Những ngày mưa lũ kinh hoàng nhất lịch sử ở các tỉnh miền núi phía Bắc 

Cùng một thời điểm, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên và nhiều tỉnh miền núi lẫn đồng bằng phía Bắc phải hứng chịu hậu quả vô cùng nặng nề do hoàn lưu bão số 3 gây ra.

------

CAO BẰNG

Tỉnh Cao Bằng là một trong những địa phương đầu tiên ở miền núi phía Bắc hứng chịu thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 kết hợp mưa lớn gây ra ngập lụt trên diện rộng. Rốn ngập của thành phố Cao Bằng tại phường Hợp Giang và khu vực lân cận. Ngay từ 1h ngày 9/9, mực nước sông Hiến chảy qua địa phận TP Cao Bằng dâng cao khiến hơn 800 hộ bị ảnh hưởng, nhiều hộ bị cô lập. 

Vào lúc 5h45 ngày 9/9, tại km180+680 quốc lộ 34 thuộc địa phận xã Ca Thành (huyện Nguyên Bình) xảy ra vụ sạt lở ta luy dương làm 1 ô tô khách biển số 11B-002.11 và 2 ô tô con biển số 11A-097.22, 11A-121.31 và một số xe máy bị vùi lấp và cuốn trôi. Vụ sạt lở đã làm hơn 30 người chết và mất tích, trong đó có 2 cán bộ Công an tỉnh Cao Bằng.

Ngoài ra, một vụ sạt lở khác xảy ra tại xóm Lũng Súng (xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình) đã làm vùi lấp 5 ngôi nhà và 11 nhân khẩu. Đến ngày 9/9, lực lượng chức năng đã tìm thấy 7 thi thể, vẫn còn 4 người mất tích. Ảnh: A Cương

Tính đến ngày 9/9, mưa lũ khiến 391 ngôi nhà ở tỉnh này bị thiệt hại (trong đó, 12 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 11 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất); 326 bị ngập nước (308 nhà tại thành phố Cao Bằng; 13 nhà tại huyện Nguyên Bình; 5 nhà tại huyện Bảo Lạc); 42 nhà bị tốc mái. Ngoài ra có 93,75ha đất nông nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng. Ảnh: A Cương

Sáng 12/9, trực thăng của Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không- Không quân) bắt đầu làm nhiệm vụ bay tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và chở hàng viện trợ đến tâm lũ tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đình Hiếu

------

PHÚ THỌ

Khoảng 10h02 ngày 9/9, cầu Phong Châu tại km18+300 quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Tại thời điểm sau xảy ra sự cố, các lực lượng chức năng đã cứu, đưa 3 người bị thương tới cơ sở y tế. Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đình Hiếu

Ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng tại xã Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa) là 28,69m, trên mức báo động 3 là 2,69m, vượt đỉnh lũ lịch sử vào năm 1971. Nhiều hộ dân tại 2 huyện Cẩm Khê và Hạ Hòa (Phú Thọ) bị ngập sâu. Hình ảnh tại khu vực gần cầu Hạ Hòa, các ngôi nhà đã chìm trong biển nước. Nhiều gia đình buộc phải sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: Đức Hoàng

------

LÀO CAI

Lào Cai là địa phương ghi nhận thiệt hại lớn trên diện rộng. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tình hình lũ lụt đã ảnh hưởng tới 6 huyện và thành phố trong toàn tỉnh, gây ra tổn thất nặng nề cả về con người và tài sản.

Nghiêm trọng nhất là vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai), nơi có 37 hộ với 158 nhân khẩu. Ảnh: Thạch Thảo

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cùng chó nghiệp vụ tiếp cận hiện trường vụ lũ quét để tìm kiếm người mất tích đã hai ngày qua. Ảnh: Thạch Thảo

Tính đến sáng 12/9 có hơn 110 người thiệt mạng và mất tích. Trong ảnh, cùng với nhiều người nhà các nạn nhân khác, bà Long Thị Hến (ảnh trái) khóc thương khi chưa tìm thấy con gái mình.  Ảnh: Thạch Thảo

------

YÊN BÁI

Mực nước sông Hồng chảy qua địa phận TP Yên Bái dâng cao với đỉnh lũ vượt mức lũ lịch sử năm 1968. Từ ngày 9/9, khu vực các phường Đồng Tâm, Nguyễn Thái Học, Hồng Hà bị ngập sâu, nhiều nhà bị nước dâng tới nóc. Lực lượng chức năng đã phải sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến vị trí an toàn. Ảnh: Đức Hoàng

Sau 3 ngày sống trong cảnh ngập lụt nghiêm trọng, từ tối 10/9, nước lũ bắt đầu rút dần và hạ nhanh từ rạng sáng hôm sau.

Đến 11h trưa 11/9, nước lũ đã rút hoàn toàn khỏi nhiều khu vực, người dân Yên Bái bắt đầu dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa để từng bước quay trở lại nhịp sống bình thường. Ảnh: Lê Anh Dũng

------

THÁI NGUYÊN

Do mực nước sông Cầu liên tục dâng cao nên nhiều xã, phường trên địa bàn TP Thái Nguyên đã bị ngập lụt từ đêm 8/9. Tính đến 7h ngày 9/9, TP Thái Nguyên có 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập. Ảnh: Bảo Khánh

Nước lũ bao vây chung cư Tiến Bộ ở TP Thái Nguyên. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ban quản lý chung cư đã cắt điện toàn bộ tòa nhà, đồng thời cùng với lực lượng chức năng hỗ trợ di dời 50 hộ dân đến nơi an toàn. Ảnh: Bảo Khánh

Trên cầu Bến Tượng (TP Thái Nguyên), hàng chục ô tô xếp hàng dài 2 bên làn đường để tránh nước lũ. Đến chiều ngày 10/9, mực nước tại sông Cầu đã rút khá nhiều. Ảnh: Bảo Khánh

------

LẠNG SƠN

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra mưa lớn kéo dài từ đêm 7/9 đến 8/9, gây thiệt hại về người và tài sản. Theo thống kê có 2.627 hộ gia đình bị thiệt hại tài sản: 2.043 hộ bị tốc mái, 188 nhà bị cây đổ vào nhà do sạt lở đất, 1.060 nhà bị ngập nước; 26 công trình khác bị thiệt hại như: trụ sở Công an xã, nhà văn hóa thôn, trường học... Ảnh: Hà Anh

Tính đến 11h ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3 người chết, 10 người bị thương; 9.604 hộ bị thiệt hại về nhà ở; trên 7.454ha nông nghiệp, 4.548ha lâm nghiệp bị ảnh hưởng; 43 vị trí quốc lộ, 75 vị trí đường tỉnh, 193 vị trí đường huyện bị ngập úng, sạt lở đất, cây đổ; 45 cột điện cao thế và hạ thế bị gãy đổ... Ảnh: Hà Anh

------

TUYÊN QUANG

Trận ngập lụt lịch sử tại TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) khiến hàng nghìn nhà dân ngập trong biển nước lũ mênh mông, cuộc sống thường nhật bị đảo lộn hoàn toàn. Theo thống kê của UBND thành phố, đến ngày 11/9 có gần 14.000 hộ gia đình bị ngập nước. Trong đó, phường Tân Quang đang có trên 8.000 hộ bị ngập, phường Minh Xuân trên 1.000 hộ. Ảnh: Đức Hoàng

Rất nhiều đoàn cứu trợ từ nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Hoà Bình, TPHCM... đã có mặt tại Tuyên Quang để triển khai tiếp tế nhu yếu phẩm. Còn bên trong thành phố, những tờ giấy viết tay gửi ra lực lượng công an, quân đội được chuyển liên tục với hi vọng hàng tiếp tế sẽ được chuyển đến sớm hơn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo người dân, hơn 20 năm qua, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến Tuyên Quang ngập sâu như hiện nay. Ảnh: Lê Anh Dũng 

------

BẮC GIANG


 

Chiều 11/9, tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang), do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nước sông Cầu dâng cao trên mức báo động 3 đã khiến cho 35 thôn của 12/14 xã ven sông bị ảnh hưởng. Toàn huyện đã huy động hơn 1.000 người của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, dân quân tự vệ; lực lượng cán bộ, công chức, công an của các xã tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3.

Một đoạn đê ở thôn Hương Linh (xã Hợp Thịnh) bị yếu. Lực lượng chức năng cùng người dân cùng nhau gia cố. Trong làng, nhiều người dùng thuyền nhỏ đưa cơm vào cho từng hộ gia đình. Trẻ nhỏ được lực lượng chức năng cẩn thận đưa ra ngoài khu vực nguy hiểm. Ảnh: Bảo Khánh

Đến sáng 12/9, các thôn Đa Hội và Đồng Đạo, Hương Ninh thuộc xã Hợp Thịnh có nhiều ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Các phương tiện lưu thông qua cầu Vát từ huyện Hiệp Hoà, sang huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn không thể di chuyển. Tại con đường độc đạo từ đê vào thôn Đa Hội, các lực lượng chức năng đang tập trung dùng xuồng máy liên tục vận chuyển thức ăn, nước uống và đồ tiếp tế cho những người còn đang mắc kẹt trong thôn; đồng thời đưa người dân ra khỏi vùng lũ. Ảnh: Bảo Khánh

Người dân ở vùng ngập sâu được chính quyền địa phương vận động ra những nơi an toàn. Huyện Hiệp Hòa tận dụng trường học để làm nơi lưu trú tạm thời cho người dân di dời. Ảnh: Bảo Khánh