Với sản lượng một năm đạt 40 triệu tấn than, 6,5 triệu tấn đá vôi xi măng những năm trước 2010, Quảng Ninh dường như đã đứng trên đỉnh cao của ngành kinh tế “nâu”, tức là phụ thuộc gần như toàn bộ vào khai khoáng. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, tỉnh đã sớm nhận diện những bất cập do mô hình tăng trưởng không bền vững và sự thoái trào sau đỉnh cao, nếu chỉ chờ vào những mỏ than lộ thiên đang dần cạn kiệt sau hàng thế kỷ, hay đầu tư tốn kém vào khai thác hầm lò. Đó là chưa kể những hậu quả ô nhiễm môi trường từ việc gắn bó lâu dài với công nghiệp “nâu”.

Chính vì vậy, khi ngành công nghiệp Quảng Ninh vẫn đang phát triển mạnh, áp đảo cả về tỷ trọng cơ cấu kinh tế và số thu ngân sách địa phương so với các ngành kinh tế khác, tỉnh đã định hướng chuyển đổi mục tiêu tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” một cách bền vững.

Từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh xác định tầm nhìn chiến lược của tỉnh là tạo bước phát triển đột phá, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020, địa phương đi đầu trong cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020.

Xác định thực hiện tăng trưởng xanh dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Qua đó, dần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển, trên cơ sở định vị được tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của địa phương đặt trong bối cảnh khu vực, quốc gia, quốc tế.

Để tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, mục tiêu tăng trưởng xanh của Quảng Ninh đã được đưa ra bàn và nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cũng như của nhân dân trong tỉnh tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2015-2020). Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc và cả nước...

Nhận thức được hạn chế của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ mạnh để thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển. Quảng Ninh đã từng bước chuyển đổi phương thức đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, xác định ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội làm đòn bẩy để phát triển nhanh, bền vững.

Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2014 Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển theo hướng: Một tâm, hai tuyến đa chiều và 2 mũi đột phá là KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái. Tâm TP.Hạ Long là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh. Tuyến hành lang Đông - Tây được ví là “đôi cánh” để Quảng Ninh hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc của Việt Nam.

Ngay trong giai đoạn quy hoạch, Quảng Ninh đã định hình rất rõ sự phát triển tuyến hành lang Đông - Tây của tỉnh. 

Cụ thể, tuyến hành lang phía Tây được xác định từ TP. Hạ Long đến TX. Đông Triều, hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Tuyến hành lang này sẽ phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; trong đó khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh. Tuyến hành lang phía Đông, xuất phát từ TP. Hạ Long đến TP. Móng Cái và hướng tới thị trường Đông Bắc Á, sẽ phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp.

Cụ thể, tuyến hành lang phía Tây, các địa phương: Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều ngoài việc sở hữu những giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, tâm linh, còn là địa bàn giáp ranh các địa phương khác trong cả nước, có lợi thế lớn để phát triển dịch vụ, cảng biển, logistics, đô thị hiện đại, công nghệ cao…

Đối với tuyến hành lang phía Đông, trọng tâm là các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái, vốn từ lâu đã có thế mạnh trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Từ nền tảng này, có thể định hình để phát triển các ngành này ở mức cao hơn, như: Công nghiệp công nghệ cao; du lịch biển đảo đẳng cấp, quy mô; phát triển chuỗi đô thị thông minh... Các địa phương còn lại trong tuyến hành lang phía Đông, cũng có những lợi thế nhất định để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Đầm Hà; phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc ở Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ...

Tháng 9/2020, Quảng Ninh tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. 

Xác định Hạ tầng phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Quảng Ninh dành nguồn lực đầu tư các dự án, công trình, hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH. Trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh cũng như liên tỉnh, thành.

Tỉnh đã kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng CNTT, viễn thông, hạ tầng các KCN, KKT, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Kết quả, Quảng Ninh nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cho tuyến hành lang Đông - Tây, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Từ năm 2015, khi thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến thành lập KKT ven biển Quảng Yên với cơ chế, chính sách tương đương KKT Đình Vũ - Cát Hải (TP. Hải Phòng). Cùng với tuyến cao tốc này, tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều cũng được triển khai nghiên cứu, thực hiện. Tỉnh đã hoàn thành tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nhằm hoàn thiện hạ tầng kết nối đồng bộ tuyến hành lang Đông - Tây nội tỉnh; đồng thời, tạo thuận lợi đối với hạ tầng giao thông các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Quảng Ninh là tỉnh sở hữu tuyến cao tốc dài nhất nước. Trong đó riêng Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80km, quy mô 4 làn xe, qua 32 cây cầu vượt biển, sông suối; tổng mức đầu tư ban đầu hơn 12 nghìn tỷ đồng.

Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu; hệ thống giao thông khu vực nông thôn, miền núi được tỉnh quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực... Qua đó tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền trong tỉnh.

Hạ tầng KCN, khu kinh tế tiếp tục được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư, hình thành các trung tâm kinh tế trọng điểm, động lực. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh. Quảng Ninh hiện có 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I là Hạ Long trực thuộc tỉnh, 3 đô thị loại II (Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí), 2 đô thị loại III (Đông Triều, Quảng Yên)... Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 68,5%, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước.

Các hạ tầng khác như CNTT, viễn thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao... được Quảng Ninh quan tâm đầu tư, hoàn thiện đồng bộ. Đến nay hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số toàn diện tỉnh, bảo đảm phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng của hệ thống chính quyền điện tử và nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân. Tỉnh xây dựng Bệnh viện Lão khoa, cải tạo nâng cấp Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần, trung tâm y tế tuyến xã. Đồng thời đầu tư Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh... đảm bảo hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng y tế xã hội từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Sau 60 năm nỗ lực vượt mọi khó khăn để xây dựng và phát triển (30/10 (1963 - 30/10/2023), tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu quan trọng và những dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện. 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số; tốc độ đô thị hóa đứng Top đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng tăng trưởng cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững.

Đến nay, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Những thành tích to lớn, dấu ấn nổi bật minh chứng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá của Quảng Ninh với những định hướng chiến lược, từ đó cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Đây chính là “luồng gió mới” thổi bùng khát vọng phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.

Bài: Quảng Hiếu
Thiết kế: Ngọc Nguyễn