U23 Việt Nam "chốt sổ" HCV cho đoàn TTVN
Trên SVĐ Mỹ Đình, được tiếp lửa từ 4 vạn khán giả, U23 Việt Nam đánh bại Thái Lan bằng pha ghi bàn duy nhất của Nhâm Mạnh Dũng ở phút thứ 83, bảo vệ tấm HCV SEA Games danh giá.
Một chiến thắng đầy cảm xúc và cũng rất thuyết phục, bởi U23 Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn trước khi đi tới cái đích cuối cùng. Thầy trò HLV Park Hang Seo còn làm nên kỷ lục khi hai lần giành HCV SEA Games liên tiếp và không để thủng lưới ở một kỳ đại hội.
Ngôi vô địch của U23 Việt Nam giúp đoàn TTVN "chốt sổ" SEA Games 31, giành ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 446 huy chương, trong đó có 205 HCV, 125 HCB và 116 HCĐ. Thành tích của Việt Nam phá vỡ kỷ lục 194 HCV mà đoàn Indonesia giành được ở SEA Games 19 tổ chức năm 1997.
Không chỉ áp đảo các đoàn khác về tổng huy chương, giành HCV ở hai môn thể thao vua là bóng đá nam-nữ, đoàn TTVN còn thi đấu thành công ở các môn Olympic cơ bản, trong đó đáng chú ý là điền kinh và bơi.
Đội tuyển điền kinh giành 22 HCV, vượt xa Thái Lan xếp nhất toàn đoàn. Ở môn bơi, dù không có Ánh Viên nhưng Huy Hoàng và các đồng đội giành 11 HCV, đứng sau cường quốc bơi lội của khu vực là Singapore.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thắng lớn ở các môn vật (17/18 HCV), wushu (10 HCV), taekwondo (9 HCV), canoeing (8 HCV), rowing (8 HCV), kurash (7 HCV), pencak silat (6 HCV), karate (7 HCV), cờ vua (7 HCV)...
Một kỳ SEA Games fair-play
Theo thống kê, đoàn TTVN giành được 119 HCV các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 58% tổng số HCV đã đạt được tại SEA Games 31.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN, ông Nguyễn Đức Phấn đánh giá: "Ở các môn Olympic, đoàn TTVN thi đấu tốt và có thành tích vượt dự liệu. Chúng ta giành được thành tích cao không phải vì nhờ tới những môn đặc thù chủ nhà để vượt lên các đối thủ. Điều này cho thấy thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng".
Ông Phấn cũng nhấn mạnh: “SEA Games 31 là sân chơi công bằng, sòng phẳng. Việt Nam không đưa thế mạnh của mình, mà hạn chế thế mạnh của bạn. Việc đoàn TTVN thi đấu thành công phần lớn đến từ việc nhiều VĐV đã vượt qua chính mình khi thể hiện quyết tâm cao nhất. Những kỳ SEA Games gần đây ta luôn đứng trong 3 nước dẫn đầu Đại hội, nên lần này giành ngôi nhất không phải là bất ngờ".
Thực tế cho thấy, những cuộc tranh tài ở điền kinh, bơi lội, bắn súng, đua thuyền, taekwondo, vật... luôn diễn ra một cách sòng phẳng. Đáng chú ý, tại SEA Games năm nay, BTC đã mời hơn 1.300 trọng tài quốc tế điều hành các trận đấu để tạo tính khách quan, công bằng.
Có những môn chấm điểm cảm tính như pencak silat thậm chí còn có "công nghệ VAR" để xem lại những tình huống gây tranh cãi. Các môn điền kinh, bơi lội, bắn súng... đều có các thiết bị tính điểm hiện đại nhất.
Sự quyết tâm tạo nên một kỳ SEA Games "fair-play" nhất trong lịch sử của chủ nhà Việt Nam càng khiến những tấm HCV mà các VĐV giành được là thực chất, gần như không có những cuộc kiện cáo tốn nhiều giấy mực báo chí như các kỳ đại hội trước.
Từ SEA Games tới Asiad, Olympic
Đoàn TTVN có một kỳ SEA Games thành công, và giờ đây các nhà quản lý thể thao nước nhà phải giải được bài toán tranh chấp huy chương ở những đấu trường lớn hơn như Asiad hay Olympic.
Ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh: "Khi tập trung đầu tư cho SEA Games, thể thao Việt Nam giải được bài toán thành tích tại đấu trường Đông Nam Á. Dù vậy tại sân chơi Asiad, Olympic phải tìm giải pháp khác, cần có sự khoanh vùng, đầu tư trọng điểm".
Thực tế thì Việt Nam giành nhiều HCV ở các môn Olympic, không có nghĩa chúng ta đạt tới tầm thế giới. Nói như ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Việt Nam thắng lớn về HCV nhưng thành tích tầm Asiad hay Olympic lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đơn cử như điền kinh, Nguyễn Thị Oanh xô đổ kỷ lục cũ 10 phút 0 giây 02 của chính mình ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật bằng thành tích 9 phút 52 giây 44, nhưng không có cửa tranh huy chương Asiad. Tương tự các nội dung nhảy cao, nhảy xa, các cự ly chạy trung bình, dài, tiếp sức... cũng chỉ có thể "làm mưa làm gió" ở đấu trường khu vực, chưa đạt được thông số để có thể vượt qua vòng loại Olympic chứ chưa muốn nói tới việc tranh chấp huy chương.
Điểm sáng ở môn bơi là Huy Hoàng được ngành thể thao nhắm tới tấm HCV tại Asiad 19. Còn với sân chơi Olympic, mục tiêu của kình ngư người Quảng Bình vẫn là vượt qua vòng loại.
Tương tự ở hầu hết các môn Olympic khác, chúng ta mới chỉ khẳng định sức mạnh bằng kỷ lục HCV, chứ chưa tiệm cận được thành tích có huy chương ở Asiad hay Olympic.
"Ta chưa khoanh vùng để tập trung đầu tư đầy đủ, bài bản cho Asiad theo cách quốc tế làm. Số vận động viên Việt Nam có thể giành huy chương vàng Asiad rất ít.
Phải có chiến lược bài bản để đầu tư cho các VĐV, các nội dung ở một số môn thi có khả năng giành HCV Asiad, huy chương Olympic. Với thực lực hiện nay thì 20 năm nữa bơi lội, điền kinh Việt Nam cũng không có huy chương Olympic. Kình ngư Huy Hoàng rất xuất sắc nhưng chỉ đặt mục tiêu ở Asiad chứ giành huy chương Olympic là không khả thi", ông Trần Đức Phấn thừa nhận.
Song Ngư