Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm nay (22/2) có cuộc gặp lãnh đạo và các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

Buổi gặp mặt nhằm tôn vinh các nhà khoa học nghiên cứu về kinh tế đối với phát triển đất nước, tiến tới tôn vinh các nhà khoa học Việt Nam do Liên hiệp các hội và Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức dự kiến vào tháng 5 tới. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tâm huyết, thẳng thắn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Chủ tịch nước biểu dương bề dày thành tích, đóng góp của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, ghi nhận những cống hiến to lớn của đội ngũ chuyên gia kinh tế, nhiều thế hệ các nhà khoa học của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam 47 năm qua.

Từ năm 1990, với thành viên là những nhà kinh tế có uy tín, Hội đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đề xuất chính sách, góp ý hoàn thiện chính sách, xây dựng hệ thống pháp lý kinh tế đổi mới và hội nhập, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

{keywords}
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Những năm gần đây, cùng với đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức về kinh tế, Hội đã thực hiện tốt công tác tư vấn, góp ý chính sách, thực hiện vai trò phản biện chính sách.

Đặc biệt, Hội đã huy động sự tham gia rộng rãi của các nhà nghiên cứu kinh tế, đóng góp hiệu quả vào hai nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn về quan điểm phát triển và các giải pháp chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, khi còn giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã có nhiều dịp làm việc, lắng nghe nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Nhiều ý kiến rất có ý nghĩa trong xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế hàng năm và trong trung hạn.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ về thành tựu về phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập đạt kết quả tích cực qua 35 năm đổi mới, có những tiến bộ đáng mừng, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, an sinh xã hội được chăm lo....

Chủ tịch nước đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sắc, chất lượng của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, trí thức tại buổi gặp mặt. 

Các ý kiến đa dạng, đề cập sâu đến những đột phá trong phát triển kinh tế, tiếp tục tháo gỡ “nút thắt” về thể chế, thoát bẫy thu nhập trung bình; hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường: Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các chuyên gia cũng đề nghị đẩy mạnh đổi mới sáng tạo đưa đất nước tiến lên trong bối cảnh mới, thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó là phát huy tinh thần xung kích, vượt khó của doanh nghiệp, cải cách mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh; chính sách trong nước và đầu tư nước ngoài, đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng năng suất lao động; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự …

Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tập hợp được nhiều nhà kinh tế có danh tiếng, uy tín, Chủ tịch nước đề nghị Hội tiếp tục phát huy vị trí và vai trò của mình, có thêm nhiều đóng góp đối với việc hoạch định chính sách kinh tế quan trọng của đất nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay và sắp tới.

Chủ tịch nước tin tưởng với phẩm chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang, đội ngũ đông đảo các nhà khoa học nhiều thế hệ, có trình độ cao, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp khoa học cao cả, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch nước giao Văn phòng Chủ tịch nước tổng hợp các ý kiến phát biểu trong buổi gặp mặt để đề xuất, báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều cơ hội được Chủ tịch nước gặp mặt định kỳ, trao đổi, lắng nghe những ý kiến tâm huyết, đóng góp cho dân giàu, nước mạnh.

Trần Thường

8 nhóm nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tập thể, khắc phục sản xuất, kinh doanh manh mún

8 nhóm nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tập thể, khắc phục sản xuất, kinh doanh manh mún

Đánh giá khu vực kinh tế tập thể đã cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ cần triển khai thời gian tới.