Lời tòa soạn:

Từ năm 2021-2023, Tỉnh ủy Bắc Giang triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình chính quyền thân thiện, tạo được đồng thuận trong nhân dân, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. 

Mô hình trên ra đời trong bối cảnh Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định rõ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ ngày 1/7, Luật Dân chủ cơ sở chính thức có hiệu lực, trong đó nhấn mạnh quyền được thụ hưởng của người dân.

Là cán bộ luân chuyển về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh (huyện Việt Yên), chị Trần Thị Thanh cho biết thời gian đầu nhận nhiệm vụ chị đã rất “hốt hoảng” với thực trạng tại bộ phận một cửa tiếp dân. 

“Không gian một cửa bừa bộn, cán bộ đi làm trễ giờ, người dân và cán bộ thường xuyên lớn tiếng với nhau. Người dân phàn nàn về việc nhận kết quả chậm, muộn. Có công dân điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo xã phản ánh về thái độ ứng xử của cán bộ…”, chị mô tả bộ phận một cửa cách đây hơn 2 năm.

Xã Quảng Minh hiện nay khởi sắc khi công bố trước dân ra mắt chính quyền thân thiện. Tại bộ phận một cửa, có sẵn điều hòa, ghế chờ, nước uống, wifi miễn phí… và đặc biệt, cán bộ chủ động hỏi nhu cầu xử lý hồ sơ khi thấy người dân lúng túng. 

Hiện nay có 209/209 đơn vị cấp xã của Bắc Giang đều tuyên bố trước người dân về cách vận hành mới - chính quyền thân thiện. Kết quả hôm nay là hành trình suốt gần 2 năm quyết tâm vượt lực cản, xây dựng chính quyền thân thiện của Tỉnh ủy Bắc Giang. 

Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, chính quyền thân thiện ra đời trong bối cảnh những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang có sự bứt phá mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt trên 19% đứng thứ 2 cả nước. Quy mô GRDP vươn lên vị trí thứ 13. 

Tuy nhiên, chính quyền thân thiện là mô hình mới, nên quá trình hiện thực hóa vấp phải không ít khó khăn mà theo ông đó là những “lực cản”. Về lực cản hữu hình, theo ông Mai Sơn đó là cơ sở vật chất, kinh phí hạn hẹp nhưng yêu cầu của chính quyền thân thiện rất cao từ công nghệ đến trang bị tại bộ phận một cửa. 

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

Hơn cả là việc thay đổi cách làm của cán bộ - đây được xem là lực cản vô hình. 

 “Thoạt đầu một bộ phận cán bộ, có cả người đứng đầu cho rằng đây là phong trào ra mắt rồi sẽ lắng đi, không ai nhớ đến và giám sát. Một số bộ phận bảo thủ không chịu thay đổi. Nhiều cán bộ sợ sai, sợ kỷ luật, trách nhiệm… Trong bối cảnh cán bộ thu nhập còn nhiều khó khăn, có người đặt câu hỏi “nếu yêu cầu cao như vậy thì cán bộ sẽ bỏ hết”, ông Sơn nói.

Theo ông, có một bộ phận cán bộ ngộ nhận về quyền lực, lo sợ khi chính quyền thân thiện đi vào cuộc sống thì quyền lực sẽ giảm đi; một số nơi có dấu hiệu cán bộ tiêu cực, đụng chạm và mâu thuẫn lợi ích.

Ông Mai Sơn cho biết Tỉnh ủy đã có những giải pháp để tháo gỡ. Trong đó Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy là hai đơn vị chủ lực triển khai các giải pháp. 

UBND tỉnh ban hành đồng bộ hệ thống văn bản để tổ chức, triển khai hiệu quả các nội dung về quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng chính quyền thân thiện, phát huy cao độ vai trò làm chủ của người dân. 

Nổi bật trong số đó là bộ tiêu chí và thang điểm xã, phường, thị trấn đạt chuẩn “thân thiện”. Giao Sở Nội vụ tỉnh ban hành hướng dẫn đánh giá và công nhận các đơn vị cấp xã đạt chuẩn... Cùng với đó, bộ quy tắc ứng xử của cán bộ một cửa được ban hành. 

Xóa nhòa khoảng cách giữa chính quyền và người dân thông qua các hoạt động thân thiện. 

Tiếp đó, tỉnh đã gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu, nhất là đối với chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, tỉnh quan tâm và chi trả chế độ đầy đủ theo quy định cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp dân nhằm động viên cán bộ kịp thời để thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

Để hoạt động này được giám sát thường xuyên, hàng năm, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ký quyết định công nhận và công bố các đơn vị đạt chuẩn. Mức độ công nhận từ 1 sao đến cao nhất là đạt chuẩn 5 sao. 

Là một trong những đơn vị chủ lực trong xây dựng chính quyền thân thiện, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang đưa ra nhiều giải pháp căn cơ. Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận cho rằng, việc lấy phiếu khảo sát mức độ hài lòng của người dân với chính quyền có ý nghĩa rất quan trọng. “Người dân được đánh giá chính quyền, tức là chính quyền thuộc về nhân dân”, ông nhấn mạnh. 

Với gần 2 triệu dân, theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, phải ứng dụng công nghệ mới có thể khảo sát nhanh, chính xác mức độ hài lòng của người dân với chính quyền.

“Tỉnh xây dựng và đưa vào hoạt động giải pháp nhằm phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân. Bộ giải pháp gồm 3 sản phẩm chủ đạo gồm: Chuyên trang (đóng vai trò như cổng thông tin về dân chủ); Ứng dụng di động và Phần mềm quản trị quy chế dân chủ“, ông Thịnh thông tin. 

Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang. 

Theo ông Thịnh, các giải pháp công nghệ đang áp dụng hiện nay đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số và phát duy dân chủ. Thông qua công nghệ, hoạt động của chính quyền được công khai, minh bạch với nhân dân, doanh nghiệp. Công nghệ cũng giúp những phản hồi của người dân đến với chính quyền nhanh hơn và được giám sát tiến độ giải quyết.  

“Cấp ủy, chính quyền và nhân dân là ba trụ cột của chính quyền thân thiện“, ông Phạm Văn Thịnh nói. 

Theo ông, trong bối cảnh Bắc Giang trên đà tăng trưởng, chính quyền thân thiện ra đời là giải pháp quan trọng giải quyết, khắc phục những tác động tiêu cực của phát triển nóng, giúp ổn định xã hội.

Khi những nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện ở Bắc Giang bước đầu thu về những “trái ngọt”, nhiều địa phương đã biết đến và nhanh chóng thành lập đoàn đến học tập và có địa phương áp dụng thí điểm. Cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, các địa phương gồm: Sơn La, Hưng Yên, Cao Bằng, Bình Phước… đã cử các đoàn công tác đến học tập kinh nghiệm tại Bắc Giang. 

Sơn La là địa phương áp dụng thí điểm mô hình chính quyền thân thiện của Bắc Giang tại TP Sơn La, huyện biên giới Sông Mã và huyện Mộc Châu. Việc thí điểm áp dụng từ tháng 5/2023.

Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã được biết đến là xã biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Chỉ trong thời gian ngắn áp dụng thí điểm, việc vận hành của chính quyền đã có những chuyển biến rõ rệt.

Ông Lưu Minh Quân, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La (đứng thứ tư từ trái sang) chứng kiến ký kết thi đua thực hiện mô hình điểm Chính quyền thân thiện. Ảnh: Phạm Khắc Trình

Với việc cử lãnh đạo UBND xã túc trực tại bộ phận một cửa đã thúc đẩy tốc độ giải quyết thủ tục hành chính. Ứng dụng công nghệ như hệ thống wifi, tích hợp hồ sơ qua mã QR Code… giúp công dân nắm được trình tự các thủ tục cần xử lý. 100% hồ sơ liên quan đến Tư pháp – Hộ tịch tại Chiềng Khương hiện nay được giải quyết trong ngày. 

Theo ông Lưu Minh Quân – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La, việc xây dựng chính quyền thân thiện là cách thức đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cơ sở. 

Theo ông Quân, nhân tố con người được xác định là yếu tố mấu chốt, quan trọng tạo nên sự thành công trong quá trình triển khai thực hiện mô hình. Với những kết quả trong thực tiễn Bắc Giang, ông tin tưởng với chủ trương đúng đắn, Sơn La sẽ từng bước nâng cấp hoạt động của chính quyền.

Đón đọc bài 3: Xây dựng chính quyền thân thiện thực chất, không vì thành tích

Thực hiện: Đoàn Bổng

Ảnh: Lê Anh Dũng - Thiết kế: Thu Hằng