icon icon

Theo CNN, một số đầu bếp và nhà phê bình ẩm thực lên án sự kiện trao sao Michelin dường như đã trở thành một sự kiện tiếp thị, nhằm truyền thông cho các đầu bếp hơn là một lễ công bố ẩm thực.

Sự nổi tiếng, uy tín và sự chú ý mà một ngôi sao Michelin đem lại khiến cho các đầu bếp và nhà hàng đôi khi cảm thấy quá nặng nề. Trong vài năm qua, một số đầu bếp đã trao lại danh hiệu Michelin của họ, đóng cửa các nhà hàng hạng sang và bắt đầu một đời sống ẩm thực mới, thoát khỏi giới hạn của ẩm thực cao cấp.

Những ngôi sao bắt đầu mất dần đi ánh sáng danh giá đã từng .

Vào năm 2017, đầu bếp người Pháp Sébastien Bras đã yêu cầu không xuất hiện trên ấn bản tiếp theo của cẩm nang Michelin Guide, vì những áp lực không ngừng trong việc duy trì một nhà hàng ăn uống cao cấp - một vấn đề đang ngày càng trở thành mối quan tâm trong ngành công nghiệp nhà hàng nói chung.

Gần đây hơn, vào tháng 12 năm 2019, đầu bếp người Thụy Điển Magnus Nilsson đã đóng cửa nhà hàng Fäviken hai sao Michelin của mình, với lý do mệt mỏi và dự định dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Đã có trường hợp các đầu bếp kiện Michelin khi họ bị mất một ngôi sao hay các đầu bếp kiện Michelin khi họ giành được một ngôi sao, sau khi các chủ nhà hàng đóng cửa các dự án kinh doanh cũ và mở các địa điểm bình dân hơn, thay vì các điểm ăn uống cao cấp sang trọng.

4 nhà hàng đầu tiên đạt sao Michelin tại Lễ công bố danh hiệu Michelin Việt Nam khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, diễn ra vào tối 6/6/2023

Tại Việt Nam, tối 6/6/2023, Michelin Guide đã công bố danh sách 103 nhà hàng tại Việt Nam lọt vào danh sách theo theo ba hạng mục Michelin Selected (Michelin đề xuất); Michelin Guide Special Awards (giải thưởng đặc biệt) và Bib Gourmand (các quán ăn ngon với giá cả phải chăng), trong đó có 4 nhà hàng đầu tiên đạt sao Michelin tại Hà Nội và TP.HCM.

Ngay sau khi các danh sách được công bố, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến đánh giá trái chiều.

Khá nhiều địa điểm xuất hiện trong các hạng mục khiến thực khách bất ngờ, cho rằng đây là những nơi không hấp dẫn với người bản địa, chất lượng đồ ăn xuống cấp. Trong khi đó, nhiều quán ăn lâu đời, đông khách bản địa lại không có tên trong danh sách. Bên cạnh đó, các quán "có giá phải chăng" thực tế là phải chăng với khách quốc tế, nhưng lại cao so với trung bình chi tiêu của người Việt.

Chuyện 'ngôi sao'

Năm 1889, tại Clermont-Ferrand, miền Trung nước Pháp, hai anh em Andre và Edouard Michelin thành lập hãng lốp xe lấy tên mình, với tầm nhìn chiến lược về ngành công nghiệp ôtô ở nước này trong thời điểm cả nước chưa đến 3.000 xe.

Để khuyến khích mọi người sử dụng ôtô nhiều hơn trong các chuyến đi, từ đó thúc đẩy doanh số mua bán lốp xe, anh em nhà Michelin cho ra đời một hướng dẫn nhỏ gồm nhiều thông tin du lịch hữu ích như bản đồ, cách thay lốp xe, nơi đổ xăng, danh sách địa điểm ăn uống, lưu trú ban đêm.

Nhận thấy sự nổi tiếng ở lĩnh vực nhà hàng, hai anh em nhà Michelin bắt đầu tuyển dụng các nhà phê bình ẩm thực và vào năm 1926, Michelin Guide đã trao những ngôi sao đầu tiên cho các cơ sở ẩm thực tốt nhất.

Một thế kỷ trôi qua và ngôi sao Michelin vẫn được coi là một trong những giải thưởng độc quyền và uy tín nhất mà một nhà hàng có thể nhận được. Chỉ có hơn 3.000 nhà hàng được gắn sao Michelin trên thế giới. Trong số đó, chỉ có 132 hiện có xếp hạng ba sao. Trong khi một ngôi sao Michelin vẫn được nhiều người khao khát thì nó không còn được các đầu bếp giỏi nhất thế giới đánh giá cao như trước đây. 

Năm 1994, Marco Pierre White, 32 tuổi, trở thành đầu bếp trẻ nhất đạt được ba sao cho nhà hàng mang tên mình.

Đến năm 1999, Pierre White đã từ bỏ ngôi sao, rời khỏi nhà hàng đã đưa mình trở thành ngôi sao ẩm thực. Nói với The Guardian, đầu bếp này cho biêt: "Những người đánh giá thậm chí thiếu kinh nghiệm hơn tôi. Đó là lý do vì sao tôi dễ dàng từ bỏ vì chúng không có giá trị gì".

Pierre White đã khởi xướng một xu hướng đang dần thu hút sự chú ý trong vài thập kỷ qua liên quan tới những tranh cãi xung quanh giải thưởng này.

Ví dụ như đầu bếp Hàn Quốc Eo Yun-gwon, người đã từng kiện Michelin vì đã đưa nhà hàng của ông vào cẩm nang hướng dẫn, với lý do ông đã yêu cầu Michelin không được làm như vậy. Eo nói với CNN Travel vào năm 2019: “Michelin Guie là một hệ thống độc đoán với những bài kiểm tra, đánh giá tàn khốc nhất trên thế giới. Họ yêu cầu các đầu bếp phải làm việc và chuẩn bị khoảng một năm để chờ đợi một bài kiểm tra mà không biết khi nào sẽ diễn ra”.

Trong khi đó, đầu bếp người Pháp Marc Veyrat, người đã bị mất sao Michelin và sau đó thua kiện trong vụ kiện do Michelin phản đối quyết định đó, cũng có đồng quan điểm với Pierre White và cho rằng các thanh tra ẩn danh của Michelin "thiếu năng lực".

“Khi bạn có ba ngôi sao Michelin, về cơ bản, bạn đang chiến đấu để giữ chúng. Bạn nấu ăn cho ba sao Michelin, thay vì tập trung vào khách hàng của mình, điều thực sự quan trọng hơn những ngôi sao kia”, Emil Minev, giám đốc nghệ thuật ẩm thực cho biết tại Le Cordon Bleu London.

Những ngôi sao không còn 'lấp lánh'

Theo Vanity Fair, đầu bếp người Tây Ban Nha Julio Biosca đã trả lại ngôi sao cho nhà hàng của mình vì ông cảm thấy giải thưởng này ngăn cản ông đổi mới. Đầu bếp người Bỉ Frederick Dhooge cũng làm như vậy, với lý do muốn nấu những món ăn đơn giản hơn như gà rán. "Bản chất của đầu bếp nằm ở sản phẩm, được chế biến theo cách cổ điển và tôn trọng các giá trị và truyền thống dành cho người sành ăn... Tôi muốn được tự do trong gian bếp của mình", trích trong thông báo ông viết trên trang mạng xã hội của nhà hàng.

Nếu như trước đây, giải thưởng Michelin được coi là độc nhất trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống. Thì trong những năm qua, đã xuất hiện vô số giải thưởng ẩm thực và nền tảng đánh giá để người tiêu dùng xem xét, làm giảm ảnh hưởng của Michelin.

Trong đó có thể kể tới giải thưởng '50 Nhà hàng Tốt nhất Thế giới', từ năm 2002 đã công bố danh sách hàng năm các nhà hàng tốt nhất. Trái ngược với Michelin, giải thưởng này không có quy trình bỏ phiếu bí mật . "Một vị trí top 10 trong bảng xếp hạng 50 Nhà hàng Tốt nhất có thể có tác động lớn hơn so với việc giữ ba sao", The Week viết. Mặt khác, Giải thưởng James Beard cũng tôn vinh các đầu bếp ở Mỹ với các danh hiệu ở nhiều hạng mục khác nhau mỗi năm kể từ năm 1991.

Về cơ bản, giải thưởng Michelin vẫn là một yếu tố có giá trị quảng cáo. Tuy nhiên, đây không còn là nguồn chú ý duy nhất nữa. Chẳng hạn, các đầu bếp và nhà hàng của họ có thể nhận được nhiều sự chú ý, nếu không muốn nói là nhiều hơn, khi xuất hiện trong danh sách '50 Nhà hàng Tốt nhất Thế giới'. "Đã đến lúc ngày càng có nhiều người phớt lờ Michelin. Họ xem giải thưởng James Beard hoặc Bon Appetit như những sự công nhận có ý nghĩa hơn", cây viết chuyên về ẩm thực Eddie Kim cho biết trên tạp chí LA Magazine.

Đỗ An

Xem các bài viết của tác giả