Trong lịch sử thế kỷ XX, một Việt Nam anh hùng đi qua hai cuộc chiến tranh xâm lược, giành thắng lợi vẻ vang trước các cường quốc châu Âu, châu Mỹ đã trở thành biểu tượng vĩ đại cho sức mạnh của lý tưởng độc lập dân tộc! Nhờ có lý tưởng, chúng ta lập nên kỳ tích Đại thắng mùa Xuân 1975 và có một Việt Nam thống nhất, hoà bình như hôm nay. 

Thực tế đã chứng minh rõ, khi có lý tưởng người ta có được sức mạnh và sự đoàn kết vô địch, có thể coi cái chết nhẹ tựa lông hồng khi thực hiện lý tưởng đó. 

Bước sang thế kỷ XXI, lý tưởng ấy vẫn hiển hiện, khát vọng vẫn cháy bỏng. Nhưng độc lập dân tộc của ngày hôm nay chính là gắn với “hùng cường”, “thịnh vượng”, là mục tiêu của mọi người dân Việt Nam khi tròn 100 năm lập quốc (năm 2045) như Đại hội Đảng XIII đã nêu.

Đó là lý do báo VietNamNet tổ chức Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Lý tưởng người Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vào đúng dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước (30/4) vừa qua. 

Ba diễn giả khách mời là ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chương trình đã được đăng tải chi tiết theo 2 phần. Phần I: Lý tưởng khát vọng chưa bao giờ nguôi trên đất nước này và phần 2: Nếu thất bại, hãy làm lại một lần nữa"

 Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ chương trình tại video sau:

 Mở đầu chương trình là câu hỏi, liệu người Việt Nam có đang thờ ơ với lý tưởng?

 “Tôi nghĩ, đó chỉ là nhận định võ đoán”. Thực tế, “lý tưởng, khát khao chưa bao giờ nguôi trên đất nước này kể từ khi dựng nước”, “lý tưởng và khát vọng lớn lao luôn chảy trong huyết quản của người Việt”, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ.

Góc nhìn ấy được ông diễn giải: “Chúng ta hãy nhìn mỗi lần các đội tuyển thể thao Việt Nam, ở tất cả các môn thi đấu khác nhau giành được những thắng lợi trên đấu trường quốc tế, lòng người Việt Nam lại dấy lên một niềm tự hào dân tộc. Tiếp sau niềm tự hào đó là sự dấy lên niềm khát khao đạt được những thành tựu lớn hơn nữa. Đó là lý tưởng, đó là khát vọng”.

Ngược dòng lịch sử, “mỗi khi đất nước bị xâm lăng, không cần thôi thúc gì nhiều, mỗi người dân Việt Nam đều sục sôi ý chí chiến đấu giữ nước. Khi đứng trước thách thức chung, như đại dịch Covid-19, chúng ta nhìn thấy người dân Việt Nam yêu thương nhau, tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia với nhau và sẵn sàng hi sinh. Đó là một đặc tính của người dân Việt Nam”, ông Lê Hải Bình phân tích.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng dẫn chiếu: “Đất nước được ông cha đặt tên là Đại Việt, có thời là Đại Cồ Việt. Nghĩa là, khát vọng đó vẫn luôn nằm trong gen người Việt”. 

Vậy thì, lý tưởng và khát vọng đó trong thời đại CMCN 4.0, trong thế hệ người Việt trẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ đang hiện hữu như thế nào?

 Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông – người đã làm việc với hàng trăm doanh nghiệp công nghệ số kể lại một câu chuyện ấn tượng: Một doanh nhân trẻ tuổi sinh năm 1987, sau khi “sống tốt” nhờ gia công phần mềm cho nước ngoài đã dùng lợi nhuận của mình để phát minh ra phần mềm sách tóm tắt, cung cấp miễn phí cho cộng đồng. Cuốn sách dày cả ngàn trang có thể tự động biến thành một cuốn sách chỉ mất 15 phút đọc.

Theo ông Dũng, vị doanh nhân ấy có khát khao thúc đẩy văn hoá đọc cho người dân Việt Nam. Một doanh nghiệp tuy nhỏ nhưng đã tự nhận về sứ mệnh phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, giải quyết bài toán văn hoá đọc trong thời buổi thói quen đọc mạng thịnh hành.

 “Trong bối cảnh hiện nay, tôi cảm nhận rõ những khát vọng và lý tưởng đó ở cộng đồng doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam. Chúng ta làm ra những sản phẩm không phải chỉ để giải quyết nỗi đau của Việt Nam mà còn hướng tới xuất khẩu ra thị trường toàn cầu”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Nối mạch bàn tròn, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề cao vai trò của đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật và giáo dục để thực hiện mục tiêu Việt Nam cường thịnh. Với ông, đây là một động lực để Việt Nam vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

 “Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang diễn ra rất nhanh. Nếu người Việt chúng ta không nắm bắt kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chúng ta sẽ bị tụt hậu”, ông Huỳnh Quyết Thắng nói.

Theo vị hiệu trưởng thứ 13 của Đại học Bách Khoa, chính những chiếc bình oxy, những chiếc máy thở được sinh viên, giảng viên của trường làm ra trong 2 năm qua là minh chứng cho khát vọng chinh phục dịch bệnh. Người Bách Khoa đã góp sức bằng những sản phẩm nghiên cứu khoa học để đưa đất nước vượt qua khó khăn đại dịch.

Bởi vậy, "trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải làm sao khơi dậy được khát vọng hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là khát vọng đưa đất nước tới một vị thế đàng hoàng, xứng đáng trên trường quốc tế. Khơi dậy được tinh thần đó là kích hoạt sức mạnh nội sinh của dân tộc", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh. 

Ông Lê Hải Bình phân tích: “Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nói tới sức mạnh nội sinh. Lịch sử cũng đã chứng minh, sức mạnh nội sinh của dân tộc ta lớn lao vô cùng. Chúng ta nhấn mạnh lý tưởng đó, ngọn cờ đó, mục tiêu đó thì chúng ta sẽ khơi dậy được sức mạnh nội sinh của dân tộc”.

Nhóm câu hỏi đầy tính thời sự tiếp theo là “làm thế nào để lý tưởng được khơi dậy, được kích hoạt mạnh mẽ và trở thành hành động thường nhật”?

 Trên cương vị là người thầy, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói về cách “truyền lửa” đam mê học tập, nghiên cứu của mình.

 “Chúng tôi vẫn nói với các em rằng, nếu chúng ta chậm chân một ngày, chúng ta sẽ mất đi một cơ hội. Vậy thì, chúng ta cần phải cố gắng học tập, cố gắng nghiên cứu. Lúc này, tư tưởng đổi mới sáng tạo, những điều khác biệt và đặc biệt, có thể đứng vững được trên thị trường sẽ tạo ra sức mạnh của chính các em. Nếu chúng ta suy nghĩ theo người khác, đi sau người khác, chúng ta sẽ thua. Bối cảnh này cần những đổi mới sáng tạo, những khát vọng đi lên, khát vọng tìm tòi của thế hệ trẻ”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.

Ông nhấn mạnh: “Sinh viên thế hệ trước làm được thì các em cũng phải làm được. Chúng tôi truyền cho các em lý tưởng khát khao đó”.Và đó cũng chính là lý tưởng của người Bách Khoa- một hình tượng được ngôi trường 65 năm tuổi lan toả và hun đúc qua nhiều thế hệ sinh viên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Dũng, bằng trải nghiệm của một thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam và phụ trách ngành công nghệ thông tin, ông bày tỏ, với 100 triệu dân, Việt Nam có tài nguyên dữ liệu số vô cùng lớn, có tiềm năng trở thành một quốc gia lớn trên không gian mạng, đứng thứ 10-12 trên thế giới. Đó là không gian mới, là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

 “Thanh niên Việt Nam hiện nay nếu không nỗ lực biến tiềm năng thành kết quả thì sẽ là lỗi hẹn với lịch sử”, ông Dũng nói.

Để thực hiện lý tưởng đưa đất nước vươn tới hùng cường, “tôi tư duy đơn giản, đó là làm sao thanh niên phải tinh thông nghề nghiệp, tinh thông công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ và dùng công nghệ giải quyết được những vấn đề xung quanh mình”, giải quyết những bài toán tồn tại dai dẳng trong xã hội”. Một việc giản dị hơn là, "hàng ngày, hãy đọc sách nhiều hơn và làm khác đi", Thứ trưởng Dũng chia sẻ.

 Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào thôi thúc được lý tưởng?”, ông Lê Hải Bình đúc rút 3 điểm:

Điều thứ nhất, là điều căn cốt, làm sao gắn được cái chung với cái riêng. Một doanh nghiệp thành công thì tự khắc, sẽ nghĩ tới sứ mệnh với xã hội.

Điều thứ hai là vai trò của giáo dục. Từ gia đình đến nhà trường, ông bà, bố mẹ hãy kể cho những đứa trẻ câu chuyện về đất nước, về dân tộc, người thầy trên bục giảng tràn đầy khát khao và truyền tải khát khao đó cho học trò của mình.

Điều thứ ba là môi trường xã hội. Nếu như xung quanh, có nhiều những con người cùng khát khao như mình thì lý tưởng được nuôi dưỡng.

“Để nuôi dưỡng được lý tưởng là câu chuyện của cả xã hội này”, ông Lê Hải Bình nói. 

Khép lại chương trình bàn tròn trực tuyến là một câu chuyện đầy khích lệ của ông Nguyễn Huy Dũng.

“Tôi có một ấn tượng với thầy giáo dạy võ, theo mãi tới tận bây giờ. Đó là, cứ mỗi khi tôi làm sai động tác, thầy lại nói một câu đơn giản: Làm lại lần nữa. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ hiện nay hãy dám hành động, dám chấp nhận thất bại và khi thất bại thì hãy làm lại lần nữa. Đừng nản chí mà hãy cứ làm lại lần nữa!”, ông Dũng kể lại.

Có thể nói rằng, có lý tưởng và có niềm tin mỗi chúng ta sẽ nhìn rõ con đường và có động lực mạnh mẽ để đi tới đích. Cái đích lớn nhất là dân tộc Việt Nam trở nên hùng cường, thịnh vượng.  

Có lý tưởng, có khát vọng lớn, có niềm tin mãnh liệt và kiên định, sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam sẽ được thổi bùng.

Đất nước hôm nay đang trong một cuộc chiến tranh khốc liệt khác, là cuộc chiến tranh chống lại sự tụt hậu về kinh tế, sự thua kém về công nghệ… Kỳ tích về một Việt Nam tròn 100 tuổi hùng cường, thịnh vượng đang nằm trong tay mỗi chúng ta.

Tự trong tâm khảm mỗi người, hãy nghĩ suy về tầm vóc của dân tộc mình, về tầm vóc của chính bản thân mình, và đau đáu câu hỏi: “Định vị Việt Nam là thế nào trong thế giới này?”

Phạm Huyền