LTS: Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng xung quanh câu chuyện phát triển Thủ đô Hà Nội nhân dịp đầu Xuân mới.

Thưa Bí thư, là người đứng đầu Thủ đô với dân số hơn 8,4 triệu người, ông gặp áp lực gì nhất và ưu tiên gì nhất cho phát triển?

Chăm lo cải thiện đời sống của người dân luôn là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng nhất trong mọi chủ trương, chính sách phát triển để mọi người đều trở nên khá giả, không ai bị bỏ lại phía sau. Cả người giàu và người nghèo đều được tạo động lực, cơ hội để phát triển, từ đó đóng góp cho Hà Nội.

Để đạt mục tiêu đó, Hà Nội tập trung vào nhiều lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm ô nhiễm môi trường… để vừa cải thiện cuộc sống của người dân, vừa khơi thông nguồn lực trong dân.

Khi có chính sách tốt, thể chế thân thiện thì người dân mới yên tâm làm ăn, buôn bán và đóng góp cho Thành phố.

Điều này thể hiện rất rõ ở mức tăng GRDP của Hà Nội là 6,27% năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này tuy chưa đạt mục tiêu nhưng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước là 5,05%. Thu nhập của người dân Thủ đô tiếp cục được cải thiện - bình quân 150 triệu đồng/người/năm.

Hai năm nay, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa, đó là nguồn thu phản ánh nội lực của nền kinh tế. Năm 2022, tổng thu ngân sách đạt 332.089 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa mức 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước vượt trên 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 380.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu cả nước trong hai năm liên tiếp.

Những con số này thể hiện sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp và người dân. Dựa vào dân mới phát triển nhanh và bền vững chứ không phải bán đất hay dựa vào tài sản công.

Hà Nội được mệnh danh là thủ đô “ngàn năm văn hiến”. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm phát triển không gian văn hoá nghệ thuật thế nào, thưa ông?

Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về phát triển văn hóa, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, cũng như các lĩnh vực y tế và giáo dục.

Đến nay, hơn 1.000 công trình, dự án thuộc ba lĩnh vực trên đã được hoàn thành, tạo sức bật mới cho du lịch, dịch vụ. Chúng tôi quyết tâm tái hiện Điện Kính Thiên trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, triển khai xây dựng Đền thờ Ngô Quyền...

Hà Nội đã tổ chức hàng ngàn cuộc biểu diễn nghệ thuật trong năm vừa rồi. Hà Nội còn thu hút các nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến biểu diễn, tạo ra các lễ hội âm nhạc đẳng cấp đủ sức hấp dẫn khách trong và ngoài nước.

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, người dân lại thân thiện nên chỉ cần có cơ chế khuyến khích, chuyển đổi cách làm là tạo ra nguồn lực rất lớn thu hút khách du lịch.

Tỷ trọng ngành dịch vụ đã tăng vượt lên mức hơn 65% trong cơ cấu kinh tế; tăng trưởng ngành dịch vụ là 7,26% năm 2023 so với năm trước. Du lịch Hà Nội có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt tổng số 24 triệu lượt khách, trong đó có 4 triệu khách quốc tế, tăng 27% so với năm 2022, đem lại tổng thu hơn 87.000 tỷ đồng.

Có thể nói, chưa khi nào văn hóa, sáng tạo và dịch vụ được khơi dậy mạnh mẽ như vậy, trở thành động lực cho đời sống kinh tế Thủ đô. Thủ đô luôn đông vui, tấp nập. Thu nhập từ nguồn này không thể cao vọt lên, nhưng nó phục vụ đời sống thật của dân.

Việc xây dựng Vành đai 4 khá thuận lợi; nhiều người dân đã chủ động di dời cây trồng, vật nuôi, nhà cửa của họ cho dự án. Vì sao Hà Nội lại làm được như vậy khi giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất?

Nhân dân nhiệt tình ủng hộ Đường vành đai 4 vì tuyến đường hợp lòng dân. Chính sách tái định cư cho dân là cực kỳ quan trọng. Hà Nội nỗ lực làm các khu tái định cư đồng bộ để bà con có nơi ở mới tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ. Nếu chưa có khu tái định cư, thì có chính sách hỗ trợ tạm cư. Chính quyền đã hứa với dân điều gì thì phải làm bằng được chứ không được nói xong rồi để đó.

Tôi đã nhiều lần đi dọc toàn tuyến đường, những lần đó luôn có các Phó Chủ tịch Ủy ban phụ trách quy hoạch, đất đai đi cùng để xử lý ngay những vấn đề tồn tại hay phát sinh. Có lần phải lấy đất ở huyện Thanh Oai để tái định cư cho người dân ở Hà Đông, nhưng lãnh đạo huyện chần chừ, phần vì muốn để đất đó lại để bán đấu giá, phần vì sợ sai. Tôi xuống giải quyết nên việc này xong rồi.

Đến nay, cả ba địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 93% diện tích của dự án, trong đó Hà Nội giải phóng được 96% diện tích thuộc Hà Nội. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31-3-2024.

Trên toàn tuyến đường song hành, Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công; Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sẽ triển khai các mũi thi công trên toàn tuyến trong quý I-2024. Với tiến độ như vậy, đường song hành Vành đai 4 dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2025.

Chúng tôi cũng tập trung tháo gỡ vấn đề khó khăn về vật liệu đất, cát phục vụ thi công, hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cũng đang rất nỗ lực. Tuy nhiên, với các thủ tục liên quan đến dự án thành phần PPP thì vẫn rất cần sự hỗ trợ, đẩy nhanh của các bộ, ngành trung ương.

Tôi xin chia sẻ điều này. Đông đảo nhân dân ở Hà Tây cũ và Sóc Sơn có tâm tư là khu vực họ ở không phát triển nhanh được là do thiếu hạ tầng và ít được quan tâm. Tôi luôn nói với cán bộ là Hà Nội cần phát triển nhanh, bền vững nhưng phải công bằng và cân bằng.

Đường vành đai 4 giúp giải tỏa tâm tư của bà con, kết nối được những di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, giàu có ở đây và phát huy các tiềm năng kinh tế còn rất nhiều. Nhân dân vì thế rất ủng hộ cho dự án. Họ thấy quyền lợi của mình trong đó.

Các dự án đường vành đai ở Hà Nội trong mấy chục năm qua thường không hoàn chỉnh, vừa gây bức xúc kéo dài, vừa lãng phí nguồn lực khổng lồ để xử lý sau này. Với đường Vành đai 4, Bí thư sẽ có cách tiếp cận thế nào?

Tuyến đường này đi qua 3 tỉnh, rộng 90-120m và dài 112km, trong đó gần 59 km thuộc địa bàn Hà Nội. Chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư cho đoạn ở Hà Nội vào khoảng hơn 11.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, 1 km đường vành đai 1 mất 7.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và 600 tỷ đồng để làm đường. Còn ở đường vành đai 2,5 đoạn từ Ngã Tư Sở nối Đầm Hồng dài hơn 1 km cũng mất 2.500 tỷ đồng. Chi phí khổng lồ như vậy thì ngân sách nào chịu nổi, càng để lâu, càng đắt đỏ.

Rút kinh nghiệm, công tác giải phóng mặt bằng cho Đường vành đai 4 phải làm trước và đồng bộ ngay từ đầu, song song với công tác tái định cư.

Vấn đề rất quan trọng là quản lý quỹ đất hàng nghìn ha 2 bên đường như thế nào? Bao nhiêu sẽ làm khu đô thị, khu dịch vụ và khu công nghiệp sẽ phải tính toán, quy hoạch. Làm xong sẽ kêu gọi đầu tư, đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch thì Hà Nội sẽ có thêm không gian và nguồn lực rất lớn cho phát triển.

Ông hình dung như thế nào về diện mạo Thủ đô tới đây?

Nội đô Hà Nội đã phát triển đến ngưỡng rồi và Thành phố sẽ phát triển ra khu vực phía Tây và phía Bắc để vừa giãn dân ra, vừa tạo động lực phát triển mới.

Cùng với 5 trục phát triển, Hà Nội kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc là thành phố Bắc sông Hồng bao gồm Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh và thành phố phía Tây bao gồm Hòa Lạc và Xuân Mai.

Ở thành phố Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh đã hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành quận. Hiện nay, nhiều dự án lớn ở khu vực này đang được triển khai. Đây sẽ là thành phố có chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài. Tính chất, chức năng chính của thành phố Bắc sông Hồng là đô thị thông minh.

Vừa qua Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bàn giao cho Hà Nội quản lý khai thác Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chính là tạo điều kiện để thành phố thực hiện kế hoạch phát triển thành phố phía Tây.

Với quy mô lớn và khả năng trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là hạt nhân của thành phố phía Tây. Khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, chúng ta có thêm cơ chế để đưa các trường đại học, học viện về đây thì thành phố phía Tây sẽ sớm hình thành...

Tập trung xây dựng 2 thành phố này, Hà Nội sẽ tạo ra những cực tăng trưởng mới, vực dậy các vùng khó khăn xung quanh, thực hiện được chủ trương phát triển đồng đều và quan trọng là kéo giãn mật độ dân số vùng lõi Thủ đô...

Song song với phát triển đô thị, chúng ta sẽ quy hoạch làm rõ nét hơn nữa định hướng phát triển khu vực nông thôn của Thủ đô, gắn với khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc các vùng văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống người dân...

Để thực hiện được các kế hoạch đó thì cần xây dựng thêm nhiều dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học,… Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển các dự án nào, thưa ông?

Chủ trương chung của thành phố nhiệm kỳ này là cố gắng khép kín các đường Vành đai. Đường Vành đai 1, Vành đai 2 cơ bản đã xong, Vành đai 3 còn một đoạn 14km bên huyện Đông Anh thì thành phố quyết định làm nốt bằng tiền ngân sách. Đường Vành đai 4 thì đang được triển khai quyết liệt.

Các tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô cũng phải được cải thiện. Thành phố đã quyết định đầu tư đoạn từ Hà Đông đi Xuân Mai làm rộng như đoạn Nguyễn Trãi, đoạn từ cuối Đại lộ Thăng Long đi lên cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cũng được làm to rộng như thế. Ở khu vực phía Nam, chúng ta sẽ làm tiếp đoạn từ Hà Đông, qua Thanh Trì...

Bên cạnh đó, Hà Nội đang tập trung tiến hành các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng những cầu vượt sông Hồng, tăng cường hạ tầng kết nối quan trọng như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát... Hà Nội cũng đang phối hợp với các địa phương để sớm triển khai xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng và sông Đuống trên đường Vành đai 4, gồm cầu Mễ Sở, Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thượng vượt sông Đuống. Đây là 3 cây cầu có ý nghĩa quan trọng để kết nối liên thông và đưa vào vận hành khai thác cùng với đường song hành Vành đai 4.

Tuy nhiên, ba cầu này có tiến độ chậm do mô hình đầu tư PPP. Thành phố đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện những dự án này như dự án đầu tư công thông thường để rút ngắn tiến độ.

Ở góc độ giao thông công cộng, Hà Nội đã thống nhất phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thật tốt gắn với xây dựng 2 thành phố trực thuộc thì mới có thể giải nén đô thị.

Hà Nội đang tập trung chuẩn bị các dự án đường sắt đô thị ngay từ bây giờ để có hồ sơ sẵn sàng kịp xem xét, quyết định năm 2026. Nếu đến lúc đó mới quyết định danh mục thì phải mất thêm 3 - 5 năm sau mới có dự án để triển khai, sẽ rất lâu.

Trước mắt, năm 2024, thành phố đang chỉ đạo đưa vào vận hành trước đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn về đến Kim Mã. Đoạn ngầm từ Kim Mã về Ga Hà Nội đã được tháo gỡ vướng mắc, tới đây sẽ tập trung triển khai.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được đầu tư để nối tiếp lên đến Xuân Mai. Tuyến đường sắt thứ ba mà thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai sớm  là tuyến Văn Cao - Hòa Lạc mà nếu làm được sớm ngày nào sẽ tạo động lực thúc đẩy phía Tây thành phố ngày đó. Ngoài ra còn một tuyến nữa cũng rất quan trọng, là tuyến từ sân bay Nội Bài đi về trung tâm thành phố cũng sẽ được ưu tiên triển khai sớm.

Thành phố sẽ quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, không chỉ để kết nối các khu vực trong Hà Nội mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Tới đây, nội dung này sẽ được bổ sung, cập nhật vào các quy hoạch...

Quốc hội đang xem xét, sửa đổi dự án Luật Thủ đô. Thưa Bí thư, Hà Nội cần gì nhất trong đó?

Trong quá trình thảo luận, tôi luôn nói với Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội là Hà Nội không xin tiền, không xin ngân sách vì phải công bằng với các địa phương khác. Hà Nội chỉ xin cơ chế, chính sách vượt trội và xin được tăng quyền, trao quyền. Lấy ví dụ, Vành đai 3 hay đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình đều bị bỏ dở đấy vì thiếu cơ chế, thiếu phân cấp, phân quyền cho Thủ đô.

Theo dự án luật, Hà Nội được bội chi 150% ngân sách, được quyết định dự án đầu tư công đến 20.000 tỷ đồng. Vấn đề ở chỗ, ví dụ, Hà Nội cần làm 10 tuyến đường sắt đô thị, mà nếu không được tự quyết để dẫn đến tình trạng nay vay của đối tác này, mai vay của đối tác khác thì làm sao các tuyến này đồng bộ và tương thích về kỹ thuật, công nghệ với nhau được!

Trong khi đó, rất nhiều các lĩnh vực ở Hà Nội như phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm, di dời cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô cần phải có khung thể chế khác để xử lý, giải quyết. Và tất nhiên, còn nhiều lĩnh vực khác phải có khung thể chế để đưa Thủ đô phát triển vượt lên, là động lực cho các địa phương khác nữa.

Tư Giang - Lan Anh thực hiện