Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.

Những thành tựu nói trên là minh chứng sinh động cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây cũng là kết tinh nỗ lực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp quan trọng của các cơ quan đối ngoại và ngành ngoại giao.

Một quốc gia tạo dựng, định vị được thương hiệu được xem như sở hữu chìa khóa vàng để mở những cánh cửa cơ hội tiếp cận với xu hướng mới của thế giới, phát triển đất nước. Chính từ quan điểm này, VietNamNet đã triển khai loạt bài “Định vị Việt Nam trên trường quốc tế”.

 

2023 là năm Việt Nam và Thái Lan kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược. Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành đã chia sẻ với PV VietNamNet về những điểm nhấn trong quan hệ song phương, những mục tiêu mới trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân.

Giữa tháng 11/2023, nhân chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại Udon Thani, phố người Việt - Vietnam Town đầu tiên trên thế giới đã được khai trương. Ý nghĩa của sự kiện này và hiệu quả khu phố sau một thời gian hoạt động được đánh giá như thế nào, thưa Đại sứ?

Có thể nói đây là niềm tự hào của người Việt Nam tại Thái Lan và của Đại sứ quán, cá nhân Đại sứ. Là Đại sứ trong nhiệm kỳ mà Vietnam Town ra đời, được chứng kiến từ những điểm sơ khởi ý tưởng đến khi cắt băng khai trương tôi cảm thấy rất tự hào. Đó là một hành trình thú vị và đầy cảm xúc.

Hồi đầu tháng 12, trong chuyến thăm chính thức Thái Lan của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu, ngoài chương trình tại Bangkok, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm tỉnh Udon Thani. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội dự một số hoạt động, trong đó có khai trương phố Việt Nam đầu tiên tại Thái Lan và mang tên Vietnam Town. 

Tôi xin nói thêm, trên thế giới cũng có một số phố tên VietNam nhưng chưa có phố nào mang tên là Vietnam Town. Thuật ngữ “Vietnam Town” lần đầu tiên xuất hiện là con phố này.

Trước hết, đây là một công trình hữu nghị giữa hai nước, nếu không có tình hữu nghị Việt Nam-Thái Lan thì không có Vietnam Town. 

Quan hệ Việt Nam và Thái Lan đang phát triển ở mức rất cao, có thể nói là tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Hai nước đã trở thành Đối tác chiến lược vào năm 2013 và sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào thời điểm phù hợp.

Hợp tác hai nước được triển khai đồng đều trên tất cả lĩnh vực từ ngoại giao, chính trị, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân... Hợp tác kinh tế là một trong những điểm sáng. 

Sự hợp tác toàn diện và mối quan hệ hữu nghị truyền thống là nền tảng, tạo điều kiện khách quan để Phố Việt Nam có mặt tại Thái Lan. 

Udon Thani có rất đông người Việt Nam, người Thái gốc Việt sinh sống với số lượng từ 50.000-60.000 người. Trước đây con phố này rất yên ắng, hầu như không có hoạt động gì. Chúng tôi và Hội người Việt Nam ở Udon Thani cùng chính quyền Udon Thani bàn bạc, đi đến quyết tâm xây dựng con phố. Vietnam Town vừa là phố ẩm thực, vừa là phố văn hóa, vừa là nơi giao lưu của người Việt tại Thái Lan, đồng thời là điểm du lịch mới cho địa phương.

Việc thành lập con phố còn nhận được sự ủng hộ của Hoàng gia Thái Lan, nếu không có sự ủng hộ của Hoàng gia thì không thể thành công được. Ngoài ra là sự ủng hộ của bộ, ngành, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và đặc biệt chính quyền tỉnh Udon Thani.

Về văn hóa, đây là nơi bà con người Việt gặp nhau, nói tiếng Việt, ăn món Việt rồi bàn những công việc về người Việt. Cảnh quan, kiến trúc như là phố ở Việt Nam với những bức tranh về Chùa Một cột, danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Về kinh tế, đây là phố ẩm thực với rất nhiều món ăn Việt Nam được bày bán, thu hút khách từ Thái Lan và các nước khác, cả khách từ Việt Nam sang.

Người dân ở đấy rất tự hào, sau một sáng thức dậy có con phố Vietnam Town – như chuyện cổ tích vậy. Sau khi khu phố được khai trương, qua dư luận tôi được biết người dân trong nước cũng rất vui, muốn sang thăm, trải nghiệm.

Tôi hy vọng tại một số nước có đông kiều bào Việt Nam cũng sẽ có những khu phố Vietnam Town tương tự như ở Thái Lan.

Tôi cũng thông báo một tin vui, ngay sau khi khánh thành Vietnam Town, ngày 11/12/2023, tôi đã đến thành phố Nakhon Pathom - nơi tập trung rất đông người Việt Nam để động thổ phố Việt Nam thứ hai, mang tên Vietnam Town Nakhon Pathom. Hy vọng năm 2024 phố Vietnam Town thứ hai tại Thái Lan sẽ hoàn thành.

Ngoài ra còn phải kể đến một công trình khác rất quan trọng, đó là thành lập Trung tâm Việt Nam học đầu tiên tại Thái Lan. Trước đây chúng ta có trung tâm châu Á học, trung tâm nghiên cứu về các nước, nhưng có lẽ có rất ít trung tâm nghiên cứu về Việt Nam tại một trường đại học danh tiếng của Thái Lan - Đại học Hoàng gia Rajabhat Udon Thani. Việc ra mắt Trung tâm Việt Nam học và vừa qua Chủ tịch Quốc hội đến thăm trung tâm là một tin rất vui.

Sứ quán đã hỗ trợ tài liệu, sách vở và kêu gọi các trường đại học Việt Nam tạo quan hệ đối tác, hỗ trợ Trung tâm Việt Nam học.

Còn về ngoại giao kinh tế tại Thái Lan trong năm qua được triển khai như thế nào, có những điểm nhấn gì nổi bật, thưa Đại sứ? 

Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3/2022, đến tháng 7/2022 Đại sứ Việt Nam dẫn đầu một đoàn hơn 40 doanh nghiệp Thái Lan (trong đó có nhiều doanh nghiệp người Thái gốc Việt) về kết nối đầu tư thương mại, du lịch tại 6 tỉnh, thành trọng điểm của Việt Nam là Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, TP.HCM, Bắc Giang, Hà Nội. Chuyến làm việc mang lại kết quả rất tốt.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá đây là một sáng kiến mới nhằm kết nối lại hợp tác giữa địa phương với doanh nghiệp hai nước. 

Trên đà kết quả chuyến thăm đó, Hội doanh nhân Thái-Việt đã tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp người Việt tại Lào và Thái Lan, Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Thái Lan. 

Tháng 11/2023 lần đầu tiên Diễn đàn doanh nghiệp người Việt 5 nước là Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar được tổ chức. Tôi hy vọng diễn đàn này sẽ được tổ chức hàng năm, tạo ra sân chơi liên kết, xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa Việt Nam trong tiểu vùng Mekong và hỗ trợ nhau làm kinh doanh.

Hơn 2 năm trước, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cùng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Thái Lan đã họp lại và quyết định thành lập Phòng thương mại Việt Nam tại Thái Lan. Đây là Phòng thương mại Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên trên thế giới lấy tên là VietCham Thailand. 

Tháng 10/2023, VietCham Thailand đã có giấy phép và trong chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, VietCham Thailand đã chính thức ra mắt. Sự kiện gây tiếng vang lớn với cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Lan. Bởi VietCham Thailand là một mô hình mới đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại nước ngoài. 

VietCham ra đời tập hợp đông đảo doanh nghiệp ở Việt Nam làm ăn, kinh doanh tại Thái Lan, xứng đáng trở thành mô hình về ngoại giao kinh tế trong bối cảnh mới.

Tôi hy vọng sau này có thêm VietCham tại các nước khác trong khối ASEAN, châu Âu hay ở châu Mỹ…Khi đó sẽ tạo thành một hệ thống Phòng thương mại Việt Nam tại các nước và góp phần nâng tầm doanh nghiệp Việt, tạo sự liên kết trong hoạt động của doanh nghiệp Việt. 

Tại một số nước đã có hình thức liên kết là Hiệp hội các doanh nghiệp nhưng chưa tổ chức thành Phòng thương mại, đây là hình thức với mức độ liên kết cao hơn, bài bản hơn. Trong tương lai, nếu có sự phối kết hợp Đại sứ quán Việt Nam tại các nước lập nên các Phòng Thương mại Việt Nam thì sẽ tạo thành một kênh hiệu quả để triển khai ngoại giao kinh tế. 

Chúng tôi đã bàn với lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và được nhất trí, Liên đoàn sẽ xây dựng một đề án để trình Chính phủ phát triển mạng lưới VietCham trên thế giới. 

Ngoài ra chúng tôi triển khai hình thức ngoại giao kinh tế truyền thống như: Ngoại giao tập đoàn, ngoại giao vắc xin, ngoại giao năng lượng…cũng rất hiệu quả

Chúng tôi đã linh hoạt, bài bản khi vừa thực hiện ngoại giao kinh tế truyền thống nhưng có cách đi, hướng làm riêng, được lãnh đạo Nhà nước biểu dương, hoan nghênh.

Tháng 11/2022, hai nước đã ra Tuyên bố chung có đề cập đến chương trình hợp tác rất quan trọng đó là Chiến lược “Ba kết nối”. Xin Đại sứ cho biết hợp tác này đang diễn ra như thế nào?

Tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Thái Lan tháng 11/2022 đã đề ra Chiến lược “Ba kết nối”

Chiến lược "Ba kết nối" gồm: kết nối chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ lẫn nhau; kết nối nền kinh tế cơ sở, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với địa phương; kết nối chiến lược phát triển bền vững giữa các chính sách kinh tế sinh học - kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh của Thái Lan và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.

Đây là sự hợp tác rất sáng tạo, hiệu quả trong tương lai giữa Việt Nam và Thái Lan. Chiến lược này phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới. 

Trong một năm trở lại đây, các cơ quan hai nước đang triển khai chương trình hành động thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022-2027, trong đó lồng ghép triển khai Chiến lược “Ba kết nối”.

Sắp tới cần có những hoạt động để nâng cao nhận thức cho công chúng; đề ra chương trình hợp tác, biện pháp phù hợp đẩy mạnh “Ba kết nối” nhất là kết nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết nối chuỗi cung ứng giữa hai nước. 

Với những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội 13 đề ra từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế đến ngoại giao văn hóa, thời gian tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ có những sáng kiến hoặc đề xuất gì để tiếp tục triển khai ngoại giao toàn diện?

Quan hệ Việt Nam-Thái Lan rất đặc thù, chúng ta đều là thành viên trong gia đình ASEAN. 

Về kinh tế Thái Lan là đối tác thương mại đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN và thứ 9 trong tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2022, hai nước đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 kim ngạch thương mại đạt 25 tỷ USD, thậm chí có ý kiến cho rằng cần phải phấn đấu 30 tỷ USD, bởi dư địa thương mại hai nước vẫn rất lớn. 

Phấn đấu tăng kim ngạch nhưng theo hướng cân bằng hơn. Việt Nam nhập siêu khá lớn từ Thái Lan, nguyên dân do cơ cấu kinh tế của hai nước, bạn có nhiều hàng hóa chất lượng cao mà Việt Nam có nhu cầu. Công tác xúc tiến thương mại từ phía Thái Lan làm rất tốt. Ngoài ra, đầu tư Thái Lan vào Việt Nam cao hơn hẳn so với đầu tư Việt Nam vào Thái Lan.

Theo tôi, hai nước cũng cần công bằng khi cam kết mở cửa thị trường cho nhau, không có hạn chế hàng rào kỹ thuật để ngăn cản thương mại. Việc Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan không phải vấn đề quá tiêu cực.

Hiện đầu tư Việt Nam sang Thái Lan còn tương đối khiêm tốn, chúng tôi mong rằng thông qua hoạt động của VietCham Thailand sẽ thúc đẩy, kêu gọi thêm đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có Thái Lan.

Trong ngoại giao văn hóa chúng tôi tiếp tục thúc đẩy với phía ban để thành lập các trung tâm Việt Nam học tại một số trường đại học khác. Hiện nay tại Việt Nam có 3 trung tâm Thái Lan học và phía bạn cũng ủng hộ việc thành lập số trung tâm Việt Nam học tương ứng tại Thái Lan.

Trên đà kết quả của 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Thái Lan (2013-2023), hai nước thống nhất nhận thức chung rằng quan hệ phát triển đến mức phải tính toán đến việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

>> Kỳ tới: Quảng bá Việt Nam từ những dòng trạng thái hàng nghìn lượt thích

Thiết kế: Thu Hằng

Ảnh: TTXVN, Cổng TTĐT Quốc hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan