Đặng Khánh Linh trú tại phường Tân Dân, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) năm nay 12 tuổi. Nhưng cơ thể bé chỉ như đứa trẻ lên 7 vì bị bệnh lupus ban đỏ.

Linh mang bệnh từ khi lọt lòng, lên 6 tuổi em lại thành trẻ mồ côi khi mẹ mắc bệnh qua đời. Bố một mình làm công nhân nuôi Linh và gia đình nhỏ.

Bệnh tật, gia cảnh côi cút, Linh trở nên tự ti và ngại tiếp xúc với người ngoài.

Thấu hiểu những khát vọng có được tình yêu thương của người mẹ, lãnh đạo Công an thị xã Kinh Môn đã cử cán bộ địa bàn phối hợp với phụ nữ thị xã làm bố mẹ đỡ đầu để giúp bé vơi đi khó khăn, thiệt thòi.

“Ngày mới nhận làm cha đỡ đầu cho con, tôi thấy Linh rất nhút nhát. Tôi bàn với chị Nguyễn Thị Thanh (cán bộ Hội Phụ nữ phường Tân Dân ) - là mẹ đỡ đầu của con thay nhau tới nhà để gần gũi, chia sẻ nhiều hơn với con. Dần dần, con nhận ra, ngoài bố và ông bà còn có thêm mẹ, thêm người bố nữa là chỗ dựa”, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Trưởng Công an phường Tân Dân chia sẻ.

Khánh Linh như được tiếp thêm động lực, lấy lại sự tự tin để chống chọi với căn bệnh quái ác đã đeo bám suốt tuổi thơ.

Một buổi chiều cuối tuần, vừa đi học về, thấy bố Việt, mẹ Thanh cùng tới thăm, Linh reo lên, chạy vào lấy bài kiểm tra vừa được cô giáo cho điểm cao ra khoe.

Linh kể: “Mẹ cháu mất nhiều năm nay rồi, cháu lúc nào cũng nhớ và thèm khát được có mẹ. Từ ngày có mẹ Thanh, cháu thấy đỡ tủi thân. Bố Việt thì dặn đi học ngoan, nếu bị kẻ xấu bắt nạt, cứ nói rõ 'bố tớ là công an đấy'”.

Nói đến đây Linh khẽ cười, vuốt ve cầu vai trên áo của anh Việt như ngầm chứng tỏ với mọi người về sự tự hào, về cảm giác che chở mạnh mẽ mà người bố mang lại.

Thiếu tá Việt tâm sự: “Con bé mơ ước lớn lên làm cô giáo nên kết quả học tập rất tốt. Hiện cháu là học sinh giỏi văn của trường. Con gái có nghị lực như vậy, tôi cũng rất tự hào. Những khi thấy con đẻ của mình được có cả bố lẫn mẹ chăm sóc, lo toan, trong lòng tôi lại thấy thương Linh vô cùng.

Dẫu công tác nghiệp vụ bận rộn, nhưng tôi vẫn luôn để mắt đến con bé, bằng cách thường xuyên liên lạc với bố đẻ của cháu và nhà trường. Số tiền hàng tháng chúng tôi trích lương hỗ trợ chỉ đủ giúp cháu đóng tiền học, mua sách vở, quần áo... nhưng tình cảm và kỳ vọng của chúng tôi dành cho cháu thì rất nhiều”.

Vũ Hữu Anh Tuấn, 9 tuổi, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Minh Hoà, thị xã Kinh Môn cũng là cậu bé thiệt thòi vì sớm mất mẹ. Tuấn ở với bà ngoại và bố.

Ở lứa tuổi đang lớn nhưng thiếu đi sự sát sao, chu toàn của người mẹ, Tuấn đã có những lúc mải thơi, theo bạn bè khiến bà ngoại buồn lòng.

Bà Hoàng Thị Tèo (66 tuổi, bà ngoại Tuấn) kể: “Mẹ Tuấn là con gái duy nhất của tôi. Khi thằng bé lên 4 thì con gái tôi mất sau 1 vụ tai nạn giao thông. Từ đó đến nay, tôi một tay bồng bế, chăm bẵm 2 anh em nó. Tôi vừa làm bà, vừa làm mẹ. Bố Tuấn thì đi làm để lo kinh tế cho bọn nhỏ được đến trường. Điều làm tôi lo lắng nhất là cháu không có sự kèm cặp chặt chẽ, dạy dỗ nghiêm khắc sẽ dễ theo kẻ xấu mà hư hỏng. Đến lúc đó thì áy náy với vong linh của mẹ cháu lắm”.

Hiểu được tâm tư đó, Thiếu tá Lục Thị Như Trang, Trưởng Công an xã Minh Hoà cùng một cán bộ phụ nữ ở địa bàn đã nhận làm mẹ đỡ đầu cho Tuấn.

Chia sẻ về trường hợp này, Trung tá Lương Thị Miền, Chủ tịch Hội phụ nữ, Công an thị xã Kinh Môn cho biết: “Tuấn là đứa trẻ cá tính. Từ khi có các mẹ đỡ đầu, lại được bà và bố quan tâm nhiều hơn, cháu đã trở thành đứa bé hiểu chuyện. Thiếu tá Trang là nữ cán bộ trách nhiệm nên đã kèm cặp, dạy bảo con rất chu đáo. Có lúc mẹ Trang cũng dùng cả kỷ luật để nghiêm khắc với con, tránh bị bạn bè xấu lôi kéo”.

Trong vô vàn những âu lo về cuộc sống cơm áo gạo tiền, thấy hình ảnh ấy, bà ngoại Tuấn, bố Tuấn và hàng xóm xung quanh đều cảm thấy ấm lòng. Con trẻ có thêm mẹ, phần nào bù đắp lại những thiếu thốn tình cảm.

Lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương đón và tặng quà cho các con đỡ đầu ngày 1/6/2022 

Chia sẻ với VietNamNet, Trung tá Nguyễn Thị Linh Chi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh Hải Dương tâm sự: “Từ phát động của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về hoạt động “Mẹ đỡ đầu”, Công an tỉnh đã phổ biến đến toàn lực lượng.

Lĩnh hội sự chỉ đạo của cấp trên, Hội Phụ nữ Công an thị xã Kinh Môn đã vận dụng linh động chủ trương phù hợp với thực tiễn. Vì đa số công an phường, xã là cán bộ nam nên từ tháng 9/2022, lãnh đạo Công an thị xã đã thực hiện chương trình “Bố, mẹ đỡ đầu”.

Đến nay, Công an thị xã đã nhận đỡ đầu cho 25 cháu mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các chiến sỹ đã dành dụm tiền lương, vận động thêm các nhà hảo tâm để chu cấp đều đặn 500 nghìn đồng/tháng cho mỗi cháu, kéo dài 5 năm hoặc cho tới khi các con đủ 18 tuổi.

Việc làm này của Công an thị xã Kinh Môn được lãnh đạo Bộ Công an khen ngợi và tuyên dương trước toàn ngành. Hiện, Hội Phụ nữ Công an tỉnh cũng đã nâng số trẻ được nhận nuôi lên 34 cháu, chu cấp hơn 1 tỷ đồng tiền nuôi dưỡng hàng năm.

Theo Trung tá Linh Chi, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có chỉ đạo: Đóng quân ở đâu, nhận hỗ trợ nuôi trẻ mồ côi ở đó. Các hoạt động đỡ đầu cho trẻ tập trung vào việc thường xuyên thăm nom, tặng quà, chuyển tiền hỗ trợ hàng kỳ, chăm sóc, động viên tinh thần, tình cảm của trẻ, hướng dẫn, kèm cặp trẻ học tập tại nhà.

Niềm vui của trẻ khi được bố mẹ đỡ đầu mua tặng xe đạp mới nhân dịp khai giảng

Ngoài ra, cán bộ chiến sỹ hướng dẫn, giúp trẻ làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân; hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày, chi phí học tập, sinh hoạt, khám chữa bệnh…

Từ sự ghi nhận và ngày càng có nhiều quần chúng giúp sức, ngày 17/9 mới đây, Công an thị xã Kinh Môn đã cho ra đời mô hình “Bàn tay chiến sỹ, ươm mầm tương lai” dựa trên hiệu quả của chương trình trên, với nhiều hành động đa dạng hơn, lan toả lòng nhân ái vì cộng đồng đến từng người dân...

Đây là những câu chuyện phản ánh đời thực, thấm đẫm nhân văn, góp phần tô thắm thêm màu áo của công an nhân dân nơi địa bàn công tác.

Thiết kế: Minh Hoà