Đều đặn 7 giờ 15 phút hàng ngày, Quang Thế Hà học sinh lớp 10A10 Trường trung học phổ thông vùng cao Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên) có mặt ở lán nhỏ tự dựng bằng tre nứa, lợp lá cọ bên sườn đồi để “hứng” sóng 3G học trực tuyến trong thời gian nghỉ ở nhà phòng dịch Covid-19.
Từ khi nhà trường nhắn tin thông báo lịch học trực tuyến, Hà đã nghĩ ngay đến việc phải dựng lán để học bài, bởi sóng di động ở nhà còn yếu, nói gì đến 3G. Và thế là chiếc lán cách nhà Hà ở Bản Cướm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An hơn 10 phút đi bộ được dựng lên, nơi duy nhất có sóng 3G ổn định mà Hà cùng các bạn đã tình cờ tìm ra khi chăn trâu bò.
Để lên tới lán, em phải leo một đoạn đường đồi, ngày nắng thì không sao, ngày mưa ngoài việc đi lại khó khăn thì việc học cũng đôi lúc gián đoạn bởi sóng điện thoại yếu và chập chờn, mất kết nối.
Câu chuyện Quang Thế Hà vượt khó học tập được báo chí đưa tin nhanh chóng lan tỏa tới cộng đồng. Ngay lập tức Viettel Nghệ An đã tới tận nơi khảo sát. Với địa hình khó khăn cho việc phủ sóng: lọt giữa núi rừng, thấp hơn mặt đường như một thung lũng, lại chưa có điện lưới, Viettel quyết định lắp đặt thêm thiết bị phát sóng 4G trên tần số của mạng 2G. Và chỉ 2 ngày sau (16/4/2020), 4G Viettel đã được phủ tại bản Cướm, Hà và các bạn của mình không còn phải leo lên đồi tìm sóng nữa.
Không chỉ vậy, Hà còn được Viettel Nghệ An tặng sim 4G kèm theo gói cước data để em tiếp tục các chương trình học tập trực tuyến trong thời gian phải nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các bạn của Hà nếu gia đình đang dùng dịch vụ Viettel cũng được hưởng chính sách tặng 50% lưu lượng 3G/4G của các gói Internet di động hoặc nâng gấp đôi băng thông gói internet cáp quang mà không bị tăng giá. "Em có thể ngồi ngay tại nhà để học bài rất thuận lợi, hình ảnh không bị giật, điện thoại không bị ngắt kết nối giữa chừng như khi ở trên đồi”, Hà nói.
Câu chuyện phủ sóng 4G ở bản Cướm tình cờ diễn ra đúng vào dịp tròn 3 năm Viettel chính thức khai trương mạng di động thế hệ thứ 4, và càng ý nghĩa hơn khi Viettel vẫn hành động đúng như cam kết nhà mạng này gửi tới hàng chục triệu khách hàng của mình vào thời điểm khai trương dịch vụ 4G “Khi công nghệ tiến lên phía trước, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông điệp “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra như một minh chứng cho tinh thần quyết liệt chống dịch ở Việt Nam. Đây cũng được coi như lời hiệu triệu khơi dậy ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết.
Ở nơi tuyến đầu, hơn 3 tháng qua, cả hệ thống y tế luôn trong tình trạng căng mình phòng, chống dịch. Các y, bác sĩ - những chiến sĩ áo trắng gác lại cuộc sống thường nhật, tạm xa gia đình, người thân yêu để toàn tâm chống dịch. Những đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, có nhà không về, con nhỏ, cha già mẹ yếu không thể chăm sóc,… chung ý chí, trách nhiệm trong cuộc chiến đấu với “giặc Covid-19”.
Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ, cũng không thiếu những hình ảnh đẹp đẽ về lực lượng cán bộ, chiến sĩ, tình nguyện viên đã không ngại "ăn núi, ngủ rừng" đã được lan tỏa, làm lay động trái tim của hàng triệu người dân nước Việt. Họ xứng đáng được tôn vinh, biết ơn và tiếp thêm sức mạnh để gìn giữ thành quả chống dịch của cả nước.
Như một sự tri ân tới lực lượng tuyến đầu, Viettel gửi tặng các cán bộ y tế, đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, tình nguyện viên tại khu cách ly gói cước kiểu “Thạch Sanh” với 60GB lưu lượng/tháng (2GB data/ngày), miễn phí toàn bộ các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút và 50 phút gọi ngoại mạng/tháng. Gói ưu đãi áp dụng cho tới khi Việt Nam công bố hết dịch ít nhiều sẽ giúp họ quẳng đi nỗi lo mất kết nối trong thời gian căng mình chống dịch.
Ngay khi dịch bệnh xảy ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đã có định hướng về việc dùng các giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông giải quyết bài toán phòng chống dịch. Với vai trò là một trong những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu, Viettel đã là một thành viên trong ban chỉ đạo, đảm nhận vai trò tiên phong đưa ra các giải pháp công nghệ để hỗ trợ Ban Chỉ đạo quốc gia điều hành tốt nhất.
Thời điểm dịch bùng phát cũng là lúc Việt Nam chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Trong khi cả nước hồ hởi đón Tết, vui Xuân thì những người Viettel tạm gác lại nhu cầu cá nhân cùng cả nước bước vào cuộc chiến chống Covid-19. Hơn 100 kỹ sư Viettel đã làm việc không nghỉ, ngay trong Tết để hoàn thành khối lượng công việc đáng lẽ cần 1-2 tháng chỉ trong 1,5 ngày khi Ban chỉ đạo yêu cầu có một hệ thống cầu truyền hình kết nối Bộ Y tế đến các bệnh viện hỗ trợ công tác điều hành và hội chẩn. Cũng nhờ hệ thống này, đã giúp Ban chỉ đạo cũng như Bộ Y tế thực hiện hoạt động điều hành thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương ngay từ đầu.
Tiếp đến, khi đường dây nóng của Bộ Y tế quá tải, hệ thống mới ngay lập tức được Viettel triển khai chỉ trong 1 ngày với quy mô nhân sự gấp 20 lần hệ thống cũ, phục vụ miễn phí hàng triệu cuộc gọi của người dân muốn tìm hiểu thông tin về bệnh dịch qua tổng đài 19009095. 120 tổng đài viên được bố trí trực 24/7, ngoài giải đáp thông tin, họ cũng là cầu nối tích cực hỗ trợ người dân kết nối với các cơ quan y tế khi tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng.
Viettel cũng là đơn vị xây dựng, cải tiến hàng ngày App và website Sức khỏe Việt Nam. App và website Vietnam Health Declaration, hỗ trợ Khai báo y tế tại Hải quan 163 cửa khẩu và cảng hàng không; sân bay nội địa, tàu hỏa, xe khách, địa điểm lưu trú, nhà hàng…
Nếu tính riêng các con số hàng triệu phút gọi, hay hàng tỷ tin nhắn đang được Viettel cung cấp miễn phí để truyền thông về bệnh dịch, giá trị có thể tới nhiều tỷ đồng. Nhưng các con số đó không phản ánh giá trị nỗ lực của người Viettel trong trận chiến này. Thực tế chứng minh các giải pháp công nghệ và công tác thông tin tuyên truyền đóng góp tích cực vào hoạt động này.
Báo chí quốc tế cũng nhấn mạnh “bí quyết” giúp Việt Nam đạt thành công ban đầu trong việc làm chậm tốc độ lây lan của virus là truyền thông rõ ràng và minh bạch thông tin, với đánh giá chung rằng ở Việt Nam, “công nghệ cũng hỗ trợ đắc lực trong chống dịch”.
“Viettel đã gửi tổng cộng 18 nội dung tin nhắn tới hơn 70 triệu thuê bao toàn mạng, (tương đương 9 tỷ tin nhắn thông thường - là các mảnh tin nhắn mà hệ thống phải tách ra để tuyên truyền về dịch bệnh, nâng cao ý thức chống dịch của người dân)
Hàng triệu khách hàng của Viettel đã được tiếp cận cận Internet, các kênh thông tin chính thống và truyền thông xã hội để có những hữu hiệu thông tin về dịch bệnh và cách phòng tránh.
Đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới và tại Việt Nam, nỗ lực của cả Chính phủ và người dân đang được đẩy lên cao nhất để chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh.
Qua gian nan mới thấy, trong cuộc chiến chống lại Covid-19, tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” đã được lan toả mạnh mẽ, bởi nó phù hợp với truyền thống ngàn đời của người dân Việt Nam. Cũng chính tinh thần này đã gắn kết toàn dân, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Thúy Ngà
Thiết kế: Tú Uyên