Photo Essay

TAM ĐẢO, ĐIỂM DU LỊCH TRÊN MÂY ĐANG BỊ 'BỨC TỬ'

Được ví là Đà Lạt của miền Bắc, từng được gọi là “hòn ngọc của thiên nhiên” nhưng thời gian qua Tam Đảo cũng bị nhiều thay đổi y như thành phố mộng mơ với hàng loạt công trình xây dựng mọc lên. 

Chạy dọc tuyến đường từ trung tâm Tam Đảo dần lên trên cao, phóng tầm mắt ra xa có thể trông thấy thành phố phía dưới chân núi. Tại đây, những khoảng đất có view tiền tỷ đang được tận dụng xây dựng làm homestay, khách sạn dày đặc. Kể từ sau đại dịch Covid-19, nhịp độ phát triển du lịch ở thị trấn trên mây đang phục hồi trở lại. 

Thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cách Hà Nội chỉ khoảng 80km, trong đó có 13km đường đèo, dốc và khó đi. Nhờ nằm trên núi cao, không khí mát mẻ quanh năm (trung bình là 18 độ C - 25 độ C), nơi đây từ lâu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.

Diện tích đất tự nhiên của thị trấn Tam Đảo hiện khoảng 214ha, trong đó đất xây dựng các khu chức năng đô thị 74ha, đất khác hơn 140ha. 

Mảnh đất của gia đình ông An Bình nằm ngay một trục đường gần trung tâm với mặt tiền là lối đi, sau lưng là khoảng không gian thoáng đãng. Ông Bình nói: "Có tiền cũng khó mà mua". Đất này từ đời cha mẹ để lại, nam doanh nhân chỉ việc đầu tư xây dựng dịch vụ lưu trú. Trước đó, tại đây ông đã có 2 khách sạn, nay cho khởi công thêm khách sạn thứ 3 với 6 tầng, dự kiến hoàn thiện vào đợt cuối năm 2023. 

"Bên dưới quảng trường người ta đua nhau xây, nhà sau cao hơn nhà trước. Tầm nhìn có cao đẹp thì cứ vài ba năm lại bị chắn ngang. Miếng đất này nhà tôi cũng chỉ cách quảng trường tầm 1km. Khu này giờ thoáng đãng nhất rồi, chen nhau bên dưới không ăn thua", ông Bình nói.

Giống như ông Bình, mỗi một ông chủ khi làm ăn được lại mở rộng thêm cơ sở. Ngoài ra còn có những nhà đầu tư từ nơi khác về khiến Tam Đảo ngày càng nhan nhản dự án xây dựng chắn hết tầm mắt. Vẻ thơ mộng vốn có bao lâu cứ thế mất dần. 

Nếu chỉ đứng ở trung tâm thị trấn, giờ đây, du khách khó lòng thấy được cảnh trùng điệp phía xa của những dãy núi phủ mây. Hàng loạt tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, dự án sau phải được xây cao hơn dự án trước. Nhà chen nhà, đường xá cũng chật hẹp. Dù đã được phân chia các tuyến đường một chiều việc ách tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. 

Phế thải, vật liệu xây dựng ngổn ngang, Tam Đảo thời điểm này đang bị bức tử. Dòng suối nhỏ chảy giữa trung tâm thị trấn nay cũng trở nên vô hình vì bị quây kín, vứt đầy rác thải. Từ khúc cua cách trung tâm thị trấn khoảng 1km, hàng loạt khách sạn, nhà hàng với đủ loại kiến trúc Âu, Á hỗn tạp được xây dựng san sát nhau. 

Cảnh quan của một địa danh du lịch nổi tiếng nay rất khác. Những cánh rừng, hồ nước bị thu hẹp, nhường chỗ cho các ngôi nhà bê tông cốt thép. Từ một điểm đến khám phá, trải nghiệm thiên nhiên thú vị, Tam Đảo đang ít dần cây xanh và "biến hình" thành đại công trường.

Điển hình trong số các dự án mọc lên ở đây là tổ hợp khách sạn có quy mô đất lên tới 6.876m2, cao đến 12 tầng nổi và 1 tầng hầm do một công ty du lịch dịch vụ làm chủ đầu tư. Công trình này đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó diện tích khu trung tâm thị trấn chỉ vỏn vẹn có 21.530m2, bao gồm cả đất giao thông, hạ tầng.

Phóng viên gặp một nhóm công nhân từ Yên Bái được thuê đến Tam Đảo đảm nhận xây dựng khách sạn trên. Họ được bố trí cho ở tại một căn nhà đã cũ ngay cạnh công trình. Mỗi phòng 10 người, chia theo ca làm việc để đảm bảo tiến độ hoàn thiện. Họ nhận việc tại đây đã hơn 1 năm. Dự án nằm giữa trung tâm quảng trường, được coi là tòa nhà cao nhất đang được xây dựng ngay trung tâm thị trấn.

Những ngày giữa tuần, Tam Đảo vắng khách. Bao trùm lên không gian thị trấn trên mây không phải âm thanh của thiên nhiên, núi rừng mà là những tiếng ồn xây dựng, tiếng khoan đục inh tai nhức óc. Anh Thanh (đến từ Bắc Giang) tranh thủ đưa gia đình đến Tam Đảo du lịch để thay đổi không khí. Anh cho biết, ở quê anh hàng xóm cũng đang thi nhau xây dựng. Ngày nào gia đình anh cũng phải chịu cảnh ồn ào khói bụi, nên cả nhà quyết định đi du lịch để có cảm giác thư thái. "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, ồn ào từ sáng đến chiều không lúc nào ngớt. Tôi ngồi uống cà phê mà cứ 5 phút lại một xe tải chở vật liệu chạy ngang. Du lịch thế này thấy chán quá", anh Thanh cảm thán.

Một điều nghịch lý nữa là cả thị trấn du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo mỗi ngày đón hàng nghìn du khách từ khắp nơi đổ về nhưng không có bãi đỗ xe. Tất cả phương tiện đến đây phải để trên vỉa hè hoặc phía trước các quán ăn, nhà hàng, khách sạn.

Phương Nhi (từ TP.HCM) cho biết, đây là lần đầu cô tới Tam Đảo dù trước đó nghe nói về địa điểm du lịch này rất nhiều. Nữ du khách trẻ cho rằng, không khí tại Tam Đảo khá giống với Đà Lạt tuy nhiên nhỏ quá, không có nhiều lựa chọn về đồ ăn thức uống. "Tôi cảm thấy ngợp bởi chỉ thấy nhà cửa san sát. Các thiết kế không đồng đều nhau, mất thẩm mỹ. Thậm chí mỗi tòa lại quay một hướng, rất khó hiểu", Phương Nhi nói.

Gia đình anh La Văn Trường thuê mặt bằng ngay cạnh quảng trường Tam Đảo để kinh doanh đồ nướng. Trước đây, mặt tiền quán nhìn thẳng ra sân chơi có đài phun nước nên nhiều khách ghé. Vài năm qua khi các khách sạn, nhà nghỉ liên tục mọc lên, view đẹp không còn.

"Xây dựng để phát triển thì cũng hợp lý thôi nhưng mỗi nhà làm một kiểu, mỗi nơi lại quay một hướng dẫn đến lộn xộn, không đồng đều. Như công trình trước mặt nhà tôi, xây đến gần 3 năm nay rồi chưa thấy xong. Ngày nào cũng nghe tiếng khoan đục đến nhức cả đầu. Khách khứa vì vậy cũng giảm", anh nói.

Làm kinh doanh, anh Trường thừa nhận ở thị trấn này quý nhất là không khí và trải nghiệm về sự thư thái. Nếu tiếp tục đánh mất những ưu điểm này thì chẳng bao lâu "Đà Lạt của miền Bắc" sẽ trở thành nơi nhộn nhạo, mất chất.

Theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy mô xây dựng và dân cư thị trấn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Theo đó, thị trấn Tam Đảo được định hướng phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh với quy mô sử dụng đất khoảng 300ha, đón khoảng 300.000 lượt khách lưu trú/năm. 

Theo đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, khu vực trung tâm thị trấn Tam Đảo có mật độ xây dựng 45-50%, khu vực vùng ven có mật độ thấp hơn từ 15-20%. Các công trình cao tầng chủ yếu được xây dựng cao từ 1-7 tầng. 

Về không gian kiến trúc, Tam Đảo được chia làm 9 khu vực để tổ chức và quản lý. Trong đó, khu công viên trung tâm là “trái tim” của du lịch thị trấn này với định hướng là khu thấp tầng, mật độ xây dựng thấp. Khu vực 2 là khu công viên sinh thái, vui chơi giải trí bao gồm: Tổ hợp bãi đỗ xe; cây xanh phân tầng và bãi đỗ xe thông minh kết hợp khu đường dạo ven hồ và khu cây xanh sinh thái. Đặc biệt khu vực số 3 được định hướng là khu dịch vụ thương mại cao tầng, cho phép những công trình có tầng cao tối đa đến 15 tầng.