Theo thống kê của Bộ Y tế, những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở nước ta giảm sâu. Cụ thể, từ 31/12/2022 đến 8/1, số ca mắc mới ở ngưỡng dưới 100. Tuần qua, nước ta cũng không ghi nhận thêm ca tử vong. Các chuyên gia dịch tễ học đánh giá đến nay, Covid-19 cơ bản được kiểm soát nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định. 

NGUY CƠ DỊCH BÙNG PHÁT?

Trao đổi với VietNamNet, sáng 9/1, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng mắc Covid-19 sẽ tăng. Nhận định này dựa trên việc phân tích và kinh nghiệm từ việc đánh giá tình hình dịch tễ của các quốc gia khác. Cụ thể, số ca mắc của các quốc gia đều tăng nhanh trong mùa lễ (giáng sinh, Tết Dương lịch…).

Tuy nhiên, ông không thể dự đoán con số cụ thể bởi: "Việc dự báo ca bệnh tại nước ta chưa chính xác do nhiều người dân mắc Covid-19 nhưng không còn khai báo đầy đủ”. Bên cạnh đó, việc lây nhiễm phải qua thời gian nhất định, theo chu kỳ số ca mắc "không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai". 

Vì vậy, chuyên gia này đánh giá dựa vào tình hình dịch tễ học, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán số ca mắc, tử vong sẽ tương đối ổn định. Tuy nhiên, sau Tết khoảng 15-30 ngày, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng về ca mắc.

Các chuyên gia nhận định trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng ca mắc ở nước ta chưa có nhiều đột biến. Ảnh: Hoàng Hà.

“Số ca mắc sẽ tăng nhưng chưa tăng nhiều. Ca mắc tăng nhanh hơn ở các thành phố lớn và còn phụ thuộc vào việc người dân có tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng hộ cơ bản (rửa tay, khẩu trang…) hay không", ông nói.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cũng nhận định nguy cơ bùng phát dịch không chỉ tăng cao trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mùa lễ hội do nhu cầu giao thương du lịch tăng, mà còn là giai đoạn thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan.

Trước thông tin Việt Nam đã phát hiện ca nhiễm biến thể XBB tại TP.HCM và Tây Ninh, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết: "XBB.1.5 chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng sự gia tăng đi lại trong giai đoạn gần Tết, trong Tết cùng với các nước mở cửa đường biên, biến thể này chắc chắn sẽ xuất hiện tại nước ta". 

Hiện các biến thể, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi. Trong đó, biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch, lây lan nhanh hơn. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 cũng đã gây các đợt bùng phát dịch mới ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Trước tình hình này, Bộ Y tế cũng đưa ra dự báo bên cạnh các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, nhiều nước mở cửa đường biên, yếu tố miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian cũng sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc Covid-19 gia tăng.

Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng thời gian tới, số ca mắc mới có thể gia tăng. Đặc biệt, nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền, có nguy cơ cao nhiễm virus và diễn biến nặng.

“Không một quốc gia nào khi xảy ra dịch bệnh có thể kiểm soát được việc lây nhiễm. Ví dụ, Omicron vừa xuất hiện, một số quốc gia hạn chế đi lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học đánh giá dù hạn chế đi lại cũng không thể ngăn biến thể này lây lan. Vì vậy, biến thể mới (XBB.1.5) sẽ xuất hiện tại Việt Nam, chỉ là sớm hay muộn”, chuyên gia này nhấn mạnh.

"CHÌA KHÓA" GIÚP ĐỐI PHÓ VỚI COVID-19

PGS.TS Đỗ Văn Dũng phân tích biến thể XBB có thay đổi trong protein gai virus nên tăng khả năng lẩn tránh miễn dịch. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng khiến khả năng xâm nhập vào tế bào cũng virus bị yếu hơn. Vì vậy, XBB không có nổi trội hơn về khả năng lây lan nhanh.

Cũng theo chuyên gia này, ca mắc và tử vong tại Việt Nam đang được kiểm soát do tỷ lệ tiêm chủng của nước ta thuộc nhóm cao trên thế giới. Vì vậy, thời gian tới, việc ca mắc tăng cũng không quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta cần đưa ra cảnh báo để giảm nguy cơ cho người dân và đỡ gánh nặng cho ngành y tế. 

GS.TS Trần Đắc Phu cũng nhận định chúng ta phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt. Biện pháp đầu tiên là tiếp tục chiến dịch tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, người dân phải chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Việc đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên không chỉ giúp phòng Covid-19 mà còn là biện pháp tránh lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp khác. 

Việc chủ động phòng bệnh không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng mà còn giảm gánh nặng cho ngành y tế. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Đặc biệt, những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Chuyên gia này cũng đặc biệt lưu ý việc bảo vệ nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền để giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất. 

Trong mùa lễ Tết Nguyên Đán 2023 sắp tới, bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO Việt Nam - cũng khuyến cáo người dân dành thời gian vui vẻ và tận hưởng với bạn bè và gia đình nhưng cũng đề cao cảnh giác để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của bản thân.

“Áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như đối với các biến thể phụ khác của Omicron và Covid-19 nói chung. Đó là đeo khẩu trang ở nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên, tiêm vắc xin đầy đủ”, chuyên gia này nhấn mạnh. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch trên thế giới để đưa ra biện pháp ứng phó phù hợp.

Diễn biến dịch vẫn khó lường, chưa ổn định

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành công điện số 05 về tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023, đặc biệt ứng phó với biến thể XBB.1.5. Theo công điện, đến nay dịch cơ bản được kiểm soát song diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, chưa ổn định.  

Vì vậy, để chủ động tăng cường phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó của Ban Bí thư, Thủ tướng về đảm bảo Tết, chương trình phòng, chống dịch Covid-19