Nếu không đối diện với những thách thức do đại dịch Covid-19, có lẽ giờ này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục gia công sản phẩm cho khách hàng quốc tế, dù vẫn mong muốn tạo dựng và đưa chính thương hiệu riêng của mình tiến ra thế giới.

Tương tự tình hình chung của bức tranh sản xuất, nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành gỗ, nội ngoại thất, trang trí nhà cửa cũng ở trong hoàn cảnh “có tuổi mà không có tên”, đa phần mới chỉ tập trung gia công cho thương hiệu khác hoặc xuất khẩu bán buôn hơn là khai thác tiềm năng xuất khẩu bán lẻ trực tiếp cho khách hàng ở thị trường nước ngoài.

Trong và sau đại dịch, không ít doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, nội thất và trang trí nhà cửa Việt Nam đã chủ động tìm đường “ra ánh sáng”, gầy dựng dấu ấn thương hiệu riêng thông qua xuất khẩu. Họ tìm đến các kênh thương mại trực tuyến như Amazon, như một biến số quan trọng trong phương trình xuất khẩu thành công, khai phá thị trường mới, tạo ra dòng hợp lưu giữa những tiềm năng mạnh mẽ và cơ hội vô tận của thị trường rộng lớn, sản phẩm đặc trưng với nguồn cung dồi dào từ Việt Nam, đến xu hướng tiêu dùng hiện đại trên những nền tảng công nghệ thương mại điện tử kiểu mới.

Nói đến các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ và nội thất, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 5 trên thế giới và lớn nhất Đông Nam Á. Ghi dấu ấn từ các nguyên liệu thô cho đến sản phẩm chất lượng cao, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu đến Mỹ.

Việt Nam hiện có hơn 5.000 làng nghề thủ công truyền thống trải dài từ Bắc chí Nam, với số lượng lớn thợ thủ công lành nghề. Trong đó, "Thợ thủ công và các ngành liên quan" có tới 7,4 triệu lao động, chiếm 13,7% tổng lực lượng lao động. Chưa kể, với lợi thế tự nhiên, Việt Nam sở hữu đa dạng nguyên vật liệu dồi dào cho sản xuất thủ công mỹ nghệ. Gỗ, mây, tre, cói, dừa, cỏ bàng, lục bình, len sợi... có thể dễ dàng được tìm thấy ở các vùng miền dọc đất nước,  độc đáo thành phẩm, chất lượng đảm bảo. 

Theo thống kê của Amazon, ngành hàng Trang trí nhà cửa và Nội thất trên Amazon chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022. Trong ba năm trở lại đây, lĩnh vực Nhà cửa và Nhà bếp cũng liên tục lọt top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon. Các nhóm sản phẩm chính thuộc ngành hàng đồ nội thất và trang trí nhà cửa có thể kể đến như các sản phẩm trang trí nhà cửa, trang trí tường, nến, đèn treo hoặc thả và rèm cửa… Đáng chú ý, không chỉ tìm hiểu thông tin, có đến 62,3% lượng truy cập tìm kiếm online về nội thất sẽ chuyển đổi thành giao dịch mua hàng trực tuyến. 

Những tín hiệu này cho thấy cơ hội đang rộng mở cho ngành hàng trang trí nhà cửa và nội thất Việt, bởi Việt Nam là nước sở hữu những lợi thế và tiềm năng dồi dào để tạo ra những sản phẩm độc đáo và khác biệt.

Quan sát thấy xu hướng các sản phẩm decor mang phong cách tự nhiên được ưa chuộng trên Amazon trong những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất Việt Nam đã tìm kiếm và khám phá các trang web về phong cách sống ở châu Âu và châu Mỹ, theo dõi các xu hướng trang trí nhà cửa và nội thất, đồng thời lấy cảm hứng thiết kế từ các xu hướng trang trí hàng đầu của Amazon. 

Đối với các nhà xuất khẩu nhắm đến thị trường quốc tế, đáng chú ý là các sản phẩm gỗ có thể xếp gọn với kích thước nhỏ gọn chứng tỏ được những lợi thế khi bán trực tuyến. Đa dạng loại sản phẩm làm từ gỗ, bao gồm bàn ghế gỗ có thể xếp gọn dùng ngoài trời, kệ, giá, bục gỗ nhỏ, gạch lót sàn bằng gỗ, và thớt gỗ teak… được người tiêu dùng quốc tế đón nhận tại các gian hàng trực tuyến trên Amazon. Ngoài ra, các nhà bán hàng đến từ Việt Nam còn tận dụng rất tốt các nguyên liệu địa phương như mây, tre, dừa, cỏ… với thiết kế tinh tế nhằm tạo nên các sản phẩm trang trí thanh lịch và đầy phong cách để tiếp cận thị trường. 

Bên cạnh việc hiểu tâm lý khách hàng quốc tế, việc doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng thị trường cũng là một yếu tố thành bại trong việc kinh doanh. Việc tận dụng triệt để các công cụ hỗ trợ của Amazon như hướng dẫn sản phẩm thị trường, công cụ khám phá cơ hội sản phẩm… sẽ cung cấp và tối ưu hóa trong việc lựa chọn sản phẩm cho người bán, giúp họ đưa ra chiến lược sản phẩm nổi bật và hiệu quả. 

Sự kết hợp hài hòa giữa “những gì Việt Nam có” và “những gì thị trường quốc tế mong đợi” góp phần quan trọng vào sự thành công trên thị trường toàn cầu thông qua Amazon. Từ đó, các nhà sản xuất có thể chú trọng nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm song song đọc vị thị trường mục tiêu để có chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Với mục tiêu tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tìm hướng tiếp cận khách hàng quốc tế, mở ra một hướng kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều nhà sản xuất, các doanh nghiệp ngành nội thất & trang trí nhà cửa đã nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm gỗ gia đình nhỏ gọn, có thể tối ưu kích thước khi đóng gói và vận chuyển và đầu tư toàn diện để kinh doanh và phát triển thương hiệu riêng trên Amazon. Sự chuyển mình này mang đến những trái ngọt ban đầu, từ kết quả kinh doanh, đến một ngã rẽ quan trọng về xuất khẩu cho doanh nghiệp, lẫn những phản hồi của thị trường về thương hiệu Made-in-Vietnam. 

Không chỉ các thương hiệu trên thị truờng mà các làng nghề thủ công truyền thống cũng đã có cơ hội “thay da đổi thịt” nhờ xuất khẩu xuyên biên giới thông qua Amazon. Để khích lệ các làng thủ công địa phương, các nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt cơ hội kinh doanh mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, Amazon Global Selling mới đây cũng hợp tác với An Đen, một vlogger truyền cảm hứng với những câu chuyện về cuộc sống ở làng quê Việt, cùng sản xuất video ngắn hấp dẫn. 

Thông qua chuyến thăm làng nghề đan tre ở Chương Mỹ (Hà Nội), An Đen đã có cơ hội giới thiệu về xu hướng và tiềm năng xuất khẩu trực tuyến cho nghề đan lát mây tre truyền thống cũng như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác của Việt Nam, đồng thời chia sẻ về những thay đổi tích cực mà thương mại điện tử xuyên biên giới đã mang đến cho cộng đồng địa phương.

Những câu chuyện thành công của các doanh nghiệp, hay làng nghề Chương Mỹ mới phản ánh một phần nhỏ những tiềm năng ấn tượng và cơ hội không giới hạn của các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nội thất & trang trí nhà cửa trên Amazon.