Giữa tháng 3/2021, khi “vắc-xin Covid” đang là từ khoá “nóng bỏng” trên khắp các tờ báo, mạng xã hội, nhóm 6 nhà nghiên cứu nữ của Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường ĐH Y Hà Nội được giao một nhiệm vụ quan trọng, thu hút mọi sự chú ý của giới truyền thông. Đó là thử nghiệm trên người những mũi tiêm đầu tiên của Covivac - loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam do công ty Vắc-xin và sinh phẩm y tế Nha Trang sản xuất. 

Ngày 15/3, đứng trong phòng pha thuốc “không phận sự miễn vào”, 2 dược sĩ Bùi Thị Hương Thảo và Nguyễn Thị Thuý tay vẫn run cầm cập khi mọi động tác vốn dĩ quen thuộc đều bị quan sát không rời mắt bởi các chuyên gia giám sát của đơn vị chuyên trách. 

Cách đó một chiếc bình phong là rất nhiều quan chức bộ ngành, đặc biệt rất đông phóng viên chỉ trực chờ để ào vào. Một điều dưỡng có thâm niên được giao nhiệm vụ tiêm vắc-xin cho tình nguyện viên cũng không tránh khỏi tâm lý “run run” trong thời khắc căng thẳng đến nín thở ấy. 

Buổi sáng hôm đó, toàn bộ ê-kíp chỉ có một nhiệm vụ là pha thuốc và tiêm cho 6 tình nguyện viên, trong đó chỉ có 1 người được tiêm vắc-xin thực sự, 5 người còn lại chỉ tiêm Placebo (giả dược). Cùng khoảng thời gian vài tiếng đồng hồ đó, chỉ vài tháng sau, nhóm nghiên cứu cùng các đồng nghiệp có thể tiêm cho đến vài trăm tình nguyện viên.

Trước đó, để chọn ra 120 tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc-xin Covivac pha 1 (giai đoạn 1), nhóm nghiên cứu gồm 6 người phụ nữ do PGS.TS, bác sĩ Phạm Thị Vân Anh đứng đầu đã có những ngày làm việc không được phép mệt mỏi. 

“Chỉ đúng 2-3 ngày sau khi đăng thông tin tìm kiếm tình nguyện viên trên website và fanpage, nhóm đã nhận được 3.000 đơn đăng ký. Chúng tôi chọn lọc, liên lạc với 250 người. Những cuộc gọi không có người bắt máy, chúng tôi sẽ nhanh chóng bỏ qua vì không có thời gian để gọi lại. Cuối cùng, có 224 tình nguyện viên đến thăm khám và chúng tôi lựa chọn được 120 người đáp ứng tiêu chuẩn”.

“Từ thời điểm đó, điện thoại của mấy chị em đều ‘cháy máy’ từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Các tình nguyện viên không chỉ lưu số điện thoại của mình, mà còn kết bạn trên Zalo. Họ hỏi han, nhờ tư vấn đủ thứ, không chỉ cho riêng mình mà cho cả người thân. Thậm chí, nhiều người còn nhờ tư vấn cả chuyện chăm sóc con cái, gia đình…” - dược sĩ Hương Thảo nhớ lại quãng thời gian vừa mệt vừa vui ấy.

Sau pha 1 của Covivac, đến tháng 8/2021, Trung tâm Dược lý lâm sàng lại được tín nhiệm chọn làm đơn vị triển khai cả 3 pha trong thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154. Với nhân lực chỉ 6 người tham gia tổ chức, điều phối nghiên cứu, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong trường gấp rút hoàn thành nhiệm vụ. 

Kết thúc pha 1 của nghiên cứu cũng là thời điểm Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin toàn dân. Vì thế, nghiên cứu buộc phải mở rộng các địa điểm để tuyển đủ số lượng tình nguyện viên. Huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) được lựa chọn là các điểm nghiên cứu tiếp theo. 

Chỉ trong vòng 2 tháng, nhóm nghiên cứu cùng với các đơn vị chuyên môn của Trường ĐH Y Hà Nội đã khám sàng lọc cho 7.895 đối tượng và chọn ra 5.919 tình nguyện viên đủ điều kiện tham gia nghiên cứu. Toàn bộ quá trình nghiên cứu ARCT-154 diễn ra trong vòng 13 tháng, đặc biệt trong diễn biến phức tạp của đại dịch. 

Chỉ sau khi ARCT-154 thử nghiệm được vài tháng thì đến tháng 12/2021, Trung tâm lại được giao nhiệm vụ thử nghiệm lâm sàng pha 3 vắc-xin Shionogi tại Đắk Lắk, Lạng Sơn, Hoà Bình, Ninh Bình, Điện Biên, Bắc Kạn, Phú Yên.

Trong vòng chưa đầy 4 tháng, các nữ nghiên cứu viên đã tuyển, khám sàng lọc cho 6.849 tình nguyện viên và tiêm cho 5.240 người ở 10 điểm nghiên cứu khác nhau tại 7 tỉnh trên cả nước. 

Chị Thảo cho biết, đây chính là thời điểm miền Bắc bùng dịch và là giai đoạn nhóm thực hiện 3 nghiên cứu cùng một lúc. “Chúng tôi làm việc không thấy Mặt Trời. Có những đợt chúng tôi phải chạy đua với thời gian vì ngay ngày hôm sau là người dân bắt buộc phải tiêm hết vắc-xin của Chính phủ. Nếu đã tiêm vắc-xin đã được cấp phép thì không thể tiêm vắc-xin thử nghiệm được nữa. 

Có những ngày chúng tôi ra khỏi nhà từ 5h sáng, tiêm xong nhìn đồng hồ đã là 11-12h đêm. Lúc ấy mới sực nhớ ra cả ngày mình chưa đi vệ sinh” - chị Thảo kể. 

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Mai - thành viên trẻ nhất của nhóm nghiên cứu - đôi lúc nói đùa với mọi người rằng, giai đoạn đó chị phải chạy đến “300% năng suất” của mình. “6h sáng chúng tôi bắt đầu làm việc, liên tục đến 11-12h đêm mới thăm khám xong những đối tượng cuối cùng. 2h sáng mới về nhà là chuyện bình thường, cứ như vậy suốt từ tháng 8/2021 cho đến tháng 2-3/2022”. 

“Bên cạnh nghiên cứu, Trung tâm cũng được giao thẩm định nhiều loại vắc-xin trước khi được cấp phép. Có hôm 28-29 Tết, cả Trung tâm vẫn lên cơ quan để trao đổi về việc thẩm định hồ sơ vì thời gian gấp gáp, chạy đua với tốc độ lây lan của dịch” - nữ nghiên cứu viên sinh năm 1991 chia sẻ.

Đó là những con số thể hiện chính xác nhất khối lượng công việc mà nhóm nghiên cứu của Trung tâm Dược lý lâm sàng đã hoàn thành. Chỉ tính riêng trong năm 2022, họ đã có 60 chuyến công tác khắp các tỉnh thành. Trong suốt mùa Covid-19, các chị cùng đồng nghiệp đã tìm kiếm, sàng lọc, thăm khám cho khoảng 13 ngàn tình nguyện viên, với tổng số lượt thăm khám lên tới hơn 80 ngàn. 

Riêng chị Nguyễn Thị Thuý - dược sĩ, nghiên cứu viên của nhóm - đã có chuyến công tác Đắk Lắk lần thứ 24. Mỗi chuyến nhanh nhất kéo dài 7-10 ngày, dài nhất là 20-25 ngày. 

“Hai năm vừa rồi, mọi người đi nhiều đến mức cảm tưởng như mình già đi, lão hoá nhanh gấp mấy lần bình thường” - chị Hương Thảo đùa. 

Thực hiện nghiên cứu ở khắp các tỉnh thành, các chị cũng có nhiều kỷ niệm khó quên về những vùng đất mình đặt chân đến. Chị Thảo kể, có đợt tiêm rơi đúng vào ngày mồng 6 Tết. Mồng 5 Tết cả nhóm có mặt ở Văn Quan, Lạng Sơn thì cả thị trấn như bị bỏ hoang vì đồng bào ta ăn Tết tới tận rằm. “Ngoài đường cũng không có ai, không có hàng quán để ăn. May mà anh chủ nhà trọ lấy cơm nguội, mỳ tôm và đồ ăn nhà có sẵn để nấu cho cả đoàn ăn tạm”.

“Về địa phương, mọi dịch vụ khác hẳn so với ở Hà Nội. Có những buổi tối, tình nguyện viên phải ở lại lâu hơn, chúng tôi lại nhường cơm cho tình nguyện viên. Mà ở miền núi thì 8h người ta đi ngủ rồi, lấy đâu ra chỗ mua thêm cơm. Anh em đành phải nhịn đói đến khi xong việc rồi mua bánh trái ăn sau” - chị Thảo kể.

Còn với chị Thuý - người phụ trách địa bàn Đắk Lắk, chị hài hước chia sẻ, “ăn sầu riêng suốt ngày” là cách để chị sống khoẻ ở Tây Nguyên. Làm việc với đồng bào nhiều, chị và các đồng nghiệp thậm chí còn học dần được tiếng Ê-đê, Ba Na… "Cũng có lần gọi tên tình nguyện viên mãi mà không thấy đâu, hoá ra do mình đọc sai". 

Địa hình vùng sâu vùng xa không chỉ khiến các nghiên cứu viên vất vả, mà chính tình nguyện viên cũng vất vả không kém. “Có những bác phải đi từ Mường Nhé lên đến điểm tiêm mất 120km. Nhóm phải thuê khách sạn cho tình nguyện viên ngủ lại qua đêm vì không về kịp. Nói vậy để thấy chính người dân cũng rất nhiệt tình với những người làm khoa học và công tác dân vận của các anh chị em y tế cơ sở rất tốt”.

Chị Hương Thảo kể, có xuống địa phương mới biết nhiều người cả đời chưa từng đi khám sức khoẻ, chưa từng tới bệnh viện. Thậm chí, có những cô bác chưa từng đi tiêm. 

Trong số hơn 80 ngàn lượt thăm khám, nhiều trường hợp gặp vấn đề về sức khoẻ đã được đội ngũ y bác sĩ phát hiện ra. “Không ít người mắc ung thư giai đoạn cuối, dấu hiệu của nhiều bệnh khác - nặng nhẹ khác nhau… nhiều lắm”.

Bác sĩ Mai vẫn nhớ mãi trường hợp của một nữ tình nguyện viên ở Thanh Hoá với tiền sử thường xuyên bị ngất. Sau khi khám sàng lọc và tiêm vắc-xin, một bác sĩ trong nhóm đã phát hiện bệnh nhân có một ổ ngoại tâm thu (tình trạng rối loạn nhịp tim).

Lúc này, PGS.TS Phạm Thị Vân Anh - trưởng nhóm nghiên cứu - đã đặt xe đưa tình nguyện viên từ Thanh Hoá ra Hà Nội để thăm khám kỹ hơn. Bà cũng cẩn thận liên hệ với một bác sĩ ở Viện Tim mạch đề nghị giúp tình nguyện viên được can thiệp kịp thời. Thậm chí, khi biết điều kiện kinh tế khiến tình nguyện viên chưa từng đi khám sức khoẻ định kỳ, cả nhóm đã cùng gom góp để hỗ trợ cô một phần kinh phí. Sau này, khi đã điều trị bệnh tim mạch xong, bệnh nhân và gia đình đã lên tận nơi để cảm ơn bác sĩ Vân Anh. 

Bác sĩ Mai vẫn nhớ những kỷ niệm xúc động như thế trong suốt những ngày tháng làm nghiên cứu vắc-xin vô cùng gấp rút và căng thẳng. Còn với nghiên cứu viên Hương Thảo, khi nghĩ lại những tình nguyện viên “đáng yêu” mà mình từng quen, chị vẫn cảm thấy may mắn. Chị nhớ, nhiều tình nguyện viên sau nhiều lần thăm khám đã trở thành người quen của cả nhóm. “Có chị ở Hải Phòng còn mang cả bánh mỳ pa-tê, chè, trà sữa lên mời các nghiên cứu viên”. 

Tất nhiên, trong quá trình làm thử nghiệm vắc-xin, dư luận luôn có 2 luồng ý kiến song song. Bên cạnh những người ủng hộ, vẫn có những người còn e ngại, thậm chí với cả vắc-xin đã được cấp phép. 

Chị Thảo nhớ lại một trường hợp trong lần thử nghiệm pha 1 của Covivac. “Có một em sinh viên rất nhiệt tình đăng ký, gọi đi gọi lại nhiều lần để xin tham gia. Tuy nhiên, sau khi biết tin, mẹ em đã bốc máy gọi cho tôi, mắng xối xả. Cô nói ‘không cho phép’ và đề nghị chúng tôi loại con cô luôn nếu em ấy đến khám”.

“Luôn luôn có 2 luồng ý kiến trái chiều về vắc-xin. Có tình nguyện viên sau khi được tư vấn các ưu nhược, rủi ro cũng xin rút. Chúng tôi tôn trọng quyết định của người tham gia và cũng không buồn về điều đó vì vẫn còn rất nhiều người ở lại với chúng tôi”.

“Mặc dù, pha 1 của Covivac đã ghi rõ chỉ tuyển tình nguyện viên khu vực xung quanh Hà Nội nhưng các tình nguyện viên từ tỉnh xa đăng ký rất nhiều. Không phải vì họ muốn được tiêm vắc-xin để phòng bệnh, mà chúng tôi cảm nhận họ thực sự muốn cống hiến, muốn đóng góp sức mình cho khoa học. Chính vì thế mà tỷ lệ tình nguyện viên tham gia đến điểm cuối cùng của trung tâm luôn đạt trên 90% - một con số xuất sắc mà các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên thế giới rất khó đạt được”.

Khi được hỏi có khi nào lo sợ mình sẽ bị lây nhiễm trong quá trình làm nghiên cứu, bác sĩ Mai tâm sự: “Khi đại dịch bắt đầu tấn công, đồng nghiệp ở các bệnh viện lao ra ‘chiến trường’. Chúng tôi công tác trong ngành dược, lại ngồi yên ở đây, là chúng tôi đã sôi sục muốn được đi ra ngoài kia rồi. Nên đến khi triển khai các nghiên cứu, chúng tôi không hề nghĩ tới những rủi ro đó”. 

Nghiên cứu viên Hương Thảo kể, ngày đó, chị còn nhiệt huyết đến mức xung phong tham gia nhóm đào tạo, sẵn sàng vào miền Nam ứng cứu. Khi mọi người nhìn thấy chị đã “đuổi về luôn” vì “chồng đã đi chống dịch rồi mà vợ đi nốt thì con ở nhà với ai”. “Chồng mình là bác sĩ hồi sức cấp cứu” - chị Thảo chia sẻ.

Cuối cùng, dù không tham gia vào công tác chống dịch như chồng nhưng chị cũng “mất tăm mất tích” nhiều ngày tháng để phục vụ công tác phòng dịch.

“Hai con ở nhà phải nhờ ông ngoại, hoặc 2 bạn tự chăm lo cho nhau. Thời điểm đó, một bạn lớp 6, một bạn vừa vào lớp 1. Có đợt mình đi công tác về, bạn bé nợ cô giáo khoảng 20 bài viết chưa nộp, trả nợ cô đến hết học kỳ vẫn chưa hết nợ” - chị Thảo hài hước kể lại. 

“Nói chung, sau quãng thời gian 2 năm đại dịch, cả nhà đều tiến bộ. Mình buộc phải đẩy cho con tự làm nhiều việc hơn để mình có thời gian tập trung cho công việc. Còn ông xã bình thường chỉ làm việc cơ quan cũng đã hết 150% năng lượng, về nhà, anh ấy chỉ viết lách bài vở sách báo hoặc lăn ra ngủ. Nhưng từ sau đợt dịch, anh bắt đầu hỗ trợ vợ, dù vẫn còn ít lắm” - bà mẹ 2 con cười nói.

Khi được hỏi môi trường làm việc đã đủ bình đẳng với phụ nữ, tất cả các chị đều khẳng định “không có bất cứ khoảng cách về giới nào, thậm chí chị em còn được ưu tiên hơn”.

“Có chăng rào cản lại chính là ở trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình” - chị Thảo dí dỏm nói. 

Chị tâm sự, giống như bao người phụ nữ khác, chị tốn rất nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nhà, việc nuôi dạy con cái, đặc biệt khi các con đều đang tuổi đi học. Vì thế, cân bằng giữa việc cơ quan và việc nhà luôn là “bài toán khó” của nhiều phụ nữ Việt.  

“Thời gian đi học ở nước ngoài, mình quan sát thấy phụ nữ làm khoa học ở nơi mình học thậm chí còn bị đối xử không được bình đẳng như ở Việt Nam. Nhưng đúng là trong việc chia sẻ việc nhà, các nước phương Tây có văn hoá đàn ông hỗ trợ phụ nữ tốt hơn chúng ta nhiều”. 

Thiết kế: Minh Hoà