Lời tòa soạn:

Từ năm 2021-2023, Tỉnh ủy Bắc Giang triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình chính quyền thân thiện, tạo được đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. 

Mô hình trên ra đời trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định rõ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ ngày 1/7, Luật Dân chủ cơ sở chính thức có hiệu lực, trong đó nhấn mạnh quyền được thụ hưởng của người dân.

15h ngày 17/7, bộ phận một cửa tiếp dân của xã Quảng Minh đón hai công dân - cô gái trẻ Tăng Bích Ngọc trong trang phục áo dài truyền thống và chàng trai Đỗ Văn Hùng mặc bộ áo xếp màu đỏ vui vẻ tiến đến quầy làm thủ tục đăng ký kết hôn. 

Khi hai vợ chồng hoàn tất việc ký tên, nữ cán bộ Trần Thị Thanh cầm micro nhẹ nhàng phát đi thông báo: “Thay mặt cán bộ xã, cháu xin phép bà con ít phút để tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho cháu Hùng và Ngọc”. Cả bộ phận một cửa rộn tiếng vỗ tay tán đồng. 

Trong nền nhạc vu quy rộn ràng, đôi bạn trẻ bước lên vị trí trang trọng để nhận giấy trao chứng nhận kết hôn từ lãnh đạo UBND xã. Khung cảnh bộ phận một cửa lúc này giống như không gian buổi lễ thành hôn - ấm áp, giản dị…

Cô gái Tăng Bích Ngọc bên cạnh bạn đời Đỗ Văn Hùng trong giây phút làm lễ trao giấy chứng nhận kết hôn

Ở tuổi ngoài tám mươi, cụ Lê Khắc Kỉnh (trú thôn Đông Long) đưa người bạn đời đến trụ sở xã Quảng Minh để làm lại giấy đăng ký kết hôn. Do kết hôn năm 1975 nên vợ chồng cụ Kỉnh không còn lưu hồ sơ trên hệ thống nên lên xã để được cấp lại bản đăng ký mới. Sau khi biết xã tổ chức làm lễ trao giấy đăng ký, cụ bà có một đề xuất. 

“Cô Thanh ơi (Phó chủ tịch UBND xã - PV), cô có thể cho tôi xin một ít son để tô trước khi làm lễ được không?”, cụ bà vừa dứt lời, cả bộ phận một cửa rộn ràng tiếng cười. 

Ở hàng ghế chờ, ông Kỉnh nhẹ nhàng dùng lược chải lại mái tóc cho người bạn đời chung sống với mình gần nửa thế kỷ. Một lần nữa, trong tiếng nhạc cùng những lời chúc mừng của mọi người có mặt tại bộ phận một cửa, vợ chồng ông Kỉnh như sống lại một quãng thanh xuân tươi đẹp. 

Trong hơn một năm qua, tại bộ phận một cửa xã Quảng Minh, có cả trăm cặp đôi đã trải qua khoảnh khắc nhận giấy đăng ký kết hôn theo các cung bậc cảm xúc khác nhau. Bộ phận một cửa giờ đây không còn nặng về hành chính, công quyền… 

Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Bắc Giang, phường Trần Phú được biết đến với những câu chuyện đô thị ồn ã, giao thương buôn bán nhộn nhịp của tỉnh. Dù áp lực dân số đông và nhiều thủ tục hành chính, nhưng những gì diễn ra tại bộ phận một cửa phường Trần Phú lại khiến chính dân bản địa… ngỡ ngàng. 

“Lâu quá tôi không lên làm thủ tục, bộ phận một cửa giờ làm nhanh quá, lại còn đẹp, mát mẻ cứ như ở Trung ương”, cựu chiến binh Hà Đình Bắc (66 tuổi) thốt lên khi đến làm thủ tục xác nhận gia cảnh. 

Trong lúc chờ đến lượt làm thủ tục, ông Bắc tiến đến khu vực phục vụ nước miễn phí rồi rót một cốc nước uống sảng khoái. 

Ông Hà Đình Bắc (trái) bắt chặt tay lãnh đạo phường Trần Phú khi đến làm việc tại bộ phận một cửa.

“Cháu mời ông Hà Đình Bắc đến làm thủ tục” - giọng của nam cán bộ tư pháp mời công dân đến quầy nhận hồ sơ. Khi được trả kết quả, ông Bắc đưa tay lên bấm rồi đếm: “Tý, sửu, dần, mão, dần, thân, tỵ, hợi…”, dừng lời, ông thốt lên: “Hôm nay chọn giờ đẹp để ra khỏi nhà, y như rằng làm gì cũng nhanh, thuận lợi”. Chất lính hóm hỉnh của vị cựu binh khiến cả bộ phận một cửa được pha cười rôm rả. 

Không chỉ riêng ông Bắc, rất nhiều người dân phường Trần Phú chia sẻ họ “ngạc nhiên”, “bất ngờ” và thậm chí là ngỡ ngàng khi chứng kiến sự thay đổi toàn diện khi đến phường làm thủ tục. 

Xã Quảng Minh (huyện Việt Yên) và phường Trần Phú (TP Bắc Giang) là 2 trong 209 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bắc Giang đang vận hành chính quyền thân thiện với các hoạt động gần dân. 

Mô hình này được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo và giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ cụ thể hoá việc thực hiện. 

Bắt đầu thí điểm từ năm 2021, mô hình được xây dựng với ba mục đích, yêu cầu chính gồm: Hoạt động của chính quyền thân thiện - Môi trường công sở văn minh - Cán bộ thân thiện. Bên cạnh những hoạt động thân thiện, Bắc Giang tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, một trong số đó là trả kết quả đến người dân đúng hẹn. 

Kết quả khảo sát năm 2022, với hơn 20 nghìn người tham gia trả lời phiếu đánh giá, khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền cơ sở có sự cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 của tỉnh đứng đầu toàn quốc.

Với việc thí điểm ở từng đơn vị đến mở rộng trên toàn tỉnh, chính quyền thân thiện Bắc Giang được Ban Dân vận Trung ương và Bộ Nội vụ đánh giá cao và đưa vào danh sách các mô hình hiệu quả. 

Phía sau những kết quả đạt được hôm nay là một cuộc chuyển đổi với nhiều khó khăn, thử thách. 

Là hạt nhân quyết định thành bại của chính quyền thân thiện - hàng nghìn cán bộ tiếp dân đã dành nhiều thời gian, công sức, dồn nhiều tâm huyết để thay đổi diện mạo bộ mặt tiếp dân. 

Câu chuyện tiếp dân ở xã Yên Sơn, huyện Lục Nam dưới đây là minh chứng:

Đầu tháng 7/2023, khi đang làm việc ngoài đồng thì bà Dương Thị Nhân (60 tuổi) nhận được cuộc điện thoại khẩn từ cô con gái ở Hà Nội nhờ mẹ xin chứng thực ở quê để bổ sung hồ sơ nhập học cho cháu vào sáng hôm sau. 

Bà Nhân tức tốc chạy xe lên bộ phận một cửa xã Yên Sơn với hy vọng sẽ còn cán bộ nán lại hỗ trợ. Trụ sở uỷ ban xã vắng lặng, nhìn thấy ánh đèn phát ra từ bộ phận tiếp nhận hồ sơ, bà Nhân tiến đến trình bày. 

Bà Dương Thị Nhân vui mừng khi cán bộ Nguyễn Thị Liên ghé thăm nhà.

Rồi nữ cán bộ một cửa Nguyễn Thị Liên nói ngắn gọn: “Cô đợi một chút, cháu liên hệ với Chủ tịch UBND xã để đến tận nhà xin giúp chữ ký”. Chị Liên đi hơn 5km để hỗ trợ dân. 

Cầm tờ chứng thực trong tay, bà Nhân nhẹ nhõm như trút đi mọi lo lắng trước đó. Về phần mình, chị Liên cho rằng đó là việc nên làm, xuất phát từ mục tiêu phục vụ người dân tốt nhất. 

Ngoài Yên Sơn, cán bộ một cửa ở nhiều xã, phường, thị trấn ở Bắc Giang dần chuyển hướng phục vụ theo hướng hết việc, không hết giờ. 

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, để thân thiện với dân, Bắc Giang chọn cách làm thân thiện từ “giao diện” bên ngoài đến nội dung hoạt động của công sở. 

Phường Trần Phú là nơi được chọn làm điểm của mô hình trên. Theo ông Thân Quý Bình – Chủ tịch UBND phường, trước khi triển khai mô hình trên, trụ sở tiếp dân của phường còn ngổn ngang, không gian bí bách, nóng nực.

Phường thay đổi bàn ghế, máy móc, thiết bị tại bộ phận một cửa. Hệ thống ghế chờ, bàn máy tính tra cứu, 3 chiếc điều hoà được lắp đặt, wifi bật miễn phí... 

Mô hình được áp dụng tương tự tại xã Hợp Đức (huyện Tân Yên) và thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam), và mang lại những phản hồi tích cực từ người dân. 

Ông Thân Quý Bình (ngoài cùng bên phải) bắt tay công dân đến làm việc tại UBND phường.

Ban đầu, Bắc Giang dự định thí điểm mô hình trên sẽ kết thúc vào tháng 12/2022. Tuy nhiên tháng 5/2022, với những hiệu quả rõ nét, UBND tỉnh ra chỉ thị dừng thí điểm và nhanh chóng triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Nửa năm sau, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh chính thức ra mắt chính quyền thân thiện. 

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định về bộ tiêu chí và thang điểm xã, phường, thị trấn đạt chuẩn "chính quyền thân thiện". Bộ tiêu chí này sẽ là căn cứ để đánh giá, xếp loại người đứng đầu các đơn vị. 

Đón xem bài 2: Phá bỏ ‘lực cản’ khi xây chính quyền thân thiện ở Bắc Giang

Thực hiện: Đoàn Bổng

Ảnh: Lê Anh Dũng - Thiết kế: Hồng Anh