LTS: Ở phần I của chương trình bàn tròn trực tuyến “Lý tưởng người Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, các diễn giả khách mời đã khẳng định thông điệp quan trọng: Lý tưởng, khát vọng vươn lên chưa bao giờ nguôi trên đất nước này. Lý tưởng được thôi thúc, ngọn cờ được giương cao sẽ kích hoạt sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc.

Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) với 3 khách mời tham dự:

 - Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

 - Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

 - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội

VietNamNet trân trọng giới thiệu phần II (phần cuối) của chương trình bàn  tròn.

Mời độc giả theo dõi tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Để khơi dậy sức mạnh nội sinh, chúng ta cần hành động. Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ mục tiêu, tới năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc. Làm thế nào để hiện thực hoá mục tiêu này? Xin mời góc nhìn của PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng?

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Lịch sử Việt Nam đã trải qua 2 cuộc kháng chiến giữ nước. Đất nước cũng đã trải qua 35 năm Đổi mới với nhiều thành tựu đã đạt được. 

Vào giai đoạn này (2021-2030), Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra rất rõ, vai trò của khoa học kỹ thuật và giáo dục là vô cùng quan trọng. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang diễn ra rất nhanh. Nếu người Việt chúng ta không nắm bắt kịp những tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ bị tụt hậu. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội tại Bàn tròn trực tuyến (ảnh: Lê Anh Dũng)

Thời điểm này, sự phát triển và biến đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi chúng ta phải trong luôn luôn khát khao học tập. Học tập ở đây không phải theo nghĩa như ngày xưa. Học tập ở đây là phải làm sao học được những công nghệ mới nhất, nhanh nhất để đưa được vào sản xuất, đồng thời, sáng tạo ra những sản phẩm ứng dụng được trên thị trường. 

Lúc này, Việt Nam cần một lớp trẻ công nghệ giỏi. Từ đó, hình thành một hệ thống các doanh nghiệp công nghệ giỏi, sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, cạnh tranh sòng phẳng trên thế giới.

Đó cũng chính là lý tưởng, khát khao đối với những trường kỹ thuật, với lớp trẻ Việt Nam hiện nay. 

Chúng tôi vẫn nói với các em rằng, nếu chúng ta chậm chân một ngày, chúng ta sẽ mất đi một cơ hội. Vậy thì, chúng ta cần phải cố gắng học tập, cố gắng nghiên cứu. Lúc này, tư tưởng đổi mới sáng tạo, những điều khác biệt và đặc biệt, có thể đứng vững được trên thị trường sẽ tạo ra sức mạnh của chính các em. Nếu chúng ta suy nghĩ theo người khác, đi sau người khác, chúng ta sẽ thua. Bối cảnh này cần những đổi mới sáng tạo, những khát vọng đi lên, khát vọng tìm tòi của thế hệ trẻ.

Đất nước chúng ta hiện đang ở mức thu nhập trung bình và luôn đứng trước thách thức rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Nếu lớp trẻ Việt Nam không tăng được năng suất lao động, đổi mới phương thức sản xuất thì chúng ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và sẽ không thể đạt được mục tiêu năm 2045 như kỳ vọng đặt ra.

Giai đoạn hiện nay và tới đây, chúng ta ở trong một cuộc chiến đấu lớn. Khác với cuộc chiến đấu giữ nước trong lịch sử, chúng ta nhìn thấy rõ rệt kẻ thù. Còn bây giờ, chúng ta phải tự đấu tranh với chính mình, với các thách thức công nghệ để vươn lên. Vì thế, lý tưởng, khát vọng cống hiến và những suy nghĩ đổi mới sáng tạo trong thời đại này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhà báo Phạm Huyền: Thực tế cũng cho thấy, mỗi cuộc cách mạng mở ra cơ hội cho tất cả nhưng cũng chỉ có 5-7 quốc gia vươn lên, đạt được kỳ tích. Đó là những quốc gia có khát vọng lớn, dám đi đầu.

Thưa ông Nguyễn Huy Dũng, ngày nay Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu lớn thì chúng ta cần phải làm gì để lý tưởng vươn lên nhanh chóng trở thành hành động thường nhật trong mỗi con người, mỗi đơn vị? Bởi chỉ cần ngày hôm sau cố gắng hơn 1% so với ngày hôm trước thì kết quả đạt được đã rất to lớn?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Tôi cho rằng, mỗi thời đại, mỗi bối cảnh khác nhau sẽ có những sự khác nhau trong hành động. Với thế hệ trẻ hiện nay, bối cảnh thời đại chính là đổi mới sáng tạo, chính là khoa học công nghệ, chính là chuyển đổi số, chính là công nghệ số, chính là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Vì thế, lý tưởng gắn với thời đại này của thế hệ trẻ chính là khát khao tinh thông nghề nghiệp, khát khao làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ lõi, là khát khao dùng công nghệ để giải quyết những tồn tại dai dẳng trong xã hội. 

Tôi cho rằng, đó chính là lý tưởng của thế hệ trẻ hiện nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông có ấn tượng nào về một doanh nghiệp đang nỗ lực hàng ngày với lý tưởng như vậy?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Chúng ta có rất nhiều câu chuyện minh hoạ cho điều này. Gần đây, tôi rất ấn tượng với một doanh nghiệp công nghệ số trẻ tuổi. Vị doanh nhân sáng lập ra sản phẩm công nghệ số đó sinh năm 1987. Sau một giai đoạn vô cùng vất vả, doanh nghiệp này đã sống được nhờ doanh thu khá tốt ở việc cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho nước ngoài. 

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Bàn tròn trực tuyến (ảnh: Lê Anh Dũng)

Nhưng điều tôi ấn tượng và bất ngờ là, vị doanh nhân trẻ này đã dành một phần lợi nhuận từ việc gia công phần mềm cho nước ngoài để sáng tạo ra phần mềm sách tóm tắt cho người dân Việt Nam. Phần mềm ấy được cung cấp miễn phí cho cộng đồng. Khát khao của người bạn đó là thúc đẩy văn hoá đọc cho người dân Việt Nam.

Trong đời sống bận rộn hiện nay, nhiều người khó dành thời gian đọc hết một cuốn sách. Với phần mềm ấy, mỗi một cuốn sách rất dày được tóm tắt chỉ thành cuốn sách 15 phút. Người bạn đó kỳ vọng rằng, đây sẽ là cách dẫn lối cho mọi người, đặc biệt là cho người trẻ tuổi Việt Nam quan tâm đến sách, đến tri thức nhiều hơn. Với tôi, đây là câu chuyện rất cảm động, thể hiện lý tưởng, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ.

Tuy là công ty nhỏ, nhưng người bạn đó đã khát khao, mong muốn giải quyết vấn đề rất lớn của xã hội, đó là thúc đẩy văn hoá đọc của người Việt Nam.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy dưới góc nhìn của ông Lê Hải Bình, người Việt chúng ta cần phải vượt qua những thách thức nào để kích hoạt được lý tưởng, để lý tưởng luôn thường trực trong mỗi người và biến thành hành động thực tế?

Ông Lê Hải Bình: Có một số vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và đúc rút. Như anh Nguyễn Huy Dũng đã nói, với con người, cuộc sống trước hết cần phải lo những cái thiết thân cho mình. Ví dụ, với học trò của thầy Thắng, điều đầu tiên cần suy nghĩ là phải làm sao không bị thất nghiệp khi ra trường, phải sống được. Phần lớn, các em sinh viên ở quê lên thì sau này, dòng đầu tư ở quê lên Hà Nội phải biến thành dòng đầu tư ngược lại (các em gửi tiền về nuôi bố mẹ).

Một câu chuyện lớn hơn, nhìn lại lịch sử dân tộc, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, không cần thôi thúc gì nhiều, mỗi người dân Việt Nam đều sục sôi ý chí chiến đấu giữ nước. Khi đứng trước thách thức chung, như đại dịch Covid-19, chúng ta nhìn thấy người dân Việt Nam yêu thương nhau, tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia với nhau và sẵn sàng hi sinh. Đó là một đặc tính của người dân Việt Nam.

Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương  (ảnh: Lê Anh Dũng)

Thế nhưng, thẳng thắn thấy rằng, khi thách thức đi qua, lý tưởng đó, sự đoàn kết, chung tay đó có phần nào lơi lỏng. Đó cũng là một đặc tính cần nhìn nhận. 

Chẳng hạn như chúng ta đều nhìn thấy, một trận đấu bóng đá chung kết mà  Việt Nam chiến thắng, không khí rất tưng bừng, trong người dân dấy lên rất nhiều mong muốn khát khao lớn cho đất nước. Nhưng khi mọi việc lắng xuống, việc tiếp tục, đeo đuổi câu chuyện khát khao, mong muốn đó có còn hay không? Đó cũng là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Quay lại câu hỏi của bạn, vậy làm thế nào thôi thúc được lý tưởng? Có nhiều điều phải làm. 

Điều thứ nhất, là điều căn cốt, làm sao gắn được cái chung với cái riêng. Bây giờ, mỗi học trò của thầy Thắng sẽ phải nỗ lực trong học tập. Nỗ lực đó giúp cho bạn sinh viên đó có được công việc vững chắc trong tương lai. Trong quá trình đó, bạn đó nhận thức được rằng, với công việc như vậy, mình có thể đóng góp nhiều hơn, phụng sự nhiều hơn cho xã hội.

Giống như anh Nguyễn Huy Dũng phân tích, doanh nghiệp thành công thì tự khắc sẽ nghĩ tới câu chuyện sứ mệnh của họ gắn với xã hội.

Điều thứ hai, tôi luôn luôn đề cao vai trò của giáo dục. Khi nói tới giáo dục không có nghĩa là khoán trắng cho nhà trường. Giáo dục trước hết là từ gia đình. Có lẽ, một người con, một người cháu trong nhà  sẽ luôn tràn đầy lý tưởng, khát khao nếu như bố mẹ, ông bà truyền được khát khao đó từ khi người con cháu đó còn bé. Bố mẹ, ông bà kể cho những đứa trẻ câu chuyện về đất nước, về dân tộc.

Ở nhà trường, người thầy đứng trên bục giảng tràn đầy khát khao và truyền tải khát khao đó cho học trò của mình. Đời thầy không làm được, thì đời các con chắc phải làm được! Học sinh sẽ được thấm đượm tinh thần đó.

Điều thứ ba là câu chuyện môi trường xã hội. Nếu như xung quanh mình, có nhiều hơn tỷ lệ những người cùng khát khao như mình thì lý tưởng được nuôi dưỡng. Nếu môi trường xung quanh mình đầy những con người đi theo lợi ích cá nhân, vụ lợi thì thật khó vun bồi lý tưởng.

Tôi nêu ra như vậy để thấy rằng, để nuôi dưỡng được lý tưởng là câu chuyện của cả xã hội này.

Nhà báo Phạm Huyền: Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì mọi người dân đều sục sôi ý chí chiến đấu. Ngay cả bây giờ, trạng thái chiến tranh vẫn đang diễn ra khốc liệt hàng phút, hàng giờ trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế... Theo  ông Nguyễn Huy Dũng, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để kích hoạt tình trạng“chiến tranh” trong mỗi con người?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Tôi nghĩ mỗi người đều có những giới hạn bản thân. Mỗi người sẽ có những khu vực tương đối tự tin, an toàn và có những khu vực cảm thấy tương đối bị hối thúc. Ví dụ như chiến tranh đặt cho mọi người tình trạng lúc nào cũng bị hối thúc, dịch bệnh cũng đặt ra cho mọi người tình trạng lúc nào cũng phải khẩn trương. 

Thế thì, chúng ta có thể tạo ra tình huống hối thúc mọi người nỗ lực nhiều hơn, bằng cách đặt mọi người tới gần ngưỡng giới hạn của mình. 

Ví dụ trong công việc, chúng ta đặt ra mục tiêu cao hơn một chút, thời hạn hoàn thành ngắn hơn một chút để mọi người luôn luôn trong trạng thái khẩn trương. Bản thân tôi khi ở trong trạng thái ấy, tôi cảm thấy mình làm tốt hơn so với ở trong trạng thái bình thường. Mọi người hay nói vui, văn hoá của người Việt chúng ta là nước đến chân mới nhảy.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, thầy suy nghĩ thế nào về giải pháp thúc đẩy lý tưởng biến thành hành động thường nhật?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại Bàn tròn trực tuyến (ảnh: Lê Anh Dũng)

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Trong câu chuyện này, vai trò của giáo dục là rất quan trọng. Ở Đại học Bách Khoa, chúng tôi luôn giáo dục các em về lịch sử của nhà trường. Các thế hệ sinh viên trước đây thành công luôn là những tấm gương để các em noi theo. Sau này, chính các em cũng sẽ trở thành những cựu sinh viên để thế hệ sau lại dõi theo học tập. Xuyên suốt quá trình đó, chúng tôi lan toả những phẩm chất của người Bách Khoa.

Một triết lý được chúng tôi áp dụng trong nhà trường là, đã là người Bách Khoa, kể cả sinh viên và các thầy cô giảng viên, phải tạo nên sự khác biệt xứng đáng. Ví dụ, đi làm việc, phải có tính trung thực, chan hoà, tôn trọng đồng nghiệp… Bên cạnh các kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm, văn hoá tạo ra sự khác biệt đó tạo ra sự tự hào cho các em sinh viên khi là người Bách Khoa.

Trong nhà trường, chúng tôi khơi dậy và phát huy năng lực của các em, phát triển bản thân bằng chính việc học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đưa được vào thực tiễn xã hội những sản phẩm có ích. Bởi trường chúng tôi là trường kỹ thuật. Đó là những phẩm chất truyền thống đáng quý của người Bách Khoa. Sinh viên thế hệ trước làm được thì các em cũng phải làm được. Chúng tôi truyền cho các em lý tưởng khát khao đó.

Ông Nguyễn Huy Dũng: Tôi muốn tiếp nối câu chuyện của anh Lê Hải Bình và thầy Huỳnh Quyết Thắng. Tương lai của mỗi cá nhân sẽ bắt đầu từ gia đình của họ. Gia đình sẽ quyết định tương lai con cái mình. Còn tương lai của mỗi quốc gia bắt đầu từ trường học của họ. 

Xin nói về ước mơ của mình thời đi học. Thời đi học, tôi có một ước mơ chưa làm được và cho đến bây giờ, đó vẫn là điều tiếc nuối nhất. Đó là tôi không được học một môn mà tôi cho là rất cần thiết với bản thân: môn võ học.

Để khơi dậy lý tưởng, sự tự hào của người Việt Nam, nên chăng khơi dậy tinh thần thượng võ đã tồn tại cả nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mình? Đó có thể là sự dẫn lối cho những hành động cụ thể. Ví dụ như tôi, một trong những điều tôi sẽ làm cho các con mình thời gian tới là được học môn võ học.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Lê Hải Bình, chúng ta có nên khẳng định, Việt Nam không phải là nước nhỏ bởi thực tế về dân số, về diện tích tự nhiên, về tài nguyên…đã cho thấy rõ điều đó, đồng thời làm lan tỏa mạnh mẽ mục tiêu cường thịnh để nhiều người thoát khỏi tâm lý tự ti, có thêm sự tự hào và khát vọng?

Ông Lê Hải Bình: Tôi muốn nhấn mạnh lại 3 điểm mà thầy Thắng đã nhấn mạnh, anh Dũng vừa nêu. 

Thứ nhất, chúng ta là con Rồng cháu Tiên, đó là truyền thuyết, là dã sử nhưng thể hiện một khát vọng dân tộc từ thuở hồng hoang. Ông cha ta, các bậc tiền nhân đã rất tự hào về mình. 

Hãy nhớ rằng, ta là một đất nước diện tích không nhỏ, khi dân không đông nhưng ông cha ta đã đặt tên là Đại Việt, sau này luôn có chữ đại, có thời là Đại Cồ Việt. Đó là câu chuyện cần suy nghĩ. Nghĩa là, khát vọng đó vẫn luôn nằm trong gen người Việt.

Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại Bàn tròn trực tuyến (ảnh: Lê Anh Dũng)

Câu chuyện thứ hai, anh Dũng nói về sự tiếc nuối không được học võ từ bé. Đất nước Việt Nam luôn luôn có tinh thần thượng võ. Trong tinh thần thượng võ đó, ta còn có tinh thần hoà hiếu, hoà bình, không chịu khuất phục. Ở đó còn là câu chuyện về danh dự, tự hào dân tộc. 

Câu chuyện thứ ba là tinh thần trong chiến tranh, đại dịch. Chiến tranh thì đã rõ! Khi chiến tranh, triệu người dân như một, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "xe chưa qua, nhà không tiếc". Cả dân tộc chung tay chia sẻ để chiến đấu và chiến thắng trước kẻ thủ.

Vừa rồi, ta trải qua một trận chiến- đại dịch Covid-19. Một lần nữa, ta nhìn thấy sự đoàn kết của người Việt, sự chung tay tương thân, tương ái, chia sẻ lại được bộc lộ rất rõ. Ta thấy nhiều tấm gương. Các bạn trẻ nhìn thấy những tấm gương xung quanh mình và cũng tự mình trở thành một tấm gương.

Kết nối cả ba câu chuyện lại, chúng ta thấy rõ ràng, làm sao để trong bối cảnh hiện nay, mỗi người suy nghĩ thực sự về tầm vóc của dân tộc mình, về tầm vóc của chính bản thân mình. Đó là câu chuyện định vị Việt Nam, định vị cá nhân. 

Định vị Việt Nam, ta có những con số cứng, là vị trí địa lý, dân số… nhưng định vị mềm là rất lớn. Ngay cả soi chiếu trên những con số cứng, ta là tương đối, không phải là nước nhỏ. Ta phải lan toả được tinh thần này: Định vị Việt Nam là thế nào trong thế giới này? 

Chúng ta không đi quá đà để ảo tưởng, mà phải đủ để tự tin, đủ để biết rằng, là phải nỗ lực hơn nữa mới thành công. 

Mỗi con người phải tự biết rằng, ta được sinh ra trong một đất nước như vậy, được học hành như vậy, là phải tự hào và cũng phải đủ biết rằng, phải nỗ lực bằng 5, bằng 10 nữa để vươn lên, xác định được giá trị bản thân. 

Từ đó, ta bỏ đi được tâm lý tự ti nhưng cũng đồng thời nuôi dưỡng được khát vọng và lý tưởng.

Nhà báo Phạm Huyền: Trên con đường đưa đất nước tới cường thịnh, vai trò của thanh niên là vô cùng quan trọng. Đó là tương lai của đất nước. Theo ông Nguyễn Huy Dũng, thế hệ thanh niên Việt Nam cần phải có những hành động quan trọng nào để đưa đất nước tiến triển nhanh trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

Ông Nguyễn Huy Dũng: Tôi nhất trí với ý kiến anh Lê Hải Bình. Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong kỷ nguyên số, chúng ta thử định vị Việt Nam trong môi trường số. Hiện  nay, với hơn 100 triệu dân, Việt Nam là 1 trong 15 nước đông dân nhất trên thế giới. Nghĩa là, với 100 triệu dân đó, mỗi người dân hoạt động trên môi trường số nhiều hơn thì sẽ sinh ra nhiều dữ liệu hơn. Xét tỷ lệ người sử dụng internet ở Việt Nam, chúng ta vào được danh sách 10-12 nước đông dân nhất thế giới. 

Tiềm năng của chúng ta là tạo ra được lượng dữ liệu lớn như của các nước hàng đầu thế giới. Nếu coi dữ liệu là một loại tài nguyên mới, hay một không gian mới, động lực mới cho tăng trưởng thì rõ ràng, đất nước của chúng ta trên không gian mạng là một đất nước to lớn, là một nước Đại Việt đúng nghĩa.

Nói như vậy để thấy rằng, không có nghĩa, chúng ta sinh ra ở vạch đích mà chúng ta càng phải nỗ lực nhiều hơn. Tiềm năng thì lớn. Nếu thanh niên hiện nay không nỗ lực biến tiềm năng đó thành những kết quả cụ thể thì thanh niên sẽ lỗi hẹn với sứ mệnh của lịch sử. Như vậy, tôi nghĩ rằng, sứ mệnh và trách nhiệm của thanh niên, của thế hệ trẻ hiện nay với đất nước lớn hơn bao giờ hết. 

Như tôi đã chia sẻ, sứ mệnh của thanh niên hiện nay, tôi tư duy đơn giản, đó là làm sao phải tinh thông nghề nghiệp, tinh thông công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ và dùng công nghệ giải quyết được những vấn đề xung quanh mình.

Vậy, thế hệ trẻ cần làm ngay những việc gì? Mỗi người sẽ có một cách thức riêng nhưng tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ Việt Nam cần đọc sách nhiều hơn và làm khác đi. Trong bối cảnh bây giờ, thông tin mạng rất nhiều, thế hệ trẻ không nên dành quá nhiều thời gian trên mạng mà cần phải cân bằng giữa thông tin mạng và thông tin trong sách và nên thúc đẩy văn hoá đọc sách, nhất là sách nghề nghiệp.

Thế hệ trẻ hãy dám hành động và hãy dám thất bại. Trở lại câu chuyện học võ, tôi có một ấn tượng với thầy giáo dạy võ và ấn tượng ấy theo tôi tới tận bây giờ. Cứ mỗi khi tôi làm sai động tác, thầy lại nói một câu đơn giản: làm lại lần nữa. Tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ hiện nay hãy dám hành động, dám chấp nhận thất bại và khi thất bại thì hãy làm lại lần nữa. Đừng nản chí mà hãy cứ làm lại lần nữa!

Bàn tròn trực tuyến “Lý tưởng người Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra tại trường  quay báo VietNamNet tháng 4/2022 (ảnh: Lê Anh Dũng)

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời!

Chương trình Bàn tròn trực tuyến về chủ đề Lý tưởng người Việt trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư khép lại sau hơn 40 phút trao đổi. Các vấn đề về lý tưởng thời đại đã được phân tích và nhìn nhận rõ ràng. Hi vọng rằng, lý tưởng đưa đất nước vươn lên cường thịnh sẽ mỗi ngày lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi người Việt Nam chúng ta.

Hẹn gặp lại độc giả trong chương trình bàn tròn trực tuyến tiếp theo vào tháng 5.

VietNamNet