Xem video:

 

Đặng Quang Hưng là một trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử là Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Các gương mặt được lựa chọn đều có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, từng xuất hiện trên báo VietNamNet. Thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2020. Độc giả bình chọn TẠI ĐÂY.
{keywords}

Chiếc tàu khai thác dầu nằm cách đất liền 92 hải lý có 90 thành viên. Chủ yếu là các kỹ sư. Trên tàu không có mạng internet, chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại. Muốn gọi điện về nhà, các thành viên phải xếp hàng lần lượt. Nơi 90 con người sống và làm việc, bốn bề chỉ là nước với những đường chân trời sâu hút, những bình minh hay hoàng hôn đẹp đến tan chảy. Và ... sự cô đơn.

Bốn năm trên tàu dầu là một trải nghiệm không thể quên với anh Đặng Quang Hưng - kỹ sự tự động hóa tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Dù đã rời tàu được hơn 3 năm, nhưng hàng đêm, anh Hưng vẫn giật mình tỉnh giấc bởi xung quanh quá yên tĩnh. Anh đã quá quen với những giấc ngủ trong tiếng máy ồn ào. Trên tàu, máy chạy 24/24. Nếu không nghe thấy tiếng ầm ầm vang vọng thì tức là máy gặp sự cố, các kỹ sư sẽ lại phải gấp rút tìm cách xử lý. Dần dần, những khoảnh khắc tĩnh lặng lại trở thành nỗi ám ảnh vô thức trong tâm trí.

{keywords}

Trong những ngày tháng đầy thử thách đó, có một thứ đã thu hút sự chú ý của anh Hưng. Đó là hệ thống lọc nước trên tàu. Hệ thống lọc trực tiếp nước biển thành nước ngọt, cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ đoàn.

Ở vị trí cách xa đất liền như vậy, nước sinh hoạt thật sự rất quý giá. Vì thế, chiếc máy trở thành nguồn sống giá trị nhất.

Cũng chính từ lúc đó, một sự tò mò, thích thú đã được gieo vào lòng người kỹ sư tự động hóa. Thời gian rảnh, anh tự nghiên cứu, mày mò về các công nghệ và nguyên lý hoạt động của hệ thống lọc nước. Anh cũng nghiền ngẫm thêm về các hệ thống khác trên thế giới. Cứ thế, từng đêm, khi một mình ngồi trên đầu tàu lộng gió, anh Hưng lại ấp ủ một ước mơ...

{keywords}

Rời khỏi ngành dầu khí - môi trường là ước mơ của nhiều người, anh Hưng tự lập một nhóm nghiên cứu xây dựng các dự án về hệ thống lọc nước. Một dự án mà anh Hưng gọi là 3 không: Không tiền - không quan hệ - không công nghệ.

Phải mất đến hơn 2 năm, mọi thứ mới dần ổn định. Hiện anh đã phát triển được 22 hệ thống lọc nước, phục vụ các nhu cầu và bối cảnh khác nhau. Thế nhưng trong anh vẫn có một niềm trăn trở, khi thấy mình vẫn chưa tận dụng được niềm đam mê này, kiến thức và khả năng này, để giúp đỡ được cho nhiều người khác.

Năm 2020, miền Trung phải hứng chịu những đợt bão lũ liên tiếp, lập nên những kỉ lục về mức ngập và gây thiệt hại nặng nề.

Nhìn những hình ảnh về miền Trung được cập nhật trên báo chí, truyền thông, anh Hưng cảm thấy một nỗi xót xa và sốt ruột, bứt rứt khi thấy mình chưa làm được gì để giúp được người dân miền lũ.

Một lần tình cờ nhìn thấy hình ảnh chiếc xe từ thiện 3,5 tấn chỉ để chở nước đóng chai vào cứu trợ cho người dân, một ý tưởng lóe lên trong anh. “À, sao mình không tận dụng thứ mình giỏi, thứ mình đã có sẵn? Vận chuyển nước đóng chai hiệu quả không cao lại có nhiều bất cập, tiêu thụ chai nhựa cũng không tốt cho môi trường. Tại sao mình không chế tạo một máy lọc nước có thể lọc nước sạch từ chính dòng nước lũ?”.

{keywords}

Nghĩ là làm, anh Hưng cùng các kỹ sư bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo máy lọc nước dã chiến.

Có rất nhiều bài toán khó được đặt ra. Đầu tiên là chiếc máy phải nhỏ gọn và tháo lắp cơ động để có thể đặt trên xe bán tải hoặc thuyền hơi, trên những địa hình không bằng phẳng. Có như vậy mới có thể tiếp cận được với những vùng ngập sâu. Thứ hai là máy phải có công suất lớn.

Chiếc máy dã chiến của anh Hưng có thể cung cấp cùng lúc hai loại nước là nước sinh hoạt - với 3000 lít/h và nước uống - với 500 lít/h, đạt chất lượng kiểm định của Bộ Y Tế. Cuối cùng là máy chỉ sử dụng xăng để vận hành, không cần dùng đến điện nên rất phù hợp với quá trình đi cứu trợ.

Đoàn tình nguyện của anh Hưng có 7 người. Trong số đó có 1 người là thành viên của Câu lạc bộ Thuyền hơi Phía Bắc đã có nhiều kinh nghiệm đi cứu trợ - anh Đậu Quốc Quân.

Anh Quân làm nhiệm vụ hoa tiêu dẫn đường, xác định những vùng ngập sâu thiếu nước sạch cần cứu trợ để cả đoàn có thể đến đúng nơi cần. Ba kỹ sư có chuyên môn về cơ khí, công nghệ và 2 người làm nhiệm vụ tiếp dẫn, hỗ trợ bà con lấy nước.

Số tiền 80 triệu có được để chế tạo máy lọc nước cũng là nhờ sự đóng góp của các thành viên. “Chúng mình chẳng tính toán gì cả, cứ có tiền là góp vào với nhau, chẳng để ý ai góp bao nhiêu, tất cả chỉ mong máy nhanh hoàn thành để lên đường” - anh Hưng chia sẻ.

Trong đoàn, có những người đã từng tham gia các chuyến cứu hộ trước đây, có người chưa bao giờ. Nhưng dù là đã từng đi thì bức tranh lũ lụt năm 2020 vẫn thật kinh hoàng, đau xót và ám ảnh. Đó là những khung cảnh tan hoang họ đi qua, những giọt nước mắt nghẹn ngào của người dân khi nói về những gì đã mất, những gương mặt ngơ ngác chơ vơ của lũ trẻ, những xác động vật chết hòa với rác thải, đồ đạc trôi trong dòng nước đục ngầu và bốc mùi hôi thối…

Có nhiều người dân trong những ngày chưa có đoàn cứu hộ đến đã phải dùng vải, dùng cát để lọc tạm dòng nước lũ - thứ nước duy nhất có xung quanh họ - để sử dụng. Nhưng làm sao có thể sạch, làm sao có thể hết được những chất bẩn và mùi tanh lạnh người trong nước ấy? Vậy mà họ vẫn phải dùng. Vì họ không có sự lựa chọn nào khác để duy trì cuộc sống trong lúc chờ sự cứu trợ của chính quyền.

Chiếc máy lọc nước đã đi sâu vào rất nhiều thôn, xã của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế.

Cứ đến giữa thôn là cả nhóm lại hô “Nước sạch đây, bà con ra lấy nước sạch”. Người nọ rủ người kia, nhà nọ gọi nhà kia, chỉ một chốc là mọi người đã ùa ra, mang theo thùng, xô chậu, xoong nồi… tất cả những gì có thể đựng được nước, để hứng lấy từng dòng nước.

Những đứa trẻ cũng nô nức chạy ra xem, tò mò về thứ chúng chưa bao giờ nhìn thấy. Những tiếng cười giòn tan và những tia lấp lánh trong ánh mắt của mọi người bỗng trở lại sau những ngày giông tố.

Không biết là dòng nước sạch, hay là hơi ấm của tình người, của sự quan tâm chia sẻ, đã mang lại hi vọng và truyền động lực cố gắng cho người dân. Chỉ biết rằng, trong lòng nhóm từ thiện của anh Hưng, mọi vất vả bỗng trở nên nhẹ bẫng bởi những lời cảm ơn và những cái nắm tay thật chặt...

{keywords}

Trở về sau chuyến đi từ thiện, trong anh Hưng vẫn có những cảm xúc lẫn lộn. Anh vẫn suy nghĩ về những gia đình mà cả nhóm vô tình gặp được, khi trong nhà chỉ có người già với trẻ nhỏ hoặc người bị bệnh - những gia đình không có khả năng đi ra ngoài nhận đồ cứu trợ. Những trường hợp như thế, sẽ rất khó để các đoàn từ thiện tiếp cận được. Nhưng anh cũng thấy thật may mắn, khi ở nhiều nơi nhóm đi qua, có các bác trưởng thôn hỗ trợ rất nhiệt tình. Họ chỉ cho anh những nhà khó khăn nhất, những người yếu đuối không có khả năng đi nhận đồ.

Dù đều phải đối diện với hậu quả của thiên tai, nhưng người dân miền Trung vẫn cố gắng để giúp đỡ nhau như vậy.

{keywords}

Chiếc máy lọc nước sau khi đi một vòng hành trình, đã được tặng lại cho trường Dân tộc nội trú Hoa Tiến- Quảng Bình. Cuộc sống của anh Hưng và cả nhóm lại trở về với guồng quay cũ. Thế nhưng chuyến đi ấy đã tạo cho anh Hưng rất nhiều động lực và cảm hứng để anh tiếp tục cố gắng nghiên cứu dự án hệ thống cứu hạn mặn mà anh đang ấp ủ.

Trong những hành trình của anh Hưng trước đây, luôn thấp thoáng một sự cô đơn. Nỗi cô đơn nhớ nhà trên tàu dầu lênh đênh vạn dặm, nỗi cô đơn khi từ bỏ công việc ổn định để gồng gánh ước mơ “khởi nghiệp” từ nước… Thế nhưng dần dần, sự tử tế và nỗ lực đã không phụ lòng anh. Những hoài nghi về con đường mình đi đã tan biến, khi anh nhận được sự ủng hộ, quan tâm rất lớn từ cộng đồng.

Dù có thể phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng chuyến đi từ thiện miền Trung đã tạo cho anh Hưng một niềm tin rằng, những điều tốt đẹp sẽ vẫn luôn hiện hữu, luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ và sẽ luôn được đền đáp, miễn rằng chúng ta dám ươm mầm, kiên trì, nỗ lực, bền bỉ và lạc quan. Giống như những mầm cây vươn mình sau mưa bão, trổ hoa và gửi hạt vào gió, để gió đưa đến những mảnh đất xa…

Và những mầm cây mới sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình của những điều tử tế tốt đẹp như thế..

{keywords}

Truyền Hình VietNamNet

VietNamNet khởi động bình chọn “Nhân vật truyền cảm hứng 2020”

VietNamNet khởi động bình chọn “Nhân vật truyền cảm hứng 2020”

14 nhân vật được chọn trong danh sách đề cử “Nhân vật truyền cảm hứng 2020” xuất hiện trên VietNamNet, có đóng góp thiết thực, đôi khi là quyết sách táo bạo. Mời độc giả bình chọn tại đây.