Ngày ấy, ở quê tôi, gia đình nào cũng khó khăn. Người lớn suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quần quật quanh năm mà chẳng đủ ăn. Đối với lũ trẻ con chúng tôi, Tết tuyệt vời lắm. Vì chỉ đến Tết chị em tôi mới được về chợ Đông Ba (Thừa Thiên Huế) mua áo quần mới.

Cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về câu nói của mạ: “Ngoan đi. Vài ba bữa nữa mạ cho về chợ Đông Ba mua áo quần”. Với chúng tôi thời ấy, lời hứa của mạ khiến chúng tôi mừng rỡ, háo hức bao ngày. Thậm chí nó vào cả giấc mơ của tôi.

Chúng tôi vừa cố gắng “ngoan” theo lời của mạ, vừa ngóng trông, đếm từng ngày chờ đi chợ Đông Ba. Chờ đợi chưa đầy một tháng mà tôi cứ ngỡ như mấy năm.

Rồi ngày ấy cũng đến. Ba chở tôi. Mạ chở em trai. Trên hai chiếc xe đạp cũ, gia đình tôi vô phố, đi chợ Đông Ba. Từ chỗ tôi vô phố khá xa. Nhìn đường đi tôi thấy cái chi cũng lạ nên thỉnh thoảng lại trố mắt nhìn, lại ồ lên hoặc chỉ tay vào cái nọ cái kia. 

Những đứa trẻ rất háo hức đi chợ Tết cùng mẹ. (Ảnh minh họa: Pexels).

Tôi thường lấy cột cờ Phu Văn Lâu làm mốc. Hễ ba mạ đạp xe ngang qua, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cao là tôi biết sắp đến chợ rồi. Thế là lòng lại càng nôn nao. Tim lại càng đập rộn ràng trong lồng ngực. 

Chợ mùa Tết chật ních người. Tấp nập kẻ bán người mua. Khi vừa đến chợ mạ cứ luôn miệng nhắc ba trông chừng chúng tôi kẻo lạc. 

Trước tiên, mạ kéo cả nhà đến hàng bánh kẹo, hạt dưa. Trong lúc mạ hỏi giá thì chị em tôi đã có một vốc bánh kẹo ú ụ do người bán dúi vào tay để giới thiệu sản phẩm. Mạ đi qua mấy hàng là chúng tôi lại có thêm bánh kẹo. Tôi và em trai thích lắm. Cứ muốn mạ đi thật lâu, qua thật nhiều hàng quán. Nhưng ước mơ trẻ con của tôi nhanh chóng bị dập tắt khi mạ quyết định mua và trả tiền. 

Mua xong bánh mứt, cả gia đình tôi len qua đám đông để leo lên lầu Chuông.

Với chị em tôi ngày ấy, lầu Chuông chẳng khác gì “xứ sở thần tiên”. Bởi ở nơi này có biết bao nhiêu quần áo đẹp. Và chúng tôi chỉ được đến đây mỗi năm một lần vào dịp giáp Tết. 

Ba mạ sắm cho chị em tôi mỗi đứa một bộ quần tây áo trắng. Dù cái áo có hơi rộng, cái quần có hơi dài để mặc được lâu nhưng chúng tôi cũng chẳng hề thất vọng. Với chúng tôi, có áo quần mới là đủ hạnh phúc rồi.

Mua áo quần xong, nếu còn dư chút tiền mạ sẽ mua thêm cho chị em tôi đôi giày. Thế là chúng tôi đã có thể vênh mặt với lũ bạn trong xóm.

Mua xong, dù không nỡ nhưng chị em tôi vẫn phải tạm biệt chợ Đông Ba khi mạ cầm tay kéo đi. Có lẽ vì chúng tôi cứ ngoái đầu nhìn mãi, mạ thấy tội nên dỗ: “Về thôi mấy đứa. Năm sau mạ lại cho đi chợ Đông Ba”. Ba thì cười cười chọc: “Cho hai đứa ở lại đây luôn hí. Nhìn chi mà nhìn dữ rứa?”. Nghe thế, sợ bị ba mạ bỏ lại tôi đành nhanh chân bước đi. Thế là, cả nhà lại một lần nữa len qua đám đông để rời chợ.

Ra khỏi chợ, nỗi buồn và sự tiếc nuối cũng chóng tan khi chị em tôi được mạ phát cho hai đứa hai bộ quần áo. Ngồi sau xe, chúng tôi tha hồ hít hà mùi áo mới. Tha hồ nhìn ngắm phố phường. Tha hồ tưởng tượng cảnh tụi bạn thèm thuồng nhìn cái áo trắng tinh, cái quần tây mới cứng của chúng tôi.

Đêm đó, tôi cứ mở tủ nhìn mãi bộ áo quần mới. Lại ngóng, lại chờ đến Tết để được mặc đồ mới đi khắp xóm khoe.

Ngoài bộ quần áo mới, Tết còn đem đến cho chúng tôi bao nhiêu là mứt bánh. Những món mứt ấy thường ngày chúng tôi chẳng bao giờ được nhìn thấy. Thế là tạm biệt những trái xoài non, những trái ổi chát, những trái vả ăn vào nghẹn ứ ở cổ, chúng tôi sung sướng, hạnh phúc khi nhai những sợi mứt dừa giòn rụm, ngọt thơm. Hít hà khi cắn phải một miếng mứt làm từ gừng già. Vừa nhai vừa lim dim hưởng thụ vị ngọt bùi của mứt khoai, mứt bí…

Cũng chỉ đến Tết, lũ trẻ quê chúng tôi mới được thấy hạt dưa, hạt hướng dương. Những thứ hạt ấy có sức hấp dẫn đến lạ kì. Cả ba ngày Tết tôi và lũ bạn cứ cắn tí tách suốt ngày. Phải đến khi đầu lưỡi sưng, cổ họng rát mới đành tiếc nuối đem chỗ hạt gom được cất lại vào túi.

Tết còn cho chúng tôi những bao lì xì. Dường như đứa trẻ nào thời ấy cũng mê lì xì. Số tiền lì xì lúc đó không nhiều nhưng được chúng tôi nâng niu như báu vật. 

Sau này, tôi tình cờ tìm thấy một tờ tiền lì xì mệnh giá năm trăm đồng xếp thành hình trái tim với dòng chữ: “Chúc bạn luôn vui vẻ. Kí tên: Mèo”. Tôi đã ngồi nhìn tờ tiền ấy thật lâu. Rưng rưng nghĩ về cô bạn đã tha hương. 

Hoàng Phước

Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn