Ngày 10/01/1840, Vua Minh mạng ra chỉ dụ chuẩn y sớ tấu của Tổng đốc Hải An (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) cho phép khai thác than ở Quảng Ninh. 

Khi thực dân Pháp bình định được xứ Bắc Kỳ, buộc triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Quý Mùi vào tháng 8/1883, hoạt động khai khoáng thực sự bắt đầu với quy mô lớn. Công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là hoạt động khai thác than là nguồn thu ngân sách quan trọng của chính quyền thuộc địa tại Việt Nam.

Năm 1888 công ty khai mỏ đầu tiên tại Đông Dương (Công ty Than Bắc Kỳ) ra đời. Năm 1924 Công ty Than Hạ Long - Đồng Đăng (1924) thành lập. Vùng mỏ Quảng Ninh hình thành; sản lượng khai thác than hàng năm tăng nhanh từ khoảng 3.000 tấn năm 1890 lên hơn 500.000 tấn trong năm 1913; đạt mức cao nhất 2.615.000 tấn vào năm 1939. 

Quảng Ninh trở thành khu vực công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và Liên bang Đông Dương, cung cấp than chủ yếu cho xuất khẩu.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Trung ương bắt đầu gửi một số đảng viên, chiến sĩ hoạt động cách mạng đi vô sản hoá vùng mỏ. Cuối tháng 2/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh được thành lập ở Mạo Khê (Đông Triều). 

Năm 1936, khi đã có rất nhiều chi bộ hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chi bộ vùng mỏ Quảng Ninh đã lãnh đạo thành công cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 với sự tham gia của hơn 3 vạn phu mỏ theo khẩu hiệu trọng tâm là “kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”. Ngày 12/11 từ đó trở thành “Ngày Vùng mỏ bất khuất”, nay đổi tên thành Ngày truyền thống công nhân vùng mỏ, Ngày truyền thống ngành Than. 

Thợ mỏ Quảng Ninh cũng sát cánh cùng nhân dân cả nước giành chính quyền năm 1945, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và tiếp quản vùng mỏ ngày 25/4/1955. 

Trong chiến tranh, mọi hoạt động trên đất mỏ không chỉ vẫn ổn định mà còn phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1975 của tỉnh Quảng Ninh đạt 2.169 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với năm 1965 (giá cố định 1970). Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1975 bằng 1,21 lần so với năm 1965.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết nhân dân Uông Bí, công nhân công trường xây dựng Nhà máy Điện Uông Bí, Xuân Ất Tỵ 1965 (Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh)

Mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH theo cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976). Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng chất lượng sống. Hàng vạn công nhân ngày đêm bám mỏ để sản xuất thật nhiều than đóng góp cho kinh tế đất nước. 

Ngay giai đoạn này, Quảng Ninh đã thành lập đoàn tàu viễn dương để giao thương với nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa. Ngoại tệ thu được để đầu tư cho các ngành, các địa phương trong tỉnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tích lũy.

Giai đoạn Đổi mới, thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986), tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Việc thực thi cơ chế chính sách đổi mới đã mang đến một diện mạo mới và bước phát triển nhanh chóng cho Quảng Ninh. GDP tăng bình quân từ 9,6%/ năm giai đoạn 1986-1995 lên 12,65%/ năm trong giai đoạn 1996-2005, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm từ 18 đến 20% năm… Từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70%-80% về ngân sách, đến năm 1995, Quảng Ninh đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm…

Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, công nhân ngành than tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tàu công nghiệp của miền Bắc.

Quảng Ninh đã có bước tiến đáng kể trong việc dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nông nghiệp và khai thác than; ngành dịch vụ chiếm 37% tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh thu hút được khối lượng đầu tư lớn. Vốn đầu tư phát triển tăng gấp đôi từ 16,5 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 38,4 nghìn tỷ đồng năm 2011. Mức vốn đầu tư trung bình hàng năm đạt 96% GDP, lớn gấp 2,3 lần mức đầu tư trung bình của Việt Nam.

Tổng thu ngân sách nhà nước tăng hơn 5 lần từ 6,679 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 37,398 nghìn tỷ đồng năm 2011. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi công nhân công ty CP Than Vàng Danh

Sau 60 năm xây dựng và phát triển (30/10/1963 - 30/10/2023), Quảng Ninh vươn mình trở thành trung tâm công nghiệp than, nhiệt điện và vật liệu xây dựng của cả nước; là khu vực trọng điểm phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu nhập đầu người duy trì ở mức cao.

Quảng Ninh cũng là một trong số ít tỉnh tự cân đối ngân sách và chủ động đổi mới trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đột phá trong cải cách hành chính, phương thức đầu tư kết cấu hạ tầng và xây dựng đô thị; giữ vững quốc phòng - an ninh.

Lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của Quảng Ninh đã minh chứng: Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của ngành Than là biểu tượng sức mạnh đoàn kết, tinh thần “thép” giúp không chỉ ngành Than, mà còn đưa quân và dân toàn tỉnh vượt khó thành công.

Như phân tích của ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Sự phát triển của Quảng Ninh và sự phát triển của ngành Than dựa trên quan hệ cộng sinh, gắn bó hữu cơ “hai trong một”. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới phương thức phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh của tỉnh Quảng Ninh có ý nghĩa chiến lược, tạo tiền đề quan trọng để ngành Than vận động cùng chiều với xu hướng chung, tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và phát triển bền vững; nhờ đó  công nhân lao động ngành Than được hưởng thành quả phát triển của tỉnh, yên tâm gắn bó lâu dài với Đất mỏ.

Ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: “Giá trị tinh thần Kỷ luật và Đồng tâm cùng những bài học kinh nghiệm được chung đúc từ chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong bản sắc văn hóa Người thợ Mỏ, Người dân Đất Mỏ”.

Tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" là sức mạnh to lớn đưa Quảng Ninh phát triển bứt phá sau 60 năm thành lập (Ảnh: TKV)

Với truyền thống kiên cường vượt khó, “Kỷ luật và Đồng tâm”, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần nỗ lực vươn lên, quyết tâm đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển bứt phá, ngành Than Quảng Ninh trở thành một trong 3 trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Đối mặt với những thách thức mới khi mà trữ lượng khai thác than lộ thiên ngày càng cạn kiệt, các mỏ hầm lò ngày càng xuống sâu, kéo theo chi phí về thăm dò, khai thác, vận chuyển, an toàn bảo hộ lao động, môi trường... đều tăng lên. Nhất là khi  Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp; đóng góp của ngành Than vào tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh có xu hướng giảm dần từ 35% trong cơ cấu GRDP năm 2010 xuống 21,3% (năm 2015), và 19,1% năm 2020.

Trước yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới, các thế hệ thợ mỏ và người dân Quảng Ninh tiếp tục nêu cao tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, cùng nhau ngày đêm cống hiến, viết tiếp những trang sử tự hào của Đất Mỏ. Quyết tâm hiện thực hóa tâm nguyện của Bác Hồ “xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Bài:  Quảng Hiếu
Thiết kế: Hồng Anh