướng về quê hương, ủng hộ đồng bào mạnh mẽ nhất, đoàn kết nhất.

Hội NVN tại Séc đã quy tụ được đại đa số bà con cộng đồng với mục đích chung đó là làm ăn ổn định về mặt kinh tế, hội nhập với nước sở tại, gìn giữ cội nguồn dân tộc và hướng về quê hương, đất nước.

{keywords}

Trong 2 năm vừa qua, đặc biệt khi dịch Covid-19 hoành hành ở cả 2 nước Việt Nam và Séc, hội đã có những hành động ý nghĩa. Nữ kiều bào cho biết, đầu năm 2020, bà con tại Séc đã may, mua hàng trăm nghìn khẩu trang tặng cho các bệnh viện, Ủy ban, Công an, Viện dưỡng lão và người dân trên toàn CH Séc, quyên góp ủng hộ trên 5 triệu cuaron (khoảng 5 tỷ đồng Việt Nam) và hàng tấn vật tư thiết yếu.

Tháng 6/2021, khi Séc xảy ra cơn bão lốc lịch sử chưa từng có trong 100 năm nay, ngay sau lời kêu gọi của HNV thì tất cả các hội đoàn và cộng đồng đã quyên góp được 1,5 triệu cuaron (khoảng 1,5 tỷ Việt Nam) cùng đồ dùng cần thiết, thực phẩm, vật tư, vật liệu sửa chữa, nhà cửa cứu hộ. Những hoạt động thiện nguyện của cộng đồng được đánh giá rất cao, Thủ tướng CH Séc và các Tỉnh trưởng có lời cảm ơn đến cộng đồng. Người Việt Nam tại Séc để lại hình ảnh đẹp, ấn tượng trong lòng người dân Séc.

Năm 2020, khi miền Trung bị bão lũ, sạt lở đất, chỉ chưa đầy đủ hơn 2 tỷ đồng được quyên góp thông qua tài khoản của Trung ương Hội NVN tại CH Séc, sau đó được gửi về 7 tỉnh miền Trung.

Ngay sau khi dịch bùng phát, Hội NVN đã tổ chức quyên góp cộng đồng, mua và gửi về tâm dịch đầu tiên của Việt Nam những thiết bị y tế như quần áo bảo hộ, khẩu trang, máy đo thân nhiệt,….và 500 triệu tiền mặt.

Khi làn sóng dịch thứ 4 tràn về Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UB Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Ngoại giao, chỉ trong 4 ngày Hội NVN tại Séc đã quyên góp được 500 triệu đồng gửi vào Quỹ vắc xin.

Séc là cộng đồng quyên góp đầu tiên và gửi về sớm nhất, tạo tinh thần lan tỏa với các cộng đồng người Việt khác tại châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói trên.

Bà Thủy thông tin, lãnh đạo hội đã tiếp xúc với các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ Séc, đảng phái ở Séc đề nghị hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam vào thời thời điểm khó khăn, khan hiếm nhất. Và sau đó Chính phủ Séc đã viện trợ hơn 230.000 liều vắc xin. Kiều bào tại Séc cũng là một trong những cộng đồng ngoại giao vắc xin đầu tiên tạo hiệu ứng lan tỏa.

{keywords}

Tiếp bước các thế hệ kiều bào trước, thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài đang ngày càng phát triển lớn mạnh, có những đóng góp đáng kể về phát triển kinh tế, xã hội đất nước, là cầu nối giữa phong trào thanh niên trong nước và quốc tế.

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, số kiều bào có độ tuổi dưới 45 chiếm khoảng 60% tại Mỹ, Đức và Australia - ba quốc gia có hơn 50% tổng số người Việt Nam ở nước ngoài.

Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nước hiện nay đang sinh hoạt tại 21 tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam ở 21 quốc gia trên thế giới.

Cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nước luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của đất nước, có tinh thần học tập tốt, đạt thành tích cao trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp. Là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động giao lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với nước sở tại và đặc biệt là các hoạt động hướng về Tổ quốc. Nhiều thanh niên,  sinh viên đã thành công, trở thành tấm gương học tập và hoạt động trào tốt tại địa bàn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Trung ương Đoàn tuyên dương và khen thưởng.

Trong số đó, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam ở Mỹ, được thành lập vào năm 2013 là một điển hình tiêu biểu về tổ chức thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Sau 9 năm xây dựng và trưởng thành, Hội đã trở thành một trong những hội đoàn nòng cốt với nhiều hoạt động kết nối, phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng thanh niên, sinh viên người Việt tại nước ngoài, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, Tổng Thư ký Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại New York chia sẻ, trong thời gian vừa qua, khi đại dịch diễn biến phức tạp, các kiều bào trẻ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài giúp học sinh, sinh viên cảm thấy yên tâm học tập, làm việc và cống hiến, đồng thời phát huy tinh thần lá lành, đùm lá rách quý báu của dân tộc ta.

Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành hội thanh niên, sinh viên lớn nhất dành cho các sinh viên, chuyên gia trẻ tại Mỹ, với hơn 30.000 thành viên tại khắp 50 tiểu bang. Hội cũng có nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, tăng cường quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ.

{keywords}

Hằng năm hội triển khai 3 hoạt động có ý nghĩa, đó là cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge kết nối chuyên gia người Việt tại Mỹ, sự kiện gặp gỡ thường niên vòng tay nước Mỹ. Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động phát triển cộng đồng: chuỗi tọa đàm phát triển kỹ năng, chuyên môn và sự kiện nhân dịp Tết nguyên đán.

Các hoạt động nhằm hỗ trợ, động viên hàng trăm nghìn người Việt đang sinh sống tại Mỹ, các buổi trao đổi trực tuyến với sự tham gia thanh niên, sinh viên, chuyên gia Việt Nam ở các khu vực như Boston, New York, Washington, Chicago, Texas, California.

Kết thúc chương trình, hội đã thiết lập đường dây nóng hỗ trợ thanh niên, sinh viên, người VN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hội đã cung cấp hơn 5.000 khẩu trang y tế cho người Việt đang sinh sống tại Mỹ, đặc biệt tại những nơi bị ảnh hưởng nặng.

Năm 2021 khi Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các thành viên đã tham gia chiến dịch gây quỹ, chung tai cùng Việt Nam, quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước, trong vòng 1 đã kêu gọi được hơn 13.000 USD từ 300 người Việt. Ngoài ra, Hội cũng quyên góp 2.000 USD thông qua UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao để hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung.

Năm qua, hội đã tổ chức thành công chương trình Vòng tay nước Mỹ lần thứ 9 với chủ đề Lan tỏa niềm tin tại Dallas, Texas với gần 300 thành viên tham gia trực tiếp và hàng nghìn bạn theo dõi trực tuyến, sự kiện tiếp tục truyền lửa tăng cường gắn kết cộng đồng sinh viên Việt Nam, xây dựng sân chơi lành mạnh với những giá trị thiết thực nhằm khuyến khích, tạo dựng thành công cho thế hệ trẻ Việt Nam tại Mỹ. Điểm nhấn của chương trình là buổi đấu giá 21 bức tranh, ảnh với số tiền 5.000 USD quyên góp cho trẻ em mồ côi chịu ảnh hưởng của Covid-19 tại Việt Nam.

{keywords}

Trần Thường - Ảnh: Phạm Hải - Thiết kế: Huệ Nguyễn

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt: Tôi học về Tết, ăn bánh chưng, lì xì

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt: Tôi học về Tết, ăn bánh chưng, lì xì

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler cho biết ông đã học được nhiều về lịch sử văn hóa đất nước con người Việt Nam đặc biệt trong dịp Tết.