Sức hút đặc biệt từ những người lính khổ luyện trên thao trường
Phòng không không quân, công binh, đặc công... là ba trong nhiều lực lượng quân đội nòng cốt của Việt Nam, ngày đêm tham gia huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Thuộc những lực lượng mũi nhọn và tinh nhuệ, mỗi một người lính đều phải có thể lực tốt, nhanh nhẹn, mưu trí, gan dạ và trình độ võ thuật cao.
Quân chủng Phòng không - Không quân là một trong những đơn vị quân đội nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Hình ảnh những ngày giữa tháng 8 vừa qua tại khu vực Sân bay Hòa Lạc (Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân), các tổ bay tham gia hội thao tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không.
Hội thao nhằm kiểm tra trình độ, năng lực của phi công, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đường không của các đơn vị không quân trực thăng trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ bay tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đường không.
Cách đây 2 tháng, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức cuộc diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật lực lượng phòng không năm 2024, với sự tham gia của 6 sư đoàn phòng không tại Trường bắn Quốc gia khu vực 1 (Bắc Giang) và lực lượng bộ đội tên lửa, pháo phòng không.
Hội thao bao gồm phần thi lý thuyết và thực hành cứu hộ, cứu nạn đường không. Trong đó phần thực hành đòi hỏi các tổ bay và đội tìm kiếm cứu nạn đường không thực hành bay cẩu vớt người bị nạn. Mỗi tổ, đội thực hiện nội dung bay cẩu 300kg và cẩu 150kg trên máy bay Mi-171.
Tiểu đoàn 172, Trung đoàn 64, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không - Không quân) là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng trời sân bay Nội Bài (Hà Nội). Đơn vị được biên chế tổ hợp tên lửa A89 (9K35 Strela-10) được mệnh danh là "sát thủ" của các mục tiêu tầm thấp.
Các cuộc diễn tập thường xuyên diễn ra nhằm nâng cao trình độ về khẩu lệnh, hành động, thao tác... cho cán bộ, chiến sĩ. Ngoài việc huấn luyện về lý thuyết thì đơn vị cũng rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ tâm lý, thể lực để nâng cao khả năng thích ứng của bộ đội trong mọi điều kiện thời tiết.
Lữ đoàn xe tăng 409 (Quân khu 1) là một trong những đơn vị được trang bị loại xe tăng T-54B cải tiến. Cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Xe tăng 409 đã nhanh chóng làm chủ loại khí tài này và tham gia nhiều đợt diễn tập.
Đại úy Nguyễn Đức Tùng, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn Xe tăng 409 (bên phải) chia sẻ, ban đầu các cán bộ, chiến sĩ cũng gặp những khó khăn nhất định khi làm quen với các thiết bị mới. Tuy nhiên với nhiều nỗ lực và quyết tâm, sau một thời gian ngắn họ đã làm chủ loại khí tài này, thực hiện thành công nhiều đợt diễn tập.
Tiểu đoàn 93, Binh chủng Công binh được coi là đơn vị “đặc nhiệm công binh”, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vừa tham gia cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là khắc phục hậu quả sập đổ công trình. Công việc chính của các công binh là dò phá bom mìn, giải cứu người bị nạn trong trường hợp bị hỏa hoạn, đánh bom.
Ngoài việc huấn luyện chiến đấu theo chương trình chung, các chiến sĩ tại Tiểu đoàn 93còn có những nhiệm vụ chống bạo loạn, phòng chống khủng bố, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đầu tháng 2/2023, thảm họa động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hàng nghìn người thương vong và gây thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất. Cùng với lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, những người lính Công binh Việt Nam đã cấp tốc hành quân tới quốc gia Hồi giáo này để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt chưa có tiền lệ.
Lữ đoàn Đặc công 113 (Binh chủng Đặc công) cũng là một trong nhiều đơn vị quân đội thường xuyên tổ chức luyện tập, tăng khả năng cơ động tác chiến và trình độ kỹ, chiến thuật cho cán bộ, chiến sĩ ''Đội chống khủng bố'' - một trong những lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ”.
Lữ đoàn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng rất nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, cùng 6 tập thể và 12 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, Lữ đoàn đã vinh dự 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong Binh chủng Đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngoài các nam chiến sĩ còn rất nhiều nữ chiến sĩ đang phục vụ tại các lữ đoàn, đơn vị cơ sở.
Trải qua những bài luyện tập khó, cường độ cao, trong điều kiện khắc nghiệt, những nữ quân nhân của Binh chủng Đặc công đã rất rắn rỏi và mạnh mẽ. Các chiến sĩ đặc công phái đẹp không chỉ có nền tảng thể lực tốt, sức bền, sự dẻo dai mà ngay cả bản lĩnh và tinh thần của họ dường như cũng đã hóa thép.
Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Ba Vì, Hà Nội) - nơi duy nhất đào tạo chó nghiệp vụ cho quân đội, từ khi thành lập năm 1959 đến nay, từ hai chuyên ngành huấn luyện là chó chiến đấu và canh gác mục tiêu đã mở rộng gồm: Chó chiến đấu; phát hiện ma túy; phát hiện chất nổ; tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi hỗ trợ điều tra hình sự. Trường hiện huấn luyện các dòng chó ngoại như becgie, malinois, labrador và golden, hướng tới đào tạo nghiệp vụ chống khủng bố; phát hiện tiền giả; tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; tham gia các nhiệm vụ quốc tế...