Với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), huyện Kon Plông (Kon Tum) đã tập trung triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Nhằm đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024, cuối tháng 7 vừa qua, UBND huyện Kon Plông đã tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024.

Thông tin tại cuộc họp cho thấy, trong thời gian qua, UBND huyện Kon Plông đã tích cực chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Các thiết chế hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn được đầu tư đồng bộ; tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn đến các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đến nay, huyện Kon Plông có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Pờ Ê, Măng Cành, Đắk Tăng, Ngọk Tem các xã còn lại trung bình đạt từ 12,5 tiêu chí/xã. Kế hoạch năm 2024, huyện Kon Plông có thêm xã Măng Bút đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có 68 sản phẩm OCOP, trong đó, có 63 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện; 05 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở, đạt 100%. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất, đạt 99,93%.

Đến cuối năm 2023, huyện Kon Plông còn 1.731 hộ nghèo, chiếm 22,38% tổng số hộ, giảm 13,62% so với cùng kỳ năm 2022; hộ cận nghèo là 708 hộ, chiếm 9,15% tổng số hộ, giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, 100% hộ nghèo và cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.  

Tổng kế hoạch vốn phân bổ hơn 216 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư hơn 154 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 62 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư đạt 39,7% kế hoạch, vốn sự nghiệp đạt 7% kế hoạch.

Tại buổi làm việc hôm 19/7, các đại biểu đã tập trung thảo luận những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian đến.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND huyện, Đặng Quang Hà, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm các phòng, ban chuyên môn, các xã cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024, đó là:

Thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo từng nội dung, tiêu chí cụ thể, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; giải quyết có hiệu quả đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho người dân; thực hiện đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế; xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động hộ nghèo, cận nghèo tham gia các mô hình sản xuất, tổ hợp tác; khuyến khích các doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản.