Tờ mờ sáng 1/6/2022, Alex Karp, CEO công ty phân tích dữ liệu Palantir Technologies, cùng 5 đồng nghiệp vượt qua biên giới Ba Lan sang Ukraine. Hai chiếc Toyota Land Cruisers cũ và những bảo vệ có vũ trang đã đợi sẵn. Đoàn xe lao nhanh trên cao tốc trống trải hướng về phía Kiev, vượt qua những toà nhà đổ nát vì bom, những cây cầu bị đạn pháo vùi dập, và những chiếc xe tải cháy còn trơ khung.

Họ đến thủ đô Kiev trước giờ giới nghiêm. Ngày hôm sau, Karp được hộ tống vào hầm kiên cố trong dinh tổng thống, trở thành lãnh đạo đầu tiên của một công ty công nghệ phương Tây gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ba tháng trước đó.

Sau một ngụm cà phê espresso, Karp nói với Zelensky, Palantir sẵn sàng mở văn phòng ở Kiev và triển khai hệ thống dữ liệu cùng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. Karp tin rằng họ có thể hợp tác “theo những cách cho phép David đánh bại Goliath”, và tất nhiên, mọi dịch vụ và công cụ đều miễn phí.

Palantir là kỳ lân công nghệ bí mật lớn nhất trong ngành. Startup này được hậu thuẫn bởi cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), là nhà cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ, Cục điều tra liên bang (FBI), Lầu Năm Góc và một loạt cơ quan tình báo nước ngoài.

Jacob Helberg, một chuyên gia an ninh quốc gia và là cố vấn chính sách đối ngoại của Karp, cho biết: “Họ (Palantir) là nhà buôn vũ khí AI của thế kỷ 21”. Với cuộc xung đột Nga - Ukraine, Karp nói rằng đây là cơ hội để hoàn thành sứ mệnh “bảo vệ phương Tây” và “khiến kẻ thù sợ hãi”.

18 tháng kể từ cuộc gặp đầu tiên, Palantir đã trở thành một phần trong công việc hằng ngày của chính phủ thời chiến theo một cách chưa từng có. Gần nửa tá cơ quan, bộ ban ngành gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Kinh tế, Bộ Giáo dục của Ukraine đang sử dụng sản phẩm do startup này cung cấp. Nhân viên công ty cũng làm quen với những chuyến công tác thường xuyên tới quốc gia này. Tại đây, Palantir thiết lập các nhóm kỹ sư người bản địa, làm việc và báo cáo trực tiếp lên chỉ huy phía Ukraine.

Các quan chức chính phủ đã được đào tạo để sử dụng công cụ Palantir có tên MetaConstellation, sử dụng dữ liệu thương mại, bao gồm cả hình ảnh vệ tinh, để đưa ra “bức tranh” gần như thời gian thực về một không gian chiến đấu nhất định.

Phần mềm tích hợp thông tin đó với dữ liệu thương mại và dữ liệu mật của chính phủ, bao gồm cả dữ liệu từ đồng minh, cho phép các quan chức quân sự cung cấp vị trí của đối phương tới chỉ huy mặt đất hoặc quyết định tấn công mục tiêu. 

Theo Karp, “hầu hết mọi mục tiêu tại Ukraine đều do máy tính cung cấp”, tạo thành “chuỗi tiêu diệt” kỹ thuật số. Ngoài ra, máy móc còn có khả năng học và tự cải thiện sau mỗi phát bắn.

Không chỉ dùng cho hoạt động tình báo, công cụ phân tích dữ liệu còn được sử dụng để thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh, rà phá bom mìn, tái định cư người tị nạn và chống tham nhũng. 

Palantir không phải là công ty công nghệ duy nhất xuất hiện trong cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng tại châu Âu. Microsoft, Amazon, Google và Starlink đã hỗ trợ bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công mạng, di chuyển dữ liệu quan trọng lên đám mây và duy trì kết nối Internet tại vùng chiến sự.

Clearview AI, công nghệ nhận dạng khuôn mặt gây tranh cãi tại Mỹ, được Kiev sử dụng để nhận dạng hơn 230.000 binh lính Nga và những người Ukraine cộng tác với họ.

Các công ty công nghệ nhỏ hơn, phần lớn tập trung vào drone, cũng thành lập văn phòng ở Ukraine, biến thủ đô Kiev của nước này trở thành “thung lũng công nghệ quân sự”.

Sự hợp tác hiện nay giữa các công ty công nghệ nước ngoài và lực lượng vũ trang Ukraine, đang thúc đẩy hàng loạt thử nghiệm mới về AI quân sự. Thậm chí, mỗi tiểu đoàn đều có một kỹ sư phần mềm. Kết quả dẫn tới “sự thay đổi quan trọng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử về tính chất của xung đột đang diễn ra”, theo tướng Mark Milley, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.

Cả Kiev và các đối tác công nghệ đều tin rằng, họ đang tham gia một cuộc chơi lâu dài, khi biến chiến trường hiện tại thành nơi thử nghiệm cho chiến tranh tương lai.

Mikhailo Fedorov, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi kỹ thuật số nói Ukraine “là phòng nghiên cứu tốt nhất cho tất cả các công nghệ mới nhất bởi vì ở đây bạn có thể thử nghiệm chúng trong điều kiện thực tế”. Đây cũng chính là yếu tố mà các công ty công nghệ như Palantir khó có thể thực hiện khi ở trong nước.

“Mọi người thường có định kiến về Palantir, nhưng thực tế cho thấy sản phẩm của chúng tôi hoạt động hiệu quả”, Phó Chủ tịch Josh Harris nói. “Để công nghệ phát huy tác dụng, bạn cần cởi bỏ tấm màn che mắt, chẳng hạn như các vấn đề chính trị”.

Nếu coi chiến tranh tương lai đang được thử nghiệm trên thực địa ở Ukraine thì kết quả của nó sẽ có hàm ý đến toàn cầu. Khi xung đột xảy ra với sự tham gia nhiều hơn của phần mềm và AI, những quyết định quân sự có thể được chuyển giao cho các thuật toán thuộc sở hữu của những công ty tư nhân - các thực thể thường sẵn sàng đánh đổi.

Giới phân tích an ninh nhận định, công cụ mới hoàn toàn có nguy cơ rơi vào tay đối thủ. “Cuộc chạy đua vũ trang sẽ ngày càng điên cuồng”, Rita Konaev thuộc Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của Đại học Georgetown nói. “Các công ty đang hoạt động tại Ukraine đều nói rằng họ cam kết với mục tiêu an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai hoặc thời điểm họ thay đổi?”

Thiết kế: Trần Thu Hằng