Năm 2021, khi dịch Covid-19 tạm yên, tôi mở một chiếc quán cà phê xinh xắn ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). Tôi xem đây là nơi gặp gỡ người thân, bạn bè trao đổi chuyện sách vở là chính chứ không nặng kinh doanh. Một trong những món quà tôi nhận được trong ngày khai trương là chú mèo với khuôn mặt cực kỳ hoan hỷ, ai nhìn cũng yêu.
Tôi từng thấy hình tượng của chú mèo hoan hoan hỷ này - đó là những chú mèo vẫy tay, mập ú và mặt tươi tắn dễ thương - ở khá nhiều nơi, đặc biệt trong các quán ăn uống, cửa hàng kinh doanh. Mọi người thường đặt mèo ở vị trí đối diện cửa ra vào, nhìn thẳng ra cửa chính và trên kệ, quầy bar.
Chú mèo đưa tay lên vẫy vẫy, thường chạy bằng điện, pin hoặc năng lượng mặt trời, nên nhiều người gọi là mèo vẫy. Tuy nhiên ít ai biết nguồn gốc của chú mèo dễ thương này. Người tặng cho tôi mua mèo ở Chợ Lớn (TP.HCM) nên nghĩ rằng đây là nét văn hóa người Hoa. Nhưng thực chất, khi tìm hiểu kỹ mới thấy mèo hoan hỷ hay mèo vẫy có gốc tích từ văn hóa Nhật.
Người Nhật đặt tên cho chú mèo vẫy là Maneki-neko, với nhiều biểu hiện khác nhau, từ màu sắc đến bàn tay (chi trước) giơ lên, mỗi kiểu cách đều mang ý nghĩa riêng biệt.
Chẳng hạn, với Maneki-neko màu trắng thì tượng trưng cho may mắn, đỏ thì xua đuổi bệnh tật, đen là biểu tượng trừ yêu - xua đuổi ma quỷ, màu hồng là tình yêu suôn sẻ, xanh lam an toàn giao thông, vàng cải thiện sự học và thành đạt cùng sự giàu có, màu tím biểu trưng cho cái đẹp và sự khỏe mạnh… Trong đó, màu đen là màu truyền thống của Maneki-neko.
Người Nhật tin rằng, mèo giơ tay phải lên là mời gọi may mắn về tài chính, còn giơ tay trái lên là vẫy khách hàng. Chính vì vậy, có những cơ sở kinh doanh, để cho chắc ăn đã “thỉnh” cả hai Maneki-neko về đặt tại quầy bar, lễ tân, bên cạnh thờ cúng Thần Tài, Thổ Địa.
Theo sử sách Nhật Bản, mèo Maneki-neko xuất hiện trong một vài văn bản vào năm 1852 như Bukō nenpyō, hay tranh vẽ mô tả trong tác phẩm Utagawa Hiroshighe.
Cũng có nhiều “thuyết” theo kiểu huyền bí lý giải về ý nghĩa của Maneki-neko, trong đó đáng chú ý là chuyện dân gian về một người chủ cửa hàng nọ đã cứu mạng mèo hoang. Biết ơn và báo đáp, chú mèo này đã ngồi trước quán vẫy khách, mang đến sự may mắn, hưng vượng cho người chủ thiện tâm từng cứu mình. Từ đó, câu chuyện mèo vẫy lan tỏa, trở thành niềm tin về sự may mắn cho các chủ doanh nghiệp.
Một thuyết khác cũng được cho rằng xuất hiện từ năm 1852, về một cụ bà sống ở Hanakawado Asakusa vì quá nghèo đã phải từ bỏ chú mèo mà mình yêu quý. Bỗng nhiên, chú mèo xuất hiện trong giấc mơ của bà, bảo bà hãy làm một búp bê mèo giống chú và bà đã nhận được sự may mắn.
Trong khi đó, truyền thuyết về ngôi đền Gotokuji lại mang màu sắc khác và có niên đại lâu hơn - vào thế kỷ 17. Câu chuyện nói về một tu sĩ thanh bần sống cùng chú mèo Tama ở ngôi đền nhỏ tại Tokyo. Một ngày nọ, lãnh chúa Nakaota Li của quận Hikone trên đường đi săn thì gặp bão, nên trú chân ở một cây to gần đền.
Trong lúc tránh mưa, Nakaota Li để ý thấy một chú mèo giơ chân như vẫy ông vào đền. Tò mò, lãnh chúa tiến về phía con mèo. Ngay khi ông vừa rời khỏi, một tia chớp giáng xuống cái cây Nakaota Li đứng trước đó. Chú mèo đã cứu ông thoát chết.
Mang ơn Tama, vị lãnh chúa trở thành người bảo trợ cho ngôi đền. Ông nâng cấp để ngôi đền khang trang hơn rồi đổi tên thành đền Gotokuji vào năm 1697. Khi Tama chết, vị lãnh chúa làm một bức tượng Maneki-neko để tưởng nhớ. Biểu tượng mèo may mắn ra đời từ đó.
Mỗi sản phẩm văn hóa khi ra đời đều có câu chuyện cũng như số phận của mình. Mèo Maneki-neko đã gắn với những nét nhân văn, dễ thương, gần gũi trong nếp nghĩ của người Việt là “cứu vật vật trả ơn”, phù hợp với tính cách thông minh của mèo. Có lẽ vì mang thông điệp tích cực về tình yêu suôn sẻ, chiêu tài, hút lộc, mang lại may mắn cho chủ nhân nên Maneki-neko đã “vượt biên” và có sức sống không chỉ ở Nhật mà còn tại một số nước phương Đông khác, trong đó có Việt Nam.
Món quà tôi nhận trong ngày mở quán cũng trong ý nghĩa chúc lành, hanh thông, hưng phát, như ý của người tặng. Như vậy, món quà này mang tâm ý về sự mong cầu những điều tốt đẹp sẽ đến khi nó được trao đi. Thực ra, mong ước điều tốt lành là niềm mong chung của tất cả mọi người, nên không chỉ dựa vào mỗi biểu tượng mèo Maneki-neko mà thành tựu.
Quan trọng hơn, mỗi người cần hiểu rõ nhân-quả để từ đó làm điều tốt đẹp không chỉ trong kinh doanh (với tinh thần tạo ra và bán sản phẩm chân chính), lợi mình nhưng cũng phải lợi người mới thực sự bền lâu, vững chắc.
Không thể có một sự may mắn và thành tựu mà thiếu nền móng vững chắc của cái tâm trong sáng hòa quyện cùng năng lực thực thụ, hay nói cách khác là tâm và tầm của một người làm chủ, của bất kỳ người nào trong một mối quan hệ gắn kết giữa mình với người, giữa mình với cộng đồng (có đối tác và khách hàng).
Tin vào biểu tượng may mắn từ mèo Maneki-neko nhưng cũng phải hiểu về văn hóa của biểu tượng. Đồng thời kiến tạo đời sống có chất liệu tốt đẹp thì dù làm gì, trong mối quan hệ nào cũng trở nên tích cực, như ý. Đây có lẽ cũng chính là gửi gắm của sản phẩm văn hóa giàu tính nhân văn này từ người Nhật.
Mèo thân thiện, gần gũi, là bạn của con người Thực ra, loài mèo vốn gần gũi với người Việt Nam vì tính cách của chúng khá hiền hòa, ưa mè nheo, nũng nịu khi gặp chủ. Có những người bạn của tôi yêu mèo đến khó tin, có thể ăn, ngủ chung với mèo. Đi đâu cũng cõng mèo đi theo. Mèo trở thành thú cưng của nhiều người, đặc biệt giới trẻ ngày nay có lẽ bởi sự dễ thương, thân thiện. Họ chăm mèo như chăm con dại, đúng nghĩa đen của nó. Mọi thứ đều tỉ mẩn, để mèo sạch sẽ, không bệnh. Làm bạn với thú cưng trong đó có mèo đã là xu hướng của người trẻ hiện đại, có lẽ đến từ nguyên nhân đời sống kinh tế được phát triển - vì thực ra nuôi một bạn mèo khá tốn kém. Một phần khác, người trẻ chọn sống một mình, hoặc chậm lập gia đình, ngại yêu cũng tăng lên nên mèo trở thành bạn cũng là một cách tự tìm an ủi, niềm vui ở thú cưng thân thiện này. |