Queens được mệnh danh là 'thủ đô của ngôn ngữ' khi chỉ vỏn vẹn trên Đại lộ Roosevelt cắt ngang qua đây đã có tới hơn 300 thứ tiếng được người dân sử dụng.

Trái: Một nhóm bạn người Mỹ da màu từ Texas tới quận Queens, New York để xem giải quần vợt Mỹ Mở rộng được tổ chức hàng năm.

Phải: Chân dung gia đình anh Maricar xuất thân từ Ấn Độ, hiện đang sống ở Queens, New York.

Đại lộ Roosevelt được biết tới như một trong những khu dân cư đa dạng về sắc tộc nhất trên Trái đất. Tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bengali, tiếng Punjabi, tiếng Mixtec, tiếng Seke và tiếng Kuranko nằm trong số hàng trăm ngôn ngữ được sử dụng ở đây. Phở hay bánh mì Việt Nam, bánh bao Nepal, mì Hàn Quốc, rùa Mexico, bánh empanadas Colombia, cà ri Thái Lan và các món sốt chua cay của Nam Ấn Độ chỉ là một số trong số rất nhiều lựa chọn trong thế giới ẩm thực trên đại lộ nổi tiếng này.

Những quán ăn vỉa hè bán những thức quà truyền thống từ khắp nơi trên thế giới đều có mặt trên Đại lộ Rooservelt

Đi từ dãy nhà này sang dãy nhà khác — qua các vùng lân cận như Elmhurst, Corona hay Jackson Heights, du khách sẽ cảm thấy mình như đang băng qua các lục địa. Các quảng trường và công viên luôn tấp nập những người bán bánh mì tam giác, bắp bò hay ngô nướng. Các Phật tử Tây Tạng, thông thạo các ngôn ngữ bản địa trên dãy Himalaya, đi bộ hành trong những chiếc áo choàng màu đỏ cam. Các khu chợ lề đường của người Bangladesh đầy ắp những thùng gừng, tỏi và những quả mít khổng lồ, đang được chọn mua đầy sôi động.

Cộng đồng người Sherpa ở Queens đang thực hiện một nghi lễ truyền thống trên đường phố

Đại lộ Roosevelt là một trong những huyết mạch thương mại và cuộc sống của người dân New York. Con đường luôn ồn ào, đầy sôi động và đôi lúc trở nên hỗn loạn. Du khách biết mình đang ở trên Roosevelt khi thấy đoàn tàu số 7 trên cao chạy ngang, phủ bóng mờ của đường ray xuống dưới.

Tuyến tàu điện số 7 của New York chạy dọc theo Đại lộ Rooservelt của quận Queens

Dọc con đường là san sát những cửa hàng, văn phòng nhỏ với những biển hiệu quảng cáo bằng đủ các thứ tiếng như “Cơ hội làm việc ở Sherpa”, “Đào tạo xây dựng”, “Irma Travel: Gửi tiền và Gửi hàng liên tỉnh” được dán trên khắp các khung cửa sổ và cột đèn đường.

Một nhóm cụ ông chủ yếu đến từ Puerto Rico và Cộng hòa Dominica, chơi domino vào một buổi chiều tại Corona Plaza

Đầu đại lộ là một biển báo với khẩu hiệu: "Queens: Trung tâm của thế giới". Tuy nhiên, mùa xuân năm 2020, đại dịch Covid-19 dường như đã tàn phá điểm đến nổi tiếng bậc nhất New York này. Người lao động mất việc hàng loạt, các tài xế taxi, đầu bếp hay thợ xây đều phải ở nhà khi virus lây lan nhanh chóng. Bệnh viện Elmhurst ở đây được coi là "tâm chấn của tâm chấn" trong đợt bùng phát dịch đầu tiên ở New York.

Đại dịch bùng phát khiến nhiều người nhập cư ở Queens lâm vào cảnh thất nghiệp, khó khăn

Tuy vậy, những người nhập cư ở đây vẫn có thể dựa vào sự giúp đỡ của người thân ở quê nhà từ Mexico, Ecuador, Bangladesh hay Nepal. Và chỉ trong một thời gian rất ngắn, Roosevelt và những con phố xung quanh nó đã dần hồi phục và lấy lại được sự sôi động vốn có.

Người dân nơi đây đang dần lấy lại được niềm vui và sự sôi động sau nhiều tháng khó khăn vì dịch bệnh

Đỗ An (Theo National Geographic)