LÒ LÀM CỐC ĐỰNG BIA SẦN SÙI, XẤU XÍ 'HUYỀN THOẠI'

Làng Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định) từ lâu đã được nhiều người biết đến là nơi sản xuất ra những chiếc cốc thủy tinh sủi bọt để chứa bia tại các quán bia hơi ở Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay nơi đây chỉ còn lại 3 hộ duy trì nghề này.

Bên trong sân một xưởng sản xuất chất đầy những miếng kính vụn vừa được thu mua về với giá 2.000 đồng/kg. Người làm đang phân loại nguyên liệu, đập thành miếng nhỏ (còn gọi là nhặt mảnh).

Thủy tinh sau khi phân loại được đưa vào khu vực lò nung. Nguyên liệu đủ tiêu chuẩn là các mảnh vỡ có màu sắc sáng trong, đồng đều, không lẫn keo dính, giấy vụn... 

Thủy tinh được đổ trực tiếp vào lò. Trong thời gian luyện, than đá liên tục được đưa vào và giữ ở nhiệt độ khoảng 1.800 độ C để đảm bảo độ nóng chảy, đủ chất lượng. 

Quá trình luyện thủy tinh mất khoảng 6 tiếng. Sau khi thủy tinh đã chảy, gần chục nhân công bắt tay vào thổi cốc. Họ làm việc trực tiếp bên cạnh lò nung với sức nóng lớn.

Thủy tinh nóng chảy được thợ lấy ra khỏi lò bằng chiếc gậy với một lượng vừa đủ, vẫn còn rực đỏ, rồi lăn qua nước lạnh và mỡ để tạo độ nhẵn bên ngoài. 

6-8 nhân công thay phiên nhau thành vòng tròn đảm nhận công việc thổi hơi, tạo khuôn, lên dáng cho chiếc cốc. Họ dùng hơi thổi trực tiếp vào ống. Công đoạn này đòi hỏi những lao động nam phải có sức khỏe và chịu được môi trường nhiệt độ cao, độc hại.

Trong quá trình tạo hình, người thợ phải thổi đều đặn cho thủy tinh giãn ra vừa đúng bằng chiếc cốc. Lúc này, những chiếc quạt công suất lớn được đặt xung quanh để giảm sức nóng ở khu vực làm việc. 

Sau khi thổi rỗng phía trong, khối nguyên liệu được đưa vào khuôn để tạo hình. Quy trình làm cốc thủy tinh thủ công xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay không thay đổi nhiều so với ban đầu, các công đoạn khá thô sơ.

Chiếc cốc thành hình được đưa lên miệng khò để thổi nguội. Công đoạn quan trọng này đòi hỏi thợ phải nhanh và đều tay, nếu không sẽ bị méo hoặc lệch lòng cốc. Nếu dáng cốc bị chảy, người làm phải đưa về lò để nung chảy lại.

Việc cắt mép cốc được thực hiện một cách cẩn thận bằng chiếc bếp ga chuyên dụng và duy trì ở nhiệt độ nhất định. Đến công đoạn này, thành phẩm đã được hoàn thiện tới 90%.

Cạnh khu vực lò là các dãy tro được trải sẵn sau khi lấy từ rơm rạ vừa đốt để ủ giúp cốc từ từ hạ nhiệt. 

Cốc được xếp thẳng hàng và phủ lên một lớp tro ngay từ khi còn nóng đỏ. Sau khi kết thúc ủ tro, thành phẩm cốc bia sủi bọt sẽ được hoàn thiện.

Cốc bia sủi bọt được tạo hình với nhiều kích cỡ khác nhau. Thông dụng nhất là loại "vại" dùng để uống bia hơi. Việc nung thủy tinh trong 6 tiếng đồng hồ giúp cho cốc còn giữ được các bọt khí bên trong, tạo sự đẹp mắt và cảm giác bia luôn tươi.

Các lò thủy tinh thủ công tại thôn Xối Trì thường phục vụ đơn hàng bán buôn từ tỉnh xa với số lượng hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày, giá thành 7.000 đồng/chiếc.

Ông Phạm Văn Dương (1968), chủ một xưởng sản xuất cho biết: "Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cốc sản xuất công nghiệp với giá thành rẻ, mẫu mã đồng đều. Tuy nhiên việc sử dụng hàng thủ công vẫn được nhiều nơi ưa chuộng bởi tính kế thừa độc đáo".

Những chiếc cốc có hình dáng mộc mạc, đơn giản, thậm chí sần sùi góc cạnh, méo mó, không đồng đều kích cỡ nhưng qua hàng chục năm, nhiều tín đồ bia hơi vẫn ưa chuộng và sử dụng.